Giải pháp thúc đẩy thu hút vốn FDI cho TP.HCM

Phạm Dung| 16/09/2022 06:00

Để thúc đẩy thu hút vốn FDI cho TP.HCM, cần giải quyết những vướng mắc, trì trệ trong thủ tục, quy trình; điều chỉnh hoạt động đầu tư song song với thúc đẩy sự phát triển của các lĩnh vực mới như công nghệ, tài chính, hạ tầng đô thị, nguồn nhân sự chất lượng…

Giải pháp thúc đẩy thu hút vốn FDI cho TP.HCM

Chia sẻ “Diễn đàn hỗ trợ đầu tư và tổng kết chuỗi sự kiện xúc tiến đầu tư 2022” do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC) phối hợp Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) tổ chức sáng 15/9/2022, TS. Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VIAC dẫn thống kê từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, trong 8 tháng đầu năm 2022, nhà đầu tư nước ngoài đã “rót” gần 16,8 tỷ USD vào Việt Nam. Đây là một tín hiệu đáng mừng và cho thấy Việt Nam vẫn đang giữ vững được vị trí là một địa điểm đầu tư đáng tin cậy.

Trong 53 tỉnh thành tiếp nhận nguồn vốn đầu tư, TP.HCM là nơi dẫn đầu về tỷ lệ đầu tư cũng như các dự án mới. Tuy nhiên, để có thể thu hút mạnh mẽ vốn FDI mới, các nhà đầu tư cho rằng TP.HCM cần giải quyết những vướng mắc, trì trệ trong thủ tục, quy trình; điều chỉnh hoạt động đầu tư song song với thúc đẩy sự phát triển của các lĩnh vực mới như công nghệ, tài chính, hạ tầng đô thị, nguồn nhân sự chất lượng…

TS. Phan Hữu Thắng - Chủ tịch Viện Nghiên cứu đầu tư quốc tế cho hay, Việt Nam thuộc số ít nước ASEAN duy trì được dòng vốn FDI ổn định qua nhiều năm. Trong năm 2021, vốn FDI đăng ký đạt 31,15 tỷ USD, tăng 9,2% so với năm 2020 và FDI thực hiện đạt 19,74 tỷ USD, giảm nhẹ 1,2% so với năm 2020. Khu vực FDI xuất siêu (tính cả dầu thô) là 28,5 tỷ USD, trong nhập siêu trên 25,5 tỷ USD.

Để đảm bảo việc thực hiện đầu tư hiệu quả, theo TS. Phan Hữu Thắng cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nhiệm vụ hoàn thiện luật pháp, chính sách; rà soát, đánh giá các dự án đang hoạt động, từ đó xây dựng chiến lược, định vị lại lợi thế của Việt Nam. Bên cạnh đó, phải chú trọng điều chỉnh hoạt động xúc tiến đầu tư theo hướng thống nhất, có trọng tâm, trọng điểm, thể hiện tính liên ngành, liên vùng, gắn với thị trường, đối tác đầu tư và dự án cụ thể.

“Để đón làn sóng đầu tư trong bối cảnh mới, TP.HCM cần chuẩn bị sẵn nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu về chất lượng và số lượng cho nhiều lĩnh vực, tiếp tục đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại để thu hút đầu tư nước ngoài”, TS. Thắng nói.

Ông Leif Schneider - Trưởng Tiểu ban pháp luật Hiệp hội các doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam (Eurocham), cho biết, hiện có một làn sóng nhà đầu tư mới đang đến Việt Nam để tìm hiểu cơ hội và TP.HCM có vị trí tốt để thu hút thị phần đầu tư này.

Tuy nhiên ông Leif Schneider cũng cho rằng, các dự án đầu tư nước ngoài vẫn còn gặp khó khăn khi áp dụng quy định, quy tắc và thủ tục tại Việt Nam. Nhà đầu tư thường phải đối mặt với thời gian không xác định của các thủ tục cấp phép (hoặc phê duyệt M&A).

“Việt Nam có ưu thế về lực lượng lao động lớn với chi phí tương đối thấp nhưng trình độ học vấn tổng thể chưa cao, bất đồng về ngôn ngữ đã gây khó khăn trong quá trình giao tiếp và trực tiếp đến quá trình làm việc. Để xây dựng kế hoạch đầu tư vào Việt Nam một cách hiệu quả - yếu tố con người được xem là tiên quyết, thị trường lao động của Việt Nam sẽ phải thích ứng với yêu cầu ngày càng cao trong giáo dục và đào tạo”, ông Leif Schneider nhận định.

z3725702915638-2f5991790024641346a65e2ec

Các chuyên gia trao đổi, đề xuất giải pháp thúc đẩy thu hút vốn FDI cho TP.HCM tại sự kiện

Ở góc độ pháp lý, ông Frederick R. Burke - Cố vấn cấp cao Baker & Mc Kenzie (Vietnam) LTD cho rằng, khung pháp lý là một trong những mối quan tâm của nhà đầu tư khi tiến hành các dự án đầu tư tại TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung. Thời gian qua, với những thay đổi trong quy định pháp luật đã khiến nhiều nhà đầu tư nhiều khó khăn khi thực hiện đầu tư.

Ông cho rằng ngoài những vấn đề liên quan đến môi trường đầu tư, Việt Nam cần quan tâm đến các yếu tố khác như tính công khai, minh bạch, ổn định, dễ dự báo về thể chế, chính sách và luật pháp đồng thời thực thi pháp luật nghiêm minh, thống nhất, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư… Đây là những quy định quan trọng, bởi nó liên quan đến nhiều vấn đề nhà đầu tư quan tâm, trong đó có vấn đề chi phí vốn và cấp độ quốc tế.

Bên cạnh đó là các Hiệp định bảo hộ đầu tư, được xem như một chế định không thể thiếu trong hệ thống pháp luật về đầu tư của bất kì quốc gia nào, có ý nghĩa quyết định trong việc thu hút đầu tư nước ngoài.

“Cần xây dựng mô hình rà soát và xử lý khó khăn cho nhà đầu tư nước ngoài nhằm thu hút các dự án đầu tư sử dụng công nghệ tiên tiến, mở rộng thị trường. Từ đó tạo cơ sở pháp lý, môi trường đầu tư an toàn, thuận lợi cho sự phát triển kinh tế - xã hội”, ông Frederick R. Burke nhấn mạnh.

Tính đến tháng 8/2022, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 16,8 tỷ USD, bằng 87,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, tuy vốn đăng ký mới chưa hồi phục hoàn toàn sau sự gián đoạn của các biện pháp chống dịch năm 2021, song vốn điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần tăng lần lượt là 50,7% và 3,6%.

Vốn thực hiện của dự án đầu tư nước ngoài ước tính đạt 12,8 tỷ USD, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính lũy kế đến ngày 20/8/2022, cả nước có 35.539 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký trên 430 tỷ USD, bằng 61,5% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Giải pháp thúc đẩy thu hút vốn FDI cho TP.HCM
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO