Cách nấu món canh chua bần của má tôi thật đơn giản. Má bắc nồi nước lên bếp, đợi nước sôi bỏ bần chín vào nấu mềm rồi vớt ra dầm, lược lấy nước chua. Đợi nước sôi già trở lại, má thả cá vô nồi, ngon nhất là nấu với cá ngát, cá bông lau. Không có mấy loại cá đó thì nấu với cá lóc hay cá rô cũng ngon chẳng kém. Chờ cá vừa chín tới thì má thả rau vào nồi, nêm nếm vừa ăn, thêm vào ít rau ngò cùng chút ớt. Các loại rau nấu cùng thì tùy thích, có gì dùng nấy và còn phụ thuộc vào thời vụ, từ bông điên điển, bông súng, bông so đũa, rau muống, rau nhút, bắp chuối, cho đến lục bình. Món canh chua bần vị chua đằm, thanh tao chứ không chua gắt.
Với những trẻ thơ nơi đồng bưng như chúng tôi, chế biến trái bần thành món ăn vặt khá dễ dàng. Cứ mỗi lần đi học về, cất tập vở là bọn tôi đầu trần chân đất chạy u ra triền sông hái bần. Cầm trái bần quẹt vội vào vạt áo, chấm với muối hột, đưa lên miệng cắn ăn ngon lành.
Quê nghèo, đâu có quà bánh, trái bần chua ăn với muối hột vừa chát vừa mặn vừa chua, ấy vậy mà anh em chúng tôi thấy ngon lạ lùng. Những tiếng cười nắc nẻ, những cái miệng dính đầy mủ, những gương mặt nhăn nhó vì độ chua của bần ở cái thuở hồn nhiên ấy làm đầy trong tôi một khung trời tươi đẹp. Sau này, dẫu được đi đó đây, được thưởng thức nhiều món ngon, nhưng vẫn không có món ăn nào giữ lại trong ký ức tôi vị độc đáo như vị chua của trái bần thời ấy.
Mùa mưa cũng là mùa hoa bần phớt hồng nở trắng ven sông. Hình ảnh bông bần khoe sắc gần gũi với người dân miền sông nước đến nỗi xuất hiện nhiều trong thơ ca, trong câu hát ầu ơi, nghe thương sao quá đỗi. Bông bần có sắc nhưng chẳng có hương. Cứ ngỡ sớm nở tối tàn giống loài hoa dại mọc ở triền sông, ấy vậy mà nó lại góp ngon vào những bữa cơm quê với món gỏi nhụy bông bần, ăn một lần đã nhớ đã thương người miền Tây với văn hóa ẩm thực dân dã.
Má tôi kể, gỏi bông bần là món ruột của tía tôi. Mỗi bận lai rai với bạn hữu, thể nào cũng có món gỏi bần, vài trái bần ăn với mắm sống má làm vụ tát đìa năm ngoái. Cùng với vị đắng lá sầu đâu hòa quyện trong vị mằn mặn của cá mắm, tía tôi ôm giữ "chút chát đắng vị quê", nhắc nhở bọn tôi không quên nỗi vất vả của ông bà một thời khai hoang đồng đất Bùng Binh heo hút.
Nhiều bận về quê thăm nhà, đúng mùa bông bần nở, tôi hái mấy nụ hoa bần e ấp dưới tán lá xanh làm món gỏi, nghe con mắm “trở mình” thơm hương ngào ngạt. Đối với những người con xa xứ như tôi, lúc về nhà, chỉ một chén mắm sống của má làm, trộn ướp gia vị ăn kèm với món gỏi bần đúng điệu mặn - ngọt - chua - cay là đã thấy sung sướng.
Món gỏi bông bần được chế biến như hầu hết món gỏi thông thường của người miền Tây. Nhụy bần sau khi được tách ra, đem rửa sạch, để ráo. Vài con tôm với miếng thịt heo ba chỉ luộc xắt chì hay gà xé cũng được. Muốn giòn giòn, nhai cho vui miệng thì thay thịt ba chỉ bằng tai heo. Gia vị thì có giấm, đường, chanh, ớt..., thêm chút nước mắm và rau thơm. Chỉ vậy thôi mà làm nên nỗi nhớ!
Món gỏi bần nhất định phải có dĩa mắm sống kèm với dĩa trái bần xắt lát, vài miếng khế chua thì ăn mới ngon. Vị chát của bông bần hòa cùng vị mặn - ngọt - cay - chua của con mắm, ấy vậy mà ngon lạ lùng.
Với người miền Tây, dẫu có đi đâu xa xôi, làm gì, thì hình ảnh trái bần chín trôi theo dòng nước tìm về bãi bồi xóm quê để ươm tiếp một đời xanh cây tốt lá giữ đất, giữ làng vẫn tràn chảy trong tâm thức. Với tôi, nó nhắc nhớ đừng quên bản xứ - nơi có nhà mình, có tiếng võng nôi đưa, má ru tôi khôn lớn một thời.
Và thời gian ơi, cho tôi xin một vé tuổi thơ!