Tác động của các FTA thế hệ mới đến việc cải thiện môi trường kinh doanh rất lớn.
Cụ thể, thông qua việc xóa bỏ các rào cản đối với lưu chuyển vốn, hàng hóa và dịch vụ, TPP và FTA với EU sẽ giúp nguồn lực được phân bổ một cách hiệu quả hơn và Việt Nam sẽ có điều kiện phát triển theo đúng lợi thế so sánh của mình.
Xét trên 5 yếu tố hình thành nên môi trường kinh doanh thuận lợi, cả TPP và FTA với EU chắc chắn sẽ có đóng góp tích cực bởi việc khởi sự kinh doanh sẽ thuận lợi hơn do cả hai FTA đều hướng đến các cam kết về mở cửa thị trường dịch vụ và phi dịch vụ.
Sự bình đẳng trong tiếp cận nguồn lực sẽ tiếp tục được tăng cường thông qua các cam kết cao hơn, chi tiết hơn và chắc chắn hơn về không phân biệt đối xử, về độc lập, khách quan của các cơ quan quản lý nhà nước và các cam kết về đặt doanh nghiệp nhà nước trong cơ chế thị trường, đồng thời không hỗ trợ doanh nghiệp nhà nước đến mức gây lệch lạc cho môi trường cạnh tranh.
Các cam kết về mở cửa thị trường năng lượng, thị trường mua sắm của các cơ quan chính phủ cũng như các cam kết về di chuyển thể nhân và mở cửa dịch vụ pháp lý kế toán, kiểm toán, logistics, tin học, viễn thông... chắc chắn sẽ góp phần tăng cường và cải thiện chất lượng của hạ tầng cứng và hạ tầng mềm.
Các cam kết về minh bạch hàng hóa, về hành xử khách quan của cơ quan quản lý nhà nước về chống tham nhũng, về tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp và công chúng vào tiến trình hoạch định cũng như thực thi chính sách của Nhà nước đều xuất hiện trong TPP và FTA với EU.
Môi trường hành chính và môi trường thể chế, vì vậy sẽ hưởng lợi rất lớn từ các cam kết này.
Cả TPP và FTA với EU sẽ tiếp tục nới rộng hơn nữa biên giới đối với sự tăng trưởng của quy mô, nhất là TPP.
Chiếm tới 40% GDP và 30% thương mại toàn cầu, khu vực thương mại do hình thành giữa các nước thành viên TPP chắc chắn sẽ mang lại những cơ hội to lớn cho bất kỳ doanh nghiệp nào có đủ tham vọng.
Quan trọng nhất, TPP và FTA với EU chứa đựng những lợi ích vô hình nhưng hết sức to lớn của điều ước quốc tế đối với môi trường kinh doanh. Đó là sự khẳng định chủ trương cải cách kinh tế không thể đảo ngược của một quốc gia.
Đó là sự hội tụ và hài hòa việc xây dựng chính sách phát triển kinh tế trên phạm vi rộng. Đó là sức ép thật sự và không thể né tránh đối với cả nhà nước và doanh nghiệp trong việc liên tục duy trì môi trường cạnh tranh và lớn lên trong cạnh tranh.
Một sự tác động qua lại mới, với chất lượng cao hơn, đã bắt đầu hình thành, nhưng để bảo đảm sự thành công, Việt Nam vẫn cần lưu ý khắc phục một số rủi ro: Môi trường kinh doanh mới đòi hỏi một thế hệ doanh nhân mới với tư duy khu vực và toàn cầu. Việc thiếu vắng các doanh nhân như vậy có thể dẫn đến hai hệ quả.
Một là, không nắm bắt được cơ hội do môi trường kinh doanh mới đem lại, dẫn đến tăng trưởng dưới tiềm năng. Hai là, sự lấn lướt của các nhà đầu tư nước ngoài dần dần hình thành tình cảm không thuận trong xã hội, không có lợi cho nỗ lực cải cách và hội nhập tiếp theo.
Hạ tầng cứng là yếu tố có thể cải thiện nhanh, nhất là khi Việt Nam tạo được lòng tin cho những nhà đầu tư nước ngoài.
Trong khi đó, hạ tầng mềm, như chất lượng nguồn nhân lực, chất lượng đội ngũ hoạch định và thực thi chính sách, chất lượng của việc thực thi bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, lại là yếu tố rất khó cải thiện trong thời gian ngắn.
Một hạ tầng mềm không đủ mạnh sẽ là điểm nghẽn tai hại cho việc cải thiện môi trường kinh doanh.
Giữa cải cách kinh tế trong nước và hội nhập kinh tế quốc tế có sự tác động qua lại, nhưng cải cách kinh tế trong nước luôn phải là yếu tố quyết định.
Không nên dùng "bên ngoài" để ép "bên trong" vì dễ làm phát sinh tình trạng thực thi hình thức, thậm chí là phản ứng không thuận của xã hội, từ đó làm giảm hiệu quả của hội nhập kinh tế quốc tế và nếu tích tụ lâu ngày, sẽ làm xói mòn các nỗ lực cải cách kinh tế và cải thiện môi trường kinh doanh.
>Ấn Độ "hút" giới đầu tư Mỹ nhờ cải cách kinh tế
>Các doanh nghiệp EU kêu gọi Trung Quốc đẩy nhanh cải cách kinh tế