Công nghệ sẽ giúp minh bạch nguồn gốc sản phẩm |
Nhiều năm qua, trong số những lý do dẫn đến tình trạng khủng hoảng thừa, được mùa mất giá của nhiều loại nông sản Việt nam như bất cân xứng thông tin giữa cung- cầu thị trường; người nông dân chạy theo sản xuất số lượng lớn hơn là đầu tư vào chất lượng nông, thủy sản… Việc thực hiện số hóa và hình thành dữ liệu lớn các chuỗi nông lâm thủy sản có phải là lời giải xác đáng nhất cho bài toán “ khủng hoảng thừa/ thiếu” của nông sản Việt Nam đã diễn ra trong nhiều năm liền? Và khu vực tư nhân có phải là chủ thể thích hợp nhất để thực hiện số hóa và hình thành dữ liệu lớn các chuỗi nông thủy sản hay không?
“ Ứng dụng công nghệ để truy xuất nguồn gốc sản phẩm"
Ông Đàm Bạch Dương - Vụ trưởng Vụ công nghệ cao (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết, Bộ này đang cùng các đơn vị liên quan thực hiện đề án Việt số hoá nhằm cung cấp, chia sẻ cơ sở dữ liệu lớn (big data) của Việt Nam, trong đó có bao gồm cả mảng nông nghiệp. "Chúng tôi kỳ vọng các cơ quan quản lý, doanh nghiệp đóng góp dữ liệu và khai thác, sử dụng đề phục vụ tốt cho lĩnh vực này", ông nói.
Bà Nguyễn Thị Thanh Thuỷ - Vụ trưởng Vụ Khoa học- công nghệ- môi trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho rằng: việc ứng dụng công nghệ số hoá trong nông nghiệp là tất yếu nhưng không đơn giản, vì không chỉ liên quan đến chuỗi sản xuất khép kín mà là ứng dụng quản lý trong chuỗi thế nào?. Bà Thủy nói: "Trong Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chúng tôi quan tâm đến phát triển nông nghiệp thông minh, tổ chức lại sản xuất và hình thành các liên kết theo chuỗi, trong đó có ứng dụng công nghệ trong truy xuất nguồn gốc sản phẩm”
Ông Ngô Minh Hải- Chủ tịch HĐQT-Tập đoàn TH: " Chìa khoá vàng của thành công là ứng dụng công nghệ cao vào chăn nuôi bò sữa
Ông Ngô Minh Hải - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn TH cho biết, hơn 10 năm qua, Tập đoàn đã thành công trong việc đầu tư nông nghiệp, đặc biệt là chăn nuôi bò sữa. Chìa khóa vàng của thành công là ứng dụng công nghệ cao vào chăn nuôi bò sữa. Từ đó, tạo thương hiệu có tầm ảnh hưởng, sản phẩm đem lại niềm tin cho người tiêu dùng. "Chúng tôi đang chuyển sang giai đoạn tiếp theo, đưa ngành chăn nuôi lên quy mô rộng hơn, cấp nông hộ để phát triển mạnh trong tương lai. Chúng tôi đã tổ chức ở Lâm Đồng công ty Đà Lạt milk với HTX bò sữa", ông Hải nói và cho biết, đây chính là mô hình liên kết chuỗi giá trị để phát triển bền vững. Quá trình triển khai chuỗi liên kết nông hộ ở Đà Lạt, tập đoàn TH đã rút ra bài học chia sẻ lợi ích, rủi ro giữa các thành viên trong chuỗi; xây dựng quy chuẩn về sản phẩm, ký hợp đồng với nông hộ để người dân giao sản phẩm đảm bảo chất lượng. Tập đoàn đã thay đổi tư duy của người dân, xuất phát từ nông hộ quy mô nhỏ sang trang trại kiểu mẫu. Bên cạnh đó, tập đoàn cũng đưa ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất - điều kiện tiên quyết thúc đẩy mô hình tăng trưởng .
"Khi chúng tôi đưa con chip vào cổ con bò thì nhiều ý kiến hoài nghi bà con có đồng ý không. Tuy nhiên, người dân lại rất thích dù chưa biết hiệu quả như thế nào. Cũng như điện thoại thông minh, dùng nhiều sẽ nghiện, không thể bỏ được. Đây là thành công trong chuỗi liên kết", ông Hải nói.