Xuất khẩu dệt may 2009 ước đạt hơn 9 tỷ USD

Nguồn VnEconomy/TTXVN| 21/08/2009 07:56

Tăng trưởng xuất khẩu của ngành dệt may trong năm 2009 - 2010 thấp hơn dự kiến, do đó, chỉ tiêu xuất khẩu đến năm 2015 phải điều chỉnh lại.

Xuất khẩu dệt may 2009 ước đạt hơn 9 tỷ USD

Tăng trưởng xuất khẩu của ngành dệt may trong năm 2009 - 2010 thấp hơn dự kiến, do đó, chỉ tiêu xuất khẩu đến năm 2015 phải điều chỉnh lại.

Theo ước tính kim ngạch của ngành năm nay chỉ đạt mức 9,1- 9,2 tỷ USD (bằng kim ngạch của năm 2008).

Theo chiến lược phát triển ngành công nghiệp dệt may Việt Nam đến năm 2015 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, giai đoạn 2008 - 2010 tăng trưởng xuất khẩu hàng năm của ngành là 20%, giai đoạn 2011- 2015 mức tăng là 15%. Như vậy, kim ngạch xuất khẩu thu về của toàn ngành theo chỉ tiêu năm 2010 là 12 tỷ USD, năm 2015 là 18 tỷ USD.

Tuy nhiên, tại cuộc họp do Bộ Công Thương tổ chức ngày 19/8 về tình hình của ngành những tháng cuối năm 2009, kế hoạch trong năm 2010 và 5 năm tiếp theo, ông Lê Quốc Ân, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may cho biết: do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế nên tính đến hết tháng 7/2009, toàn ngành mới xuất khẩu được trên 5 tỷ USD.

Những tháng tiếp theo, tuy nhiều doanh nghiệp đã ký được hợp đồng với số lượng khá lớn nhưng cũng có không ít doanh nghiệp không có đơn hàng. Do vậy, theo ước tính kim ngạch của ngành năm nay chỉ đạt mức 9,1- 9,2 tỷ USD (bằng kim ngạch của năm 2008).

Cũng theo ông Lê Quốc Ân, đến năm 2010, kim ngạch của ngành cũng chỉ đạt 10,5 tỷ USD (mức kim ngạch dự kiến của năm 2009). Những năm sau đó, với tốc độ tăng trưởng khoảng 10%/năm, đến 2015, kim ngạch của toàn ngành dự kiến chỉ khoảng 17 tỷ USD, thấp hơn 1 tỷ USD so với chiến lược đã đề ra.

“Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của ngành trong giai đoạn 2011-2015 chỉ khoảng 10%/năm, nhưng xét về giá trị tuyệt đối thì không hề thấp hơn so với giai đoạn trước đó, vì mỗi năm kim ngạch mà ngành mang về cho đất nước vẫn tăng hơn 1 tỷ USD”, ông Lê Tiến Trường, Phó tổng giám đốc, Tập đoàn Dệt May Việt Nam cho biết thêm.

Dù đã điều chỉnh kim ngạch xuất khẩu, nhưng ông Ân không khỏi quan ngại kinh tế khó khăn sẽ khiến nhiều nước sử dụng hàng rào kỹ thuật để bảo hộ thương mại trong nước. Cụ thể, bắt đầu từ 1/1/2010, sản phẩm xuất khẩu vào thị trường Mỹ sẽ phải có chứng nhận của bên thứ ba về việc không gây hại cho người sử dụng.

“Điều này chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng tới việc xuất khẩu hàng dệt may của nước ta vào thị trường này trong thời gian tới”, ông Ân khẳng định.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp trong ngành vẫn luôn phải đối mặt với những vấn đề rất “cố hữu” như: Thiếu lao động, tranh chấp lao động, mức lương còn thấp…

Bà Phan Thị Diệu Hà, Phó vụ trưởng, Vụ Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho rằng, trước khó khăn chung của nền kinh tế, việc điều chỉnh mục tiêu xuất khẩu của ngành dệt may trong những năm tiếp theo là có thể chấp nhận được.

“Trong giai đoạn 2011- 2015, sẽ không thể có những sự kiện có tính đột phá để ngành này có sự tăng trưởng đột biến tới 30- 40%/năm (sự kiện Việt Nam gia nhập WTO) để bù đắp cho thời kỳ hiện nay”, bà Hà lý giải.

Còn theo Thứ trưởng Bùi Xuân Khu, trong tình hình khó khăn, Tập đoàn Dệt May Việt Nam càng cần phải thể hiện vai trò đầu tàu của mình. Theo đó, trong xây dựng kế hoạch, Tập đoàn cần phải đặt chỉ tiêu cao hơn để “kéo” toàn ngành cùng đi lên.

Dệt may hướng tới mốc xuất khẩu 10,5 tỷ USD


Đây là con số được ông ông Lê Quốc Ân, Chủ tịch Hiệp hội dệt may Việt Nam đưa ra tại cuộc họp về kế hoạch năm 2010 và kế hoạch 5 năm (2011-2015) do Bộ Công thương tổ chức ngày 19/8 tại Hà Nội.

Tuy nhiên, ông Ân cho rằng, 10,5 tỷ USD là một con số khó thực hiện trong bối cảnh hiện nay, đòi hỏi ngành và doanh nghiệp phải nỗ lực hơn nữa.

Ông Lê Quốc Ân nhận định mặc dù tình hình của ngành dệt may đã có những bước cải thiện trong quí II và quí III nhưng do kinh tế vẫn tiếp tục gặp khó khăn, thu nhập giảm sút nên ngành dệt may sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng và phải cạnh tranh quyết liệt hơn.

Theo ông Ân, xuất khẩu trong tháng 8 sẽ tiếp tục đạt khá (2 tuần đầu tháng 8 đạt kim ngạch 360 triệu USD) và có khả năng đạt mức cùng kỳ năm 2008. Tuy nhiên, theo qui luật của thị trường xuất khẩu các năm qua, kim ngạch trong các tháng tiếp theo sẽ giảm dần và kim ngạch cả năm chỉ có khả năng đạt mức như năm 2008 (9,1 đến 9,2 tỷ USD). Do đó, từ nay đến cuối năm, kim ngạch bình quân mỗi tháng phải đạt trên 800 triệu USD.

Đồng quan điểm này, ông Vũ Đức Giang, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) nhận định, ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, ngành dệt may Việt Nam tiếp tục hứng chịu nhiều rủi ro. Nếu như trong năm 2008, ngành dệt may đã đạt được những bước tăng trưởng khá mạnh thì năm 2009 dệt may Việt Nam lại vấp phải những khó khăn khác bởi đơn hàng từ nước ngoài. Kèm theo đó là tình trạng nhiều công nhân mất việc, giảm ca sản xuất và kéo dài ngày nghỉ cho người lao động.

Ngoài ra, khoảng 70% nguyên phụ liệu dệt may Việt Nam phải nhập khẩu vì hầu hết các doanh nghiệp phụ thuộc hoàn toàn vào nước ngoài. Do vậy, dao động tỷ giá ngoại tệ và sự bất ổn của thị trường quốc tế sẽ là những bất lợi cho sự phát triển của toàn ngành.

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Công Thương Bùi Xuân Khu cho rằng suy thoái sẽ giảm dần từ nay đến cuối năm 2009, sang 2010 nền kinh tế bắt đầu phục hồi nên kim ngạch xuất khẩu của 2 đơn vị này phải tăng dần trong những năm tiếp theo (ít nhất là 12%/năm). Tuy nhiên, để đạt được kế hoạch này, ngay từ bây giờ Hiệp hội và Tập đoàn phải chuẩn bị thật tốt công tác đào tạo đội ngũ cán bộ; chú trọng đến việc trồng bông và tìm được những bước đột phá.

Theo Thứ trưởng, các đơn vị này cần xây dựng và tính toán trên qui hoạch và chiến lược được phê duyệt. Bên cạnh đó, hiệp hội và tập đoàn cũng cần tập trung vào nhóm giải pháp sản xuất và tiêu thụ để hoàn thành kế hoạch và nuôi công nhân; tập trung đầu tư và thúc đẩy xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường mới, tăng kim ngạch xuất khẩu trong thời gian tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Xuất khẩu dệt may 2009 ước đạt hơn 9 tỷ USD
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO