Cảnh trong phim The Godfather |
Sau khi phân tích dữ liệu từ 6.147 kịch bản trên trang opensubtitles.org, thống kê lợi nhuận trên trang the-numbers.com và các đánh giá mức độ hài lòng của khán giả từ IMDb..., các nhà nghiên cứu đã khám phá ra diễn biến tâm lý nhân vật chính có thể hái ra nhiều tiền nhất.
Nghiên cứu này đã được thư viện Đại học Cornell phát hành với tựa đề Khoa học dữ liệu của Hollywood: Sử dụng các diễn biến tâm lý của các bộ phim để thúc đẩy sự đổi mới mô hình kinh doanh trong ngành công nghiệp giải trí.
Cụ thể, các nhà khoa học đã chia các bộ phim thành 6 cụm diễn biến tâm lý mà trước đây được dùng để phân loại các tiểu thuyết. Đó là "rags to riches" (vui vẻ dần) như phim The Shawshank Redemption; "riches to rags" (buồn bã dần) như Psycho; "man in a hole" (buồn bã rồi lại vui vẻ) như The Godfather; "Icarus" (vui vẻ chuyển sang buồn bã) như On the Waterfront; "Cinderella" (vui vẻ rồi buồn bã rồi lại vui vẻ) như Babe (1995); và "Oedipus" (buồn bã rồi vui vẻ rồi lại buồn bã) như All About My Mother. Và sau đó họ sắp ra những cụm diễn biến thành công nhất trong doanh thu phòng vé ở 21 thể loại.
Nghiên cứu cho thấy những phim có diễn biến theo quỹ đạo "man in a hole" tuy không được ưa chuộng nhất nhưng lại thành công nhất về mặt tài chính ở tất cả các thể loại, tiêu tốn trung bình khoảng 40,5 triệu USD để sản xuất và thu về trung bình khoảng 54,9 triệu USD.
Đối với các phim tiểu sử, "riches to rags" là diễn biến nổi tiếng nhất, nhưng ít thành công hơn trong thể loại thần bí và giật gân. Đối với thể loại hài thì "riches to rags" là diễn biến ít khả quan nhất. Tuy nhiên, nó sẽ thành công về mặt tài chính nếu được sử dụng trong thể loại sử thi và phim kinh phí lớn, như series Batman.
Còn "Icarus" có tác dụng nhất với những phim kinh phí thấp. Những phim có diễn biến "Oedipus" thường không có kết quả tốt tại các lễ trao giải...
Các nhà khoa học hy vọng nghiên cứu học thuật này sẽ giúp các công ty phim sáng tạo hơn và cảm thấy an tâm khi mở rộng danh mục đầu tư.
(Nguồn: The Guardian)