Cách đây khoảng 20 năm, thời khủng hoảng giá dầu tăng cao, xuất hiện phí sân bay và phí nhiên liệu. Rồi ở những điểm khách đến tham quan, có thêm phí lưu trú, phí du lịch mà khách phải trả ngay tại khách sạn để gọi là góp phần bảo tồn các cảnh quan. Sau đó, nhiều nước bắt đầu áp thêm thuế ra đi (Departure Tax) khỏi các sân bay.
Thuế ra đi quốc tế (International Departure Tax) hoặc thuế hành khách hàng không ra đi (Air Passenger Departure Levy) được chính quyền Malaysia giải thích là không khác gì và cũng không cao hơn, thậm chí rẻ hơn loại thuế tương tự ở các sân bay trong khu vực, cụ thể là Singapore và Hong Kong.
Thuế này được tính theo khu vực và hạng vé hành khách bay. Trong khu vực ASEAN, hành khách hạng phổ thông sẽ phải chịu thuế 2 USD, hành khách bay vé hạng cao hơn chịu thuế 12 USD. Đối với những chuyến bay xa ngoài ASEAN, thuế 5 USD cho vé hạng phổ thông và thuế 36 USD cho vé hạng thương gia, hạng nhất. Phi hành đoàn và trẻ nhỏ (còn phải được bố mẹ bồng bế) không phải chịu thuế.
Bạn sẽ thắc mắc liệu hành khách bay xa, quá cảnh ở các sân bay trên lãnh thổ Malaysia có phải chịu thuế? Ví dụ, bạn từ sân bay Tân Sơn Nhất cất cánh với hãng Malaysia Airlines để bay đến Sydney thì sao? Câu trả lời sẽ khiến bạn lo thêm: Nếu thời gian trung chuyển tại sân bay Malaysia dưới 12 tiếng thì miễn, trên thời gian ấy phải chịu thuế!
Dĩ nhiên khoản thuế đánh vào hành khách rời khỏi sân bay trên lãnh thổ Malaysia không nhận được sự ủng hộ của Hiệp hội vận chuyển hàng không quốc tế (IATA) và khiến AirAsia, hãng hàng không chi phí thấp, giá vé rẻ tức tối. Vì hiện nay AirAsia mới chính là hãng bay lớn nhất ở Malaysia, hơn hẳn hãng hàng không quốc gia Malaysia Airlines BHD.
IATA báo động rằng, thuế ra đi quốc tế sẽ khiến ngành vận chuyển hàng không, cụ thể là các sân bay của Malaysia mất ưu điểm cạnh tranh khi so với những sân bay quốc tế trong khu vực ASEAN nói riêng và châu Á nói chung, từ Changi của Singapore lên các sân bay Narita, Haneda, Osaka, Kansai ở Nhật, Incheon - Seoul ở Hàn Quốc đến sân bay quốc tế Hồng Kông trên đảo Chek Lap Kop ở Hồng Kông. Theo IATA, khoản thuế mới này sẽ khiến lượng hành khách đến và đi khỏi Malaysia giảm hẳn. Malaysia thì giải thích rằng, thuế hành khách hàng không ra đi này là nhằm có thêm nguồn kinh phí hỗ trợ cho sự phát triển của ngành du lịch trong nước. Hành khách bay nội địa Malaysia không phải chịu thuế ra đi này.
Phần AirAsia đang phản đối vì tin rằng thuế mới sẽ là một “thảm họa khiến chúng tôi sẽ mất ưu thế cạnh tranh ở vai trò là một trục hàng không giá rẻ và như thế chắc chắn sẽ có thiệt hại đến đất nước chúng ta và nền công nghiệp du lịch của chúng ta”.