Tiếp cận nguồn vốn chính thức

TS. VÕ TRÍ THÀNH Phó Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương| 11/05/2010 08:26

Doanh nghiệp nhỏ và vừa có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của các nước trên thế giới, dù là nước phát triển hay đang phát triển.

Tiếp cận nguồn vốn chính thức

Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của các nước trên thế giới, dù là nước phát triển hay đang phát triển. Vấn đề tiếp cận nguồn vốn chính thức dành cho DNNVV đang là vấn đề lớn đặt ra để hỗ trợ cho khối DN có những bứt phá mạnh mẽ.

Nói đến DNNVV là nói đến khả năng tạo việc làm và thu nhập, cải thiện kỹ năng quản lý DN, thúc đẩy tinh thần kinh doanh và sáng tạo. Đặc biệt, DNNVV có vai trò quan trọng trong việc rèn luyện kỹ năng quản trị DN và thúc đẩy đổi mới. Bên cạnh đó, DNNVV còn giúp xây dựng một hệ thống sản xuất công nghiệp linh hoạt, với mối liên kết chặt chẽ, tạo ra những tác động lan tỏa tích cực đối với nền kinh tế. Trong nền kinh tế tri thức, DNNVV cũng là nơi thực hiện nhiều hoạt động kinh doanh, tạo sự hình thành các ngành sản xuất, kinh doanh mới.

Mặc dù vậy, sự phát triển DNNVV vấp phải không ít trở ngại. Trở ngại đầu tiên là sự chồng chéo, phức tạp và thiếu minh bạch của các quy định hành chính, làm tăng chi phí gia nhập thị trường và chi phí hoạt động, nắm bắt cơ hội của DN. Bên cạnh đó, do nguồn lực hạn chế, DNNVV không có đủ nhân lực có kỹ năng cũng như không đủ năng lực để đào tạo nhân viên. Hơn nữa, DNNVV thường khó tiếp cận công nghệ mới và hầu như không thể tự đầu tư cho nghiên cứu và triển khai (R&D). Những diễn biến bất lợi của thị trường cũng có thể cản trở sự phát triển của DNNVV. Đặc biệt, khi kinh tế vĩ mô gặp bất ổn, các ngân hàng và định chế tài chính khác thường ngại cho DNNVV vay vốn.

Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương và Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam đã thực hiện khảo sát đối với các ngân hàng và DNNVV ở các nền kinh tế thuộc Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), nhằm đánh giá khả năng tiếp cận của các DNNVV đối với nguồn vốn chính thức. Kết quả nghiên cứu là rất đáng chú ý. Hầu hết các ngân hàng đều đã từng xử lý và không định kiến với các yêu cầu vay vốn của DNNVV. Tỷ trọng dư nợ cho vay dành cho DNNVV, trong cả tổng dư nợ cho vay của ngân hàng và trong tổng số vốn của DNNVV, đều có xu hướng tăng (trong giai đoạn 2001-2006).

Việc cấp các khoản vay dài hạn có xu hướng cao hơn ở các nền kinh tế phát triển hơn (so với các nền kinh tế kém phát triển hơn). Những trở ngại chính đối với việc DNNVV tiếp cận vốn vay ngân hàng là do thiếu tài sản thế chấp, thời gian hoạt động ngắn, chi phí thu thập thông tin tốn kém, chi phí hành chính cao, trong khi dự án thiếu khả thi.

Nghiên cứu cũng cho thấy, ngân hàng, các định chế tài chính và các cơ quan chính phủ có nhiều biện pháp để giúp DNNVV tiếp cận nguồn vốn chính thức. Trong đó, định mức tín nhiệm và cơ chế bảo lãnh là những biện pháp quan trọng nhất và được các ngân hàng thực hiện khá phổ biến. Vai trò của Chính phủ cũng rất quan trọng trong việc thực hiện bảo lãnh nhà nước, cung cấp định mức tín nhiệm, và xây dựng các quỹ đặc biệt để cho DNNVV vay. Trên thực tế, chính phủ các nước đều dành nhiều ưu tiên cho phát triển DNNVV với nhiều điều khoản và chiến lược cụ thể.

Đối với Chính phủ và các hiệp hội DN, các biện pháp khuyến khích (tài khóa) “truyền thống” như hỗ trợ lãi suất chỉ còn ý nghĩa trong những điều kiện đặc biệt (như suy thoái kinh tế, bất ổn kinh tế vĩ mô...). Chính phủ nên thực hiện các chính sách mang tính không phân biệt đối xử giữa DNNVV và doanh nghiệp lớn, đặc biệt là trong tiếp cận đối với nguồn vốn chính thức. Bên cạnh đó, Chính phủ cần có các biện pháp để tiếp tục giảm thủ tục hành chính, cải thiện môi trường pháp lý đối với hệ thống tài chính nói chung, các tiêu chuẩn kế toán nói riêng, đặc biệt là đối với các DNNVV.

Chính phủ và hiệp hội cũng cần có các biện pháp cung cấp, phổ biến thông tin về vai trò của các nguồn vốn chính thức khác (ngoài vốn vay ngân hàng). Cũng cần các chương trình đào tạo để chuẩn bị cho các DNNVV tiếp cận các quỹ đầu tư mạo hiểm, thị trường chứng khoán... Để tạo điều kiện cho DNNVV tiếp cận nguồn vốn chính thức, cần có sự ra đời của các tổ chức định mức tín nhiệm, qua đó giúp ngân hàng, thị trường hiểu thêm về DNNVV - đối tượng cần huy động vốn. Các hình thức bảo lãnh tín dụng cho DNNVV cần được xem xét, thiết lập. Để giảm thiểu vấn đề “rủi ro đạo đức”, các hình thức bảo lãnh tín dụng nên tạo điều kiện cho sự tham gia của khu vực tư nhân và hiệp hội doanh nghiệp.

Trong chừng mực nhất định, Hiệp hội Doanh nghiệp còn có thể đóng vai trò quan trọng trong việc thiết lập mối liên kết giữa các DNNVV, cũng như giữa DNNVV và ngân hàng, các định chế tài chính khác. Hiệp hội cũng phải cất được tiếng nói đại diện cho DNNVV, giúp chính sách của Chính phủ có được tham vấn tốt và hiệu quả.

Ngân hàng thương mại nên cải thiện năng lực đánh giá tín dụng của DNNVV. Ở đây, ngân hàng có thể cần sự hỗ trợ từ Chính phủ, các nhà tài trợ đủ năng lực. Bản thân DNNVV cần học cách xây dựng kế hoạch kinh doanh, nhằm giảm chi phí. Không chỉ giúp tiếp cận nguồn vốn chính thức tốt hơn, điều này còn làm tăng tính chuyên nghiệp. Nhận thức được yêu cầu của ngân hàng và các tổ chức cung ứng vốn, DNNVV cần chủ động công bố và minh bạch hóa thông tin. Đây là một nhân tố quan trọng để có được niềm tin của nhà đầu tư, các tổ chức có khả năng cung ứng vốn.

Cuối cùng, DNNVV cần tham gia có hiệu quả vào hoạt động của các hiệp hội, nhằm cải thiện mối liên kết với các DNNVV khác hoặc với ngân hàng, các tổ chức cung ứng vốn. Cùng tham gia trong hiệp hội, các DNNVV sẽ có tiếng nói có trọng lượng hơn trong việc đề xuất với Chính phủ, đặc biệt là những đề xuất liên quan đến phát triển DNNVV nói chung và tăng cường khả năng tiếp cận nguồn vốn chính thức nói riêng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tiếp cận nguồn vốn chính thức
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO