Một số tin tức nổi bật khác như sản xuất công nghiệp TP.HCM giảm gần 50%; gần 250.000 tỷ đầu tư công cần giải ngân ba tháng cuối năm; PC-Covid sẽ là ứng dụng thống nhất cho mục đích chống dịch Covid-19...
Doanh nghiệp kiến nghị tăng số giờ làm thêm lên 400 giờ/năm
![]() |
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) vừa có công văn gửi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, đóng góp ý kiến xây dựng Nghị quyết về việc cho phép không áp dụng giới hạn số giờ làm thêm trong một tháng và được tổ chức làm thêm đến 400 giờ trong một năm không phụ thộc vào ngành nghề sản xuất, để đảm bảo bù đắp cho việc thiếu hụt lao động trầm trọng do dịch bệnh Covid-19 gây ra.
Theo VASEP, quy định này sẽ giúp doanh nghiệp chủ động hơn trong việc bố trí, sắp xếp kế hoạch làm thêm tùy thuộc theo tình hình thực tế của doanh nghiệp về nguyên liệu và lực lượng lao động. Doanh nghiệp chịu trách nhiệm quản lý, tổ chức thời gian làm thêm theo đúng quy định của Nghị quyết và chịu trách nhiệm hậu kiểm.
Sản xuất công nghiệp TP.HCM giảm gần 50%
![]() |
Theo báo cáo vừa được công bố của Tổng cục Thống kê, chỉ số sản xuất công nghiệp của TP.HCM giảm tới 47,1% trong quý III. Trong khi đó, GDP quý III của TP.HCM giảm trên 20%. Theo kết quả khảo sát nhanh của Tổng cục Thống kê trong tháng 9 vừa qua, 94,3% số doanh nghiệp chịu tác động tiêu cực bởi dịch Covid-19, trong đó 19 tỉnh, thành phía thành phía Nam có tới 98,9% số doanh nghiệp gặp khó khăn nặng nề, đặc biệt ở khu vực Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long.
Tổng cục Thống kê đánh giá tăng trưởng công nghiệp hiện nay chỉ đạt khoảng 40% so với trước dịch. Khả năng rất cao hầu hết địa phương không hoàn thành được mục tiêu phát triển công nghiệp, cũng như phát triển kinh tế của cả năm, do đó ảnh hưởng đến mục tiêu hoàn thành phát triển kinh tế của cả nước.
PC-Covid sẽ là ứng dụng thống nhất cho mục đích chống dịch Covid-19
![]() |
Trong thời gian tới, PC-Covid là ứng dụng thống nhất cho mục đích phòng, chống dịch Covid-19 của người dân. Ứng dụng sẽ tích hợp các tính năng từ nhiều ứng dụng phòng dịch trước. Ứng dụng PC-Covid nằm trong kế hoạch triển khai ứng dụng phòng chống dịch Covid-19 thống nhất cho người dân, do Bkav, Viettel và VNPT hợp tác phát triển, Trung tâm Công nghệ phòng, chống dịch Covid-19 Quốc gia vận hành.
Các cơ quan chủ trì gồm Bộ Y tế, Bộ Công an và Bộ Thông tin và Truyền thông. PC-Covid đã hoàn thiện, đang chờ xét duyệt để đẩy lên kho ứng dụng Apple App Store và Google Play Store. Người dùng smartphone Android hiện cũng có thể tải app về thông qua file cài đặt APK.
Gần 250.000 tỷ đầu tư công cần giải ngân ba tháng cuối năm
![]() |
Báo cáo của Bộ Tài chính cho thấy, 8 tháng đầu năm giải ngân vốn đầu tư công đạt 183.320 tỷ đồng, tương đương 39,74% kế hoạch. Dự kiến, số vốn giải ngân đến hết tháng 9 đạt 47,38%, tương đương 218.550 tỷ đồng. So với kế hoạch Chính phủ giao vốn đầu tư công năm nay là 461.300 tỷ đồng thì vẫn còn khoảng 242.750 tỷ đồng chưa giải ngân.
Nguyên nhân giải ngân vốn đầu tư công chậm được Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định chủ yếu do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường, ngoài dự báo và nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội kéo dài. Tuy nhiên, trong điều kiện chung, vẫn có cơ quan, địa phương giải ngân tốt, cho nên vấn đề vẫn là khâu tổ chức thực hiện.
Đẩy mạnh các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
![]() |
Thống kê của Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng - Bộ Công Thương cho thấy, số lượng Hội Bảo vệ người tiêu dùng được thành lập mới tại các tỉnh, thành phố đã có sự gia tăng đáng kể, từ 44 hội trên cả nước vào năm 2012 lên 56 hội vào năm 2020. Trong đó, nhiều hội đã phát triển mạng lưới xuống cấp huyện, xã, cũng như thành lập nhiều chi hội trực thuộc.
Nhằm đáp ứng yêu cầu của công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thời gian tới, việc xây dựng và phát huy hiệu quả phối hợp liên ngành trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là vấn đề cấp thiết, mang tính định hướng cho thành công của công tác bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng cũng như quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân kinh doanh.