Xuất khẩu thép đạt kỷ lục

20/12/2011 04:04

Xuất khẩu thép đạt kỷ lục; Ngân hàng nước ngoài chiếm 7,5% thị phần huy động tiền gửi; Thu hồi 4 dự án ở Chân Mây - Lăng Cô; Lại tốn 1,59 triệu USD giải cứu tàu...

Xuất khẩu thép đạt kỷ lục

Xuất khẩu thép đạt kỷ lục

Trong 11 tháng đầu năm, VN đã xuất khẩu 1,727 triệu tấn thép các loại, đạt kim ngạch 1,639 tỷ USD. Dự kiến, cả năm 2011, Việt Nam sẽ xuất khẩu khoảng 2 triệu tấn thép, đạt kim ngạch 1,8 tỷ USD. Đây là mức xuất khẩu cao nhất của ngành thép từ trước đến nay.

Năm nay cũng là năm đầu tiên thép lọt vào nhóm các mặt hàng xuất khẩu trên 1 tỷ USD. Để tiếp tục mở rộng thị trường xuất khẩu, Hiệp hội Thép Việt Nam đề nghị các doanh nghiệp thành viên và các thương vụ ở nước ngoài thường xuyên trao đổi, cung cấp thông tin về nhu cầu mặt hàng này ở nước sở tại; đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại để có thể đẩy mạnh xuất khẩu thép tốt hơn nữa trong thời gian tới.

M.LÂM

Ngân hàng nước ngoài chiếm 7,5% thị phần huy động tiền gửi

Con số trên vừa được NHNN đưa ra trong buổi gặp cuối năm với các tổ chức tài chính tiền tệ quốc tế và các tổ chức tín dụng nước ngoài tại VN. Các tổ chức tín dụng nước ngoài tại VN hiện cũng chiếm hơn 11% tổng tài sản toàn hệ thống.

Theo NHNN, trong năm 2011, các hiệp định tài trợ, hiệp định vay của 14 chương trình, dự án với tổng vốn hơn 2 tỷ USD đã được đàm phán và ký kết với WB; 11 chương trình, dự án với tổng vốn hơn 986,4 triệu USD đã được đàm phán và ký kết với ADB.

Qua đó nâng tổng số vốn do hai tổ chức này cam kết từ năm 1993 đến nay lên hơn 22 tỷ USD cho 220 dự án.

P.HUY

Thu hồi 4 dự án ở Chân Mây - Lăng Cô

UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã quyết định thu hồi 4 dự án đầu tư tại Khu kinh chế Chân Mây - Lăng Cô do chậm tiến độ so với quy định tại giấy chứng nhận đầu tư, không thống nhất ký lại cam kết tiến độ thực hiện dự án, không thực hiện bảo đảm đầu tư dự án theo quy định, bởi dự án này bao gồm: Dự án Khu biệt thự nghỉ dưỡng quốc tế Hòa Bình của Công ty CP Đầu tư Phát triển Hòa Bình - Huế; dự án Khu du lịch nghỉ mát sinh thái biển Diana (Công ty CP Đầu tư và Thương mại Việt); dự án Khu du lịch sinh thái biển Lăng Cô (Công ty CP Du lịch sinh thái Lăng Cô) và dự án Khu nghỉ dưỡng ven biển Lăng Cô (Công ty TNHH Pegasus Fund - 2 LLC Vietnam).

Ngoài ra, UBND tỉnh cũng cảnh cáo một số dự án khác cần tiến hành các thủ tục triển khai dự án theo tiến độ cam kết mới nếu không sẽ thu hồi. Đó là các dự án Khu du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng cao cấp ven đầm lập An (Công ty CP Đầu tư Xây dựng và Du lịch CIT); dự án Khu biệt thự du lịch sinh thái biển Lăng Cô (Công ty CP Đầu tư Xây dựng và Trang trí Nội thất HANDICO) và dự án Khu du lịch - bến thuyền- Câu lạc bộ thể thao dưới nước Lăng Cô (Công ty CP Du lịch Đảo Ngọc).

N.HUYỀN

Lại tốn 1,59 triệu USD giải cứu tàu

Tổng công ty Hàng hải Việt Nam vừa quyết định tạm trích số tiền tương đương trên 1,59 triệu USD, từ nguồn 900 tỷ đồng được Bộ Tài chính cấp tạm ứng vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, để đặt cọc vào tài khoản của tòa án Hàn Quốc, nhằm giải phóng ngay tàu Vinalines Trader đang bị bắt giữ tại cảng Taean - Hàn Quốc.

Tàu Vinalines Trader (do Chi nhánh Hải Phòng quản lý khai thác) bị bắt giữ ngày 25/11/2011 theo yêu cầu của người thuê tàu. Trên cơ sở ý kiến tư vấn của hãng luật HFK - Hồng Kông, có 2 biện pháp nhanh chóng giải phóng tàu là chủ tàu phải đặt cọc bằng tiền (1,59 triệu USD) vào tài khoản của tòa án Hàn Quốc, hoặc cung cấp bảo lãnh cho tòa án, nhưng phải được sự đồng ý của người thuê tàu. Tuy nhiên, biện pháp cung cấp bảo lãnh không được người thuê tàu chấp nhận.

Trong khi đó, vào tháng 8/2010, chỉ vì chưa thực hiện cho Công ty TNHH Một thành viên Vận tải tàu Viễn Dương Vinashin (Vinashinlines) vay 4,15 triệu USD để giải quyết vụ kiện với Công ty GMS Marine, đã dẫn đến tàu Cái Lân 4 và tàu Hoa Sen bị bắt giữ tại Hàn Quốc.

Hậu quả Tổng công ty Hàng hải Việt Nam phải đứng ra bảo lãnh cho Vinashinlines vay 5,56 triệu USD để giải quyết vụ việc trên. Riêng việc tranh chấp giữa Công ty GMS Marine với Vinashinlines, phía GSM Marine đòi Vinashinlines phải trả tới 6,5 triệu USD. Giữa lúc tranh chấp với GSM Marine chưa giải quyết xong, tàu Hoa Sen bị bắt giữ, ngừng hoạt động, gây thiệt hại cho phía thuê tàu Hoa Sen là Công ty LYG CK FERRY.

Ngoài các vụ việc trên, Tổng công ty cũng đã có quyết định thanh toán tiền công cứu hộ cho tàu Vinalines Sky, vốn bị mắc cạn tại Indonesia ngày 27/11/2009 lên tới 2,6 triệu USD. Trong đó, riêng chủ tàu là Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, chi nhánh Hải Phòng, phải trả là 2,1 triệu USD.

M.VŨ

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Xuất khẩu thép đạt kỷ lục
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO