Dụng nhân như dụng mộc

LỮ Ý NHI| 17/12/2009 08:21

Quản trị nhân sự dù đã hiện hữu trong các doanh nghiệp (DN) ở Việt Nam, nhưng vẫn chưa được coi là một công việc cần tính chuyên nghiệp, vì thế nhiều DN cũng chưa phát huy hết vai trò của công việc này...

Dụng nhân như dụng mộc

Quản trị nhân sự (QTNS) dù đã hiện hữu trong các doanh nghiệp (DN) ở Việt Nam, nhưng vẫn chưa được coi là một công việc cần tính chuyên nghiệp, vì thế nhiều DN cũng chưa phát huy hết vai trò của công việc này.

Vốn nhân lực

QTNS là quản lý con người trong phạm vi nội bộ; thu hút, lôi cuốn người giỏi; sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực, tạo điều kiện phát triển, tận tâm, trung thành và cống hiến tài năng để mang lại hiệu quả cho DN. Nếu không quản lý tốt nguồn nhân lực thì việc quản lý các nguồn lực khác cũng sẽ khó hiệu quả, vì suy cho cùng, mọi hoạt động đều được thực hiện bởi con người, chính con người quyết định sự thành, bại của DN.

Theo ông Ngô Đình Đức, Tổng giám đốc Công ty cổ phần L&A, hiện trên thế giới, QTNS đã có những thay đổi rõ rệt, đã chuyển sang mô hình “Vốn nhân lực” (Human Capital). Các nhà QTNS hàng đầu xem nguồn nhân lực của một tổ chức là nguồn vốn; nguồn vốn này được đầu tư và được đánh giá, kiểm soát hiệu quả bằng những công cụ khoa học rõ ràng, nhằm quy đổi ra giá trị đồng tiền cho DN. Đây là một giá trị không nhỏ khi DN thực hiện các thương vụ sáp nhập, mua bán, và là thước đo tác động đến cái nhìn của cổ đông, nhà đầu tư, khách hàng và xã hội.

Để tồn tại và phát triển, DN phải có chiến lược kinh doanh khôn ngoan, phải khác biệt để tạo lợi thế cạnh tranh và phát triển bền vững. Yếu tố nguồn vốn nhân lực được xem là cốt lõi nhằm tạo ra sản phẩm, dịch vụ, tìm kiếm khách hàng, thương hiệu và đến đích cuối cùng là doanh thu, lợi nhuận.

Giai đoạn từ năm 2006 đến nay, sự cạnh tranh trong việc thu hút nhân viên và kiểm soát chi phí nhân sự đã ứng dụng nhiều công cụ để hỗ trợ cho lãnh đạo công ty. Một số ít DN đã thành công trong hoạt động kinh doanh, tạo sự khác biệt trong lĩnh vực nhân sự bằng chiến lược kinh doanh phát triển bài bản và dài hạn, nên thu hút tuyển dụng và quản trị nguồn nhân lực chuyên nghiệp hơn.

Tuy nhiên, nhiều DN Việt Nam hiện vẫn chưa đánh giá đúng tầm vóc và mức độ quan trọng của QTNS; chiến lược về con người hầu như vẫn chưa được đưa vào chiến lược của DN một cách cụ thể và có đầu tư sâu. Khó khăn và thách thức lớn nhất đối với các DN hiện nay không phải là thiếu vốn hay trình độ kỹ thuật, mà là làm thế nào để quản trị nguồn nhân lực có hiệu quả.

Đại đa số DN vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc giải những bài toán về chất lượng quản lý con người bằng hệ thống quản trị nhân sự khoa học, hiệu quả và phù hợp với mục tiêu phát triển của mình. Hệ thống đào tạo chính quy của Việt Nam vẫn chưa truyền tải được mảng kiến thức và kỹ năng cơ bản cho người làm nghề nhân sự, chưa đủ sức cung cấp cho các DN những người có khả năng giải quyết những bài toán trên một cách bài bản và bền vững.

Do những hạn chế này, theo ông Đức, khi gặp môi trường kinh doanh không thuận lợi, điểm yếu của DN bộc lộ rất rõ: đội ngũ nhân viên và ban lãnh đạo DN không cùng một hướng, dẫn đến DN dễ mất nhân viên giỏi...

Dùng người - chuyên và sâu

Thực tế cho thấy, các DN Việt Nam trung bình chỉ sử dụng khoảng 40% năng suất của nguồn nhân lực mà họ đang sở hữu. Khi mở rộng quy mô sản xuất và kinh doanh, nhiều DN phải đối mặt với khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn nhân lực phù hợp, chưa kể tỷ lệ chảy máu chất xám ở nhiều DN luôn ở mức cao. Khi xảy ra tình trạng này, DN phải mất nhiều thời gian cho việc đào tạo để nhân viên mới hòa nhập với môi trường, sẽ ảnh hưởng đến tiến độ hoạt động của công ty.

Bà Cáp Thị Minh Trang, bộ phận tư vấn nhân sự Công ty Nhân Việt cũng cho rằng: "QTNS ngày càng chứng minh được vai trò quan trọng trong sự phát triển của DN. Hiện nay, tuy các DN đều có bộ phận QTNS, nhưng thường chỉ chú trọng vào việc kinh doanh và sản xuất, tiếp thị. Bộ phận nhân sự thường chỉ hoạt động để phục vụ một số nhu cầu hành chính như tuyển dụng nhân sự, chi trả lương, bảo hiểm y tế... Ở một vài công ty, bộ phận QTNS còn kiêm luôn công việc của bộ phận hành chính, dẫn đến thiếu chiều sâu cũng như tính chuyên nghiệp”.

Tại “Ngày hội Nghề nhân sự” vừa được EduViet tổ chức, nhiều ý kiến cho rằng, những khó khăn, hạn chế trong QTNS ở Việt Nam đang đặt ra nhu cầu các DN phải có chính sách tuyển dụng, QTNS bài bản, chuyên nghiệp, trong đó cần phải đặt mục tiêu đào tạo và phát triển nguồn nhân lực với các chương trình, nội dung và phương pháp đào tạo thích hợp.

Đây là vấn đề quan trọng, đòi hỏi bộ phận QTNS DN phải hết sức thận trọng, vì tất cả chi phí đào tạo đều tính vào chi phí sản xuất - kinh doanh của DN, và phải được hoàn lại. DN có thể áp dụng một trong các hình thức đào tạo với các chương trình và phương pháp đào tạo phổ biến, như: đào tạo tại nơi làm việc; đào tạo ngoài nơi làm việc, tại các trường, các lớp đào tạo, huấn luyện nâng cao tay nghề và nâng cao năng lực cho quản trị gia, đào tạo tại các trường đại học. Các nhà QTNS cũng phải kiểm tra, giám sát, đánh giá mức độ hoàn thành công việc của người lao động để đưa ra mức thù lao hợp lý, như vậy mới kích thích và động viên chất xám đóng góp cho DN...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Dụng nhân như dụng mộc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO