Thuê CEO ở doanh nghiệp Nhà nước: Nhiệm vụ bất khả thi ?

01/08/2009 09:17

Việc thuê CEO ở các DNNN không hề đơn giản như người ta vẫn thường nghĩ bởi nó có quá nhiều điều cần bàn. Thậm chí, nhiều chuyên gia còn thẳng thắn: với DNNN hiện tại, đây là một nhiệm vụ bất khả thi.

Thuê CEO ở doanh nghiệp Nhà nước: Nhiệm vụ bất khả thi ?

Việc được ký hợp đồng thuê Tổng giám đốc điều hành (CEO) đã giúp các DN tự chủ hơn trong việc lựa chọn những người có tài phù hợp vị trí điều hành, thay vì như cơ chế cũ, DN ngồi chờ cơ quan chủ quản bổ nhiệm hoặc đề xuất bổ nhiệm. Tuy nhiên, trên thực tế việc thuê CEO ở các DNNN không hề đơn giản như người ta vẫn thường nghĩ bởi nó có quá nhiều điều cần bàn. Thậm chí, nhiều chuyên gia còn thẳng thắn: với DNNN hiện tại, đây là một nhiệm vụ bất khả thi.

Còn nhớ, sau khi Thủ tướng Chính phủ có ý kiến và giao cho các bộ thực hiện việc thí điểm thuê CEO, cơ quan có trách nhiệm để xuất và lấy ý kiến về việc thi tuyển GĐ cho DNNN đã được dư luận rất quan tâm và mong muốn có nhiều sự thay đổi.

TCty công nghiệp tàu thủy mới chỉ có đề án thí điểm thuê tổng giám đốc

Nhưng cũng đã xuất hiện những ý kiến, những băn khoăn về tính hiện thực của ý tưởng này. Ngay chính những người trong cuộc, Chủ tịch HĐQT ở một số tập đoàn kinh tế cũng cho rằng, với cơ chế bỏ phiếu tín nhiệm khi đánh giá cán bộ quản lý để bổ nhiệm phải đi từ cấp cơ sở như hiện nay, việc thi tuyển giám đốc trong các DNNN khó mà thực hiện được. Đó là chưa kể tới việc nhiều lãnh đạo các DNNN, thậm chí kể cả người có trách nhiệm về công tác cán bộ vì lý do nào đó, thực tâm không hề muốn thuê giám đốc có trình độ quản lý, chuyên môn bài bản, có khả năng điều hành sản xuất kinh doanh hiệu quả. Có lẽ vì lý do đó mà việc ban hành một quyết định khả thi về việc thuê CEO ở các DNNN đã lắng theo thời gian và đến nay kết quả mà nó đạt được thực sự vẫn rất khiêm tốn.

Vì sao khó?

Khi bình luận về việc thuê CEO cho DNNN hiện nay, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhận định: Có nhiều Cty lớn rất cần đến những giám đốc điều hành chuyên nghiệp và chúng ta đã mở cửa cho việc thuê giám đốc kể cả là người nước ngoài nhưng vẫn không ai muốn nhảy vào. Vì cơ chế của chúng ta còn thiếu sự rõ ràng giữa quyền hạn, trách nhiệm của HĐQT và tổng giám đốc quản lý. Điều này dẫn đến một số đơn vị chủ tịch HĐQT kiêm luôn CEO, vừa đại diện cho Nhà nước về cổ phần nhà nước vừa vận hành quản lý DN. Hơn nữa, chúng ta còn thiếu tính minh bạch trong hệ thống quản trị; Chưa xây dựng được tiêu chí quản trị DN. Những hạn chế đó làm mất sức hấp dẫn của một CEO ở VN.

Cũng đồng cảm với quan điểm trên, TS Nguyễn Quang A dẫn chứng: Hiện nay, khi Nhà nước còn chiếm 51% cổ phần ở các DNNN , tức là hội đồng quản trị cũng của nhà nước, kèm theo đó các bộ phận đoàn thể thì trên thực tế CEO vẫn chưa có thực quyền vì quyết nhiều việc vẫn phải xin ý kiến những địa chỉ này. Nói cách khác, một CEO mới dù được ký hợp đồng vẫn bị chi phối rất nhiều bởi cơ chế. Để việc thuê CEO có hiệu quả chỉ còn cách áp dụng tại các DNNN đã cổ phần hoá mà sở hữu của nhà nước không chiếm quá 49%

Một số chuyên gia, đặc biệt là một số GĐ Cty tư nhân có nhận xét khá bi quan. Họ cho rằng việc thuê giám đốc DNNN là khó khả thi, bởi nhiệm kỳ giám đốc chỉ vài ba năm, nếu DN đó đang mạnh thì chẳng ai dại gì mà lại đi thuê giám đốc mới. Còn nếu DN đó đang yếu thì cũng chẳng ai dại gì mà nhảy vào đó, vì rất khó trong vòng vài ba năm mà có thể thay đổi ngay được. Thậm chí, họ còn thẳng thừng: Nếu có cơ hội thử sức thì họ sẽ khởi nghiệp ở ngay chính DN của họ chứ không chọn một DNNN để thực hiện!

Còn nhớ tại một hội nghị với các tập đoàn kinh tế, TCty 91 và một số DN lớn cách đây chừng hơn một năm do Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng chủ trì nhằm tìm hướng giải quyết cho câu hỏi: DNNN có thuê được giám đốc hay không? Khi đó đa số các DN đều đưa ra nhiều lý do khác nhau nhưng bất kỳ ai tham dự hôm đó cũng hiểu rằng họ (lãnh đạo các DN) vẫn chưa "vượt qua được chính mình" bằng những lý do khó thuyết phục đó là về cơ chế. Mặc dù Phó Thủ tướng đã nhắc đi nhắc lại: "Khó cái gì các đồng chí cho ý kiến để Chính phủ cùng tháo gỡ" nhằm thực hiện bằng được việc thuê tổng giám đốc đối với DNNN mà ai cũng hiểu được rằng nếu thuê được một giám đốc giỏi thì chắc chắn hoạt động kinh doanh của DN đó sẽ tốt hơn. Cũng tại cuộc họp đó, tinh thần của Phó Thủ tướng đã rất rõ ràng: Lãnh đạo DNNN không muốn thực hiện việc thuê TGD, các đồng chí đều kêu khó, nhưng khó đến đâu gỡ đến đó. Hoàn toàn phụ thuộc vào quyết tâm của DN. Có thể nói đây là tư tưởng chỉ đạo cũng như quyết tâm rất rõ của Chính phủ nhằm thực hiện việc thuê CEO DNNN theo luật.

Nhận định xung quanh vấn đề này,TS Nguyễn Đức Vân - Chuyên viên cao cấp VPCP cho rằng lý do chính của việc "khó thuê" TGD ở các DNNN là do cơ chế quản lý cán bộ hiện tại chưa thực hiện được, do Luật Lao động điều chỉnh chưa hết, nhất là vấn đề sa thải người lao động, vấn đề trả lương cho TGD thuê theo cách nào ?... Nhưng theo TS Vân, có một lý do quan trọng nhất là phải vượt lên chính mình. Vấn đề đặt ra tưởng chừng không khó nhưng lại là vấn đề quan trọng nhất, có ý nghĩa quyết định khi thực hiện chế độ thuê TGD theo luật. Đó là những người có trách nhiệm chưa muốn hoặc không muốn triển khai. Bởi họ sợ bị chia sẻ quyền lực. Điều này theo TS Vân đang là một thực tế không ít ở một số DNNN khi TGD nghỉ hưu hoặc biến động thì người giữ cương vị Chủ tịch HĐQT đề nghị cấp trên cho xây dựng thí điểm phương án thuê CEO. Bằng chứng là nhiều năm nay mặc dù quy chế đã được phê duyệt nhưng vẫn chưa thuê được ai. Chính vì vậy mà việc kéo dài tình trạng Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ là việc làm vi phạm luật cần được xem xét nghiêm túc - TS Vân nói.

Cũng bởi lẽ câu chuyện thuê CEO ở các DNNN có quá nhiều điều cần bàn và đang trong thời kỳ thí điểm nên ngay bản thân các DN đã thuê được CEO rất "ngại" trao đổi với phóng viên. Người viết bài này đã cố gắng liên lạc với một số DNNN đã thuê được CEO nhưng đều nhận được câu trả lời là đang tổng kết 1 năm điều hành của CEO mới nên chưa có câu trả lời hay bình luận gì về vấn đề này !

Lối ra nào cho việc thuê CEO ?

Khi nhận định về việc thuê CEO trong các DNNN, các chuyên gia kinh tế cho rằng sẽ rất khó nếu vẫn giữ nguyên cơ chế như hiện nay. Bởi hiện nay, khi Nhà nước còn chiếm 51% cổ phần ở các DNNN, tức là HĐQT cũng của Nhà nước, kèm theo đó các bộ phận đoàn thể thì trên thực tế CEO chưa có thực quyền vì quyết nhiều việc vẫn phải xin ý kiến những "địa chỉ" này. Nói cách khác là một CEO mới dù được ký hợp đồng vẫn bị chi phối rất nhiều bởi cơ chế. Để việc thuê CEO có hiệu quả chỉ còn cách áp dụng tại các DNNN đã cổ phần hoá mà sở hữu của nhà nước không chiếm quá 49%. Các chuyên gia cho rằng, để có thể giải quyết vấn đề này, ngoài việc cổ phần hóa các DNNN, có một cách có thể tuyển CEO cho các DN trong thời điểm hiện tại là giao cho TCty Quản lý và Đầu tư vốn nhà nước (SCIC) thực hiện việc này cùng với các DN. Đơn vị sở hữu vốn nhà nước tại các DN sẽ ban hành những quy chế thi tuyển rạch ròi và chịu trách nhiệm trước Nhà nước về hiệu quả của các CEO được tuyển chọn, nhằm tránh những tác động không cần thiết, những chi phối DN từ bộ chủ quản như hiện tại.

Việc thuê CEO trong các DNNN hiện nay chẳng khác nào một bài toán không có lời giải.

Một chuyên gia có kinh nghiệm lâu năm về “săn đầu người” quốc tế thì ví von: Việc thuê CEO trong các DNNN hiện nay chẳng khác nào một bài toán không có lời giải. Thậm chí ông này còn cho rằng một bài toán sai thì cách giải nào cũng sai, kể cả hình thức thí điểm. “ Với DN nước ngoài hoặc DN tư nhân, sẽ rất đơn giản, nếu phù hợp và đảm trách được nhiệm vụ điều hành, sinh lợi cho DN thì sử dụng. Còn nếu CEO làm không tốt thì chấm dứt hợp đồng. Nhưng với DNNN, khi còn bị quá nhiều thứ chi phối, quy trách nhiệm cho người đứng đầu, dù được ký hợp đồng chăng nữa, cũng là chuyện không đơn giản” - vị chuyên gia này thẳng thừng.

Trong khi đó, TS Nguyễn Đức Vân lại cho rằng: Ở VN khác các nước khác ở chỗ thay vì trách nhiệm tài chính lại được điều chỉnh bởi trách nhiệm chính trị, tức là chỉ cần một bản quyết định khổ A4 có "dấu son" của một cấp có thẩm quyền nào đó người cán bộ giữ trọng trách chủ tịch HĐQT hay CEO, thay mặt DN ký nhận vốn và tài sản của Nhà nước ít nhất cũng vài trăm, thậm chí vài ngàn tỷ đồng. Nếu người đó làm tròn trách nhiệm với chữ "tín" chính trị của mình là điều hành sản xuất kinh doanh làm lợi cho Nhà nước thì cực kỳ quý. Ngược lại, nếu chỉ đạo làm ăn thất thoát hàng tỷ, thậm chí hàng trăm tỷ đồng thì thay vì trách nhiệm tài chính là một quyết định có "dấu son" là được "hạ cánh an toàn" hoặc chuyển lên một ví trí cao hơn, để lại gánh nặng trên vai "Nhà nước và nhân dân" phải gánh chịu. Vì thế, theo TS Vân, một trong những điều kiện quan trọng đối với những người được tham dự thi tuyển CEO DNNN ngoài những tiêu chuẩn chung khác ra là còn phải có một số tài sản nhất định coi như tín chấp, tùy theo quy mô của từng DN. Hay nói cách khác, nếu được bổ nhiệm làm giám đốc DNNN thì nhất thiết phải có sự bảo đảm bằng tài sản. Số tài sản đó được tham gia quá trình sản xuất kinh doanh và cũng là tài sản tín chấp bằng hiện vật đối với nhà nước. Có như vậy những điều kiện được đặt ra là bảo toàn vốn, cải thiện đời sống người lao động, làm nghĩa vụ với ngân sách nhà nước... mới có tính khả thi - TS Vân nói.

Đôi điều suy ngẫm

Việc đặt ra cơ chế thuê CEO đối với các DNNN không gì ngoài mục đích làm cho DN hoạt động năng động, hiệu quả hơn thông qua việc người đứng đầu có trách nhiệm hơn trong những quyết định kinh doanh của mình. Tuy nhiên, thực hiện cơ chế này vẫn còn những ràng buộc cả từ ý thức mỗi người, mỗi DN, cả từ khung pháp lý. Cho nên cánh cửa cho CEO - có vẻ rộng mở đấy nhưng thực chất lại vô cùng bó hẹp, không tạo ra được lực hấp dẫn đối với những người thực sự có năng lực và thực sự tâm huyết với sự phát triển của một DN. Nên cần lắm những thay đổi đồng bộ, những nỗ lực đồng bộ để cơ chế thuê CEO phát huy được hết những tính năng ưu việt của nó.

Các chuyên gia cho rằng với thực tế hiện nay, 3/5 đơn vị đã được phê duyệt quy chế HĐQT ký hợp đồng với CEO, Nhà nước nên quy định lộ trình thực hiện bằng thời gian cụ thể việc thí điểm này. Nếu không việc thuê CEO trong DNNN vẫn chỉ dừng lại trên đề án thí điểm. Cần sơ kết một cách thực tiễn và khoa học, nhất là cơ sở cho việc áp dụng có hiệu quả trong việc triển khai tập đoàn kinh tế, cần giao HĐQT chịu trách nhiệm trước cấp trên trực tiếp về việc bổ nhiệm hoặc thuê CEO. Một mặt đề cao vai trò của đại diện chủ sở hữu nhà nước, mặt khác phải tự nâng cao năng lực quản trị DN về mọi mặt đối với HĐQT khi được Nhà nước giao quyền đại diện chủ sở hữu Nhà nước tại DN.

5 TCty đã được chấp thuận thí điểm mô hình hội đồng quản trị ký hợp đồng với CEO, gồm Vinashin, Vinamotor, VEC, Thuỷ tinh và Gốm xây dựng và Cty vận tải đa phương thức. Ngoài TCty Thủy tinh và Gốm xây dựng, cả 4 DN còn lại đều đã trình đề án thí điểm thuê CEO và đã được Thủ tướng phê duyệt. Đến nay 3/4 đơn vị đã thuê được CEO. Tuy nhiên, điều đáng nói là những vị CEO này chủ yếu vẫn là những người "trong nhà" của các DN này (là những giám đốc Cty thành viên).
(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thuê CEO ở doanh nghiệp Nhà nước: Nhiệm vụ bất khả thi ?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO