Người không xa xứ

CUNG CẦU| 25/09/2009 07:10

Với Trần Thắng, quê hương luôn đồng hành với mọi hoài bão của anh.

Người không xa xứ

Với Trần Thắng, quê hương luôn đồng hành với mọi hoài bão của anh. Từ một sinh viên cho tới vị trí Chủ tịch Viện Văn hóa và Giáo dục Việt Nam tại Mỹ (The Institute for Vietnamese Culture & Education - IVCE), văn hóa và trí thức Việt luôn là những dấu ấn quan trọng đánh dấu những thành công của anh.

Năm 1991, Trần Thắng cùng gia đình rời VN sang Mỹ định cư tại bang Connecticut, vùng Đông Bắc nước Mỹ. Thời gian là sinh viên ngành cơ khí tại Đại học Connecticut, anh tích cực tham gia nhiều hoạt động của hội sinh viên trường; rồi lên Boston, cùng một số bạn bè thành lập Tổng hội Sinh viên VN của các trường đại học vùng New England vào năm 1996. Tổng hội tổ chức nhiều hoạt động thu hút sinh viên tham gia, như các đêm dạ vũ, các hoạt động văn nghệ, thể thao... Anh thường nói với các bạn: “Tham gia công tác xã hội không những giúp mình năng động hơn, học và làm sáng tạo hơn, mà còn tạo dựng nên giá trị cộng đồng”.

Trần Thắng tại một hội thảo du học Hoa Kỳ do IVCE tổ chức

Năm 1996, Trần Thắng cùng một số bạn bè thành lập tạp chí Nhịp sống, phát hành tại nhiều nước và trở thành diễn đàn văn hóa - giáo dục cho không ít người trong cộng đồng người Việt, đặc biệt là các học giả và trí thức VN ở nhiều nước trên thế giới. Với ước nguyện tạo lập nhịp cầu văn hóa và giáo dục thiết thực và hiệu quả giữa VN và Mỹ, anh và những người cùng chí hướng quyết định thành lập IVCE tại New York từ năm 2000. Ban điều hành IVCE gồm bảy người trẻ tuổi, công tác ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Ban cố vấn IVCE gồm bảy người: GS. Trần Văn Khê, GS. John Balaban, GS. Nguyễn Thuyết Phong, TS. Ngô Thanh Nhàn, GS. Trần Vũ Hoa, Trần Thuận và Trần Thắng.

Trần Thắng đã ấp ủ ý tưởng về việc phát huy văn hóa VN trong cộng đồng người Việt và giới thiệu truyền thống và tinh hoa văn hóa VN đến với người Mỹ từ năm 1993. Anh nghiệm ra “giáo dục và văn hóa thực sự là nền tảng để phát triển xã hội VN”. “Kể từ năm 2004, chương trình của IVCE ngày càng phong phú. Vừa làm công việc chuyên môn, vừa điều hành IVCE nên tôi khá bận rộn. Đầu năm 2007, khi dự án của tôi ở công ty hoàn thành, tôi quyết định tạm nghỉ một thời gian để đưa IVCE đến với nhiều chương trình hiệu quả hơn trong những năm tiếp theo”, Trần Thắng giải thích quyết định tạm chia tay công việc của một kỹ sư để toàn tâm toàn ý cho những hoạt động của IVCE mà không hưởng lương.

“Khi nhận sinh viên vào trường đại học là chúng ta nhận con người, không phải nhận con số (điểm thi đại học). Nếu nhận con người thì chúng ta sẽ có nhiều yếu tố để đánh giá như điểm học tại trường phổ thông trung học, công tác xã hội, kinh nghiệm làm việc hay kết quả nghiên cứu (đối với chương trình thạc sĩ hay tiến sĩ)..., chứ không đơn thuần là điểm thi”. (Trần Thắng)

Chính thức triển khai hoạt động từ năm 2002, IVCE đã tổ chức nhiều đợt giới thiệu phim VN, triển lãm tranh của các họa sĩ VN, biểu diễn âm nhạc dân tộc, thuyết trình văn hóa... tại Mỹ. Mỗi năm có khoảng năm, sáu chương trình cùng với các hoạt động giao lưu với nghệ sĩ, trao đổi, thảo luận về tác phẩm và ngày càng có nhiều trường đại học tên tuổi ở Mỹ hợp tác với IVCE để thực hiện các chương trình này. Đến nay, nhiều phim truyện VN đã được IVCE tổ chức trình chiếu ở Mỹ: Đời cát, Mê Thảo - Thời vang bóng, Vua bãi rác, Của rơi, Mùa len trâu, Chuyện của Pao, Sống trong sợ hãi, Trăng nơi đáy giếng...

Phần giao lưu sau các buổi chiếu phim được đặc biệt quan tâm vì Trần Thắng và IVCE muốn các bạn trẻ VN ở Mỹ và người Mỹ có dịp khám phá và tăng cường hiểu biết về văn hóa và đời sống của người VN thông qua những hình ảnh, câu chuyện phim, nghĩa là hướng tới mục tiêu nghiên cứu xã hội VN nhiều hơn.

Năm 1998, Trần Thắng bắt đầu triển khai những hoạt động tư vấn du học Hoa Kỳ, khởi xướng cho những hoạt động tương tự sau này. Kể từ năm 2000 đến tháng 6/2009, IVCE đã tư vấn du học cho khoảng 7.000 lượt người, tổ chức hội thảo du học tại Đại học Cần Thơ, Đại học Quốc tế TP.HCM, Đại học Nha Trang, Đại học Bách khoa Đà Nẵng, Đại học Huế, Đại học Thái Nguyên...

Kết hợp với các trường đại học tại VN, IVCE thường xuyên tổ chức các lớp học ngắn hạn về các môn thi vào đại học cho sinh viên, học sinh để định hướng và hướng dẫn người học cách tự học và làm quen với phương pháp học trước khi bước vào con đường du học Hoa Kỳ. Các lớp học SAT, GRE, GMAT do IVCE tổ chức hầu như chưa có đơn vị nào ở VN triển khai và tất cả đều miễn phí.

Là người nhiều năm học tập ở Mỹ, sống trong môi trường hoạt động hội của sinh viên VN nên anh hiểu những khó khăn và thuận lợi, thế mạnh cũng như điểm yếu của học sinh, sinh viên trong nước trước ngưỡng cửa du học. Vì thế, ngoài việc tổ chức hội thảo, IVCE hướng dẫn sinh viên, học sinh tự làm hồ sơ du học, chứ không để các tổ chức tư vấn làm hộ, để giúp sinh viên trưởng thành hơn, nâng cao tính cạnh tranh khi ra nước ngoài tự lập. Anh tin rằng, khi nền giáo dục VN có những chuyển biến tích cực, ngoài yếu tố xã hội và gia đình, môi trường giáo dục sẽ góp phần quan trọng tạo nên những công dân ưu tú có ích cho xã hội.

Trần Thắng hy vọng, số sinh viên du học Hoa Kỳ khi trở về sẽ đóng góp thiết thực cho sự phát triển của đất nước. Anh chia sẻ những băn khoăn về việc thiếu hụt đội ngũ lãnh đạo đất nước trong khoảng 10 - 20 năm tới, khi số du học sinh theo chuyên ngành kỹ thuật và khoa học chiếm số lượng áp đảo so với số học các ngành khoa học xã hội. Và hiện những người trẻ có năng lực thường không thích làm việc ở các cơ quan công quyền. “Cuộc sống luôn mở ra nhiều cơ hội, mỗi người có thể chọn một con đường để làm việc và cống hiến. Cuộc sống của mình là quan trọng, nhưng cuộc sống của những người xung quanh mình cũng quan trọng không kém”, Trần Thắng bày tỏ.  

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Người không xa xứ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO