Chọn thời điểm ăn để giảm cân không mang lại hiệu quả
Ăn uống có giới hạn thời gian, hạn chế ăn vào những giờ cụ thể trong ngày không ảnh hưởng đến cân nặng ở những người trưởng thành thừa cân bị tiền tiểu đường hoặc tiểu đường, trang Xinhuanet cho hay. Những người trưởng thành trong nghiên cứu kéo dài 12 tuần ăn cùng một loại thực phẩm lành mạnh, được chế biến sẵn. Tuy nhiên, một nhóm đã ăn phần lớn lượng calo của họ trước 1 giờ chiều hằng ngày, so với nhóm còn lại ăn 50% lượng calo của họ sau 5 giờ chiều.
Theo nghiên cứu sơ bộ được trình bày tại Hội nghị Khoa học của Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ năm 2020, việc hạn chế các bữa ăn vào đầu ngày không ảnh hưởng đến cân nặng ở những người trưởng thành thừa cân mắc bệnh tiền tiểu đường hoặc tiểu đường. Tác giả nghiên cứu Nisa M. Maruthur - Phó giáo sư y khoa, dịch tễ học và điều dưỡng tại Đại học Johns Hopkins, ở Baltimore, Mỹ cho biết: “Chúng tôi đã tự hỏi trong một thời gian dài, liệu việc ăn uống trong ngày có ảnh hưởng đến cách cơ thể sử dụng và dự trữ năng lượng hay không? Hầu hết nghiên cứu trước đây không kiểm soát số lượng calo, vì vậy không rõ liệu những người ăn sớm hơn có ăn ít calo hơn hay không. Trong nghiên cứu này, điều duy nhất chúng tôi thay đổi là thời gian ăn trong ngày”.
Phân tích cho thấy những người ở cả hai nhóm đều giảm cân và giảm huyết áp bất kể họ ăn vào lúc nào. Maruthur nói: “Chúng tôi nghĩ rằng nhóm bị giới hạn thời gian sẽ giảm cân nhiều hơn. Tuy nhiên, điều đó đã không xảy ra. Chúng tôi không thấy bất kỳ sự khác biệt nào trong việc giảm cân đối với những người ăn hầu hết calo trước đó so với muộn hơn trong ngày. Chúng tôi cũng không thấy bất kỳ ảnh hưởng nào đến huyết áp”.
Các nhà nghiên cứu đang thu thập thông tin chi tiết hơn về huyết áp được ghi lại trong 24 giờ và họ sẽ tổng hợp thông tin này với kết quả của một nghiên cứu về ảnh hưởng của việc cho ăn có giới hạn thời gian đối với lượng đường trong máu, insulin và các hormone khác.
Maruthur nói: “Những phát hiện này sẽ giúp chúng ta hiểu đầy đủ hơn về tác động của việc ăn uống hạn chế thời gian đối với sức khỏe hệ tim mạch”.
Thừa cân, béo phì, tiểu đường có thể do... hormone
Bấy lâu nay, ta thường hiểu rằng béo phì thừa cân, tiểu đường, tim mạch... do ăn uống không hợp lý, lười vận động, nhưng phát hiện mới đây cho thấy một loại hormone của đường ruột đóng vai trò quan trọng cho vấn đề này.
Giáo sư sinh lý học Jongsook Kim Kemper của UI cho biết: “Nghiên cứu đã được công bố trên Tạp chí Nature Communications cho biết, hormone đường ruột này thực sự hoạt động như một chất phá vỡ hoạt động của insulin và đặc biệt ức chế quá trình sinh lipogenesis trong gan để nó được điều chỉnh chặt chẽ. Ví dụ, sắp đến ngày lễ, nếu bạn ăn một ít bánh quy, cơ thể sẽ tiết ra insulin, chất này thúc đẩy quá trình sinh lipogenesis. Nếu không giảm quá trình sinh lipogenesis sau này khi cơ thể bước vào trạng thái nhịn ăn, mỡ thừa sẽ tích tụ trong gan, vì vậy hormone FGF19 ngăn cản quá trình sản xuất chất béo”.
Hơn nữa, trong các thí nghiệm liên quan đến chuột bị béo phì và bệnh nhân mắc bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng, quá trình ngừng sản xuất chất béo bị rối loạn điều hòa. Các gen điều hòa hormone đường ruột hoạt động mạnh, các phân tử điều hòa kích hoạt FGF15/19 thậm chí không xâm nhập vào nhân tế bào và các dấu hiệu ngăn chặn không được thêm vào gen.
Kemper cho biết: “Nghiên cứu có thể rất quan trọng để hiểu được quá trình này và điều tra xem nó bất thường như thế nào trong bệnh béo phì và bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu. Nó giúp chúng ta hiểu thêm về bệnh béo phì, bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu và các bệnh rối loạn chuyển hóa khác. Nó cũng có thể có tác động đến các bệnh khác như tiểu đường hoặc một số bệnh ung thư, trong đó béo phì là một yếu tố nguy cơ”.
* (Theo Xianhua.net)