Xuất khẩu cả năm ước đạt 95 tỷ USD

DNSG| 05/10/2011 05:19

Xuất khẩu cả năm ước đạt 95 tỷ USD; EVN nợ chồng chất; Mở cửa thị trường cho thịt bò Mỹ; Dệt may thiếu đơn hàng; Xuất khẩu thép dè chừng bị kiện; Sanyo Ha Asean bị truy thu thuế do gian lận...

Xuất khẩu cả năm ước đạt 95 tỷ USD

Xuất khẩu cả năm ước đạt 95 tỷ USD

Căn cứ vào tình hình xuất khẩu của các doanh nghiệp đang có xu hướng tăng trong các tháng cuối năm, dự báo khả năng xuất khẩu của VN cả năm 2011 sẽ đạt khoảng 95 tỷ USD, tăng 31,6% so với năm 2010.

Theo Vụ Kế hoạch thuộc Bộ Công Thương, đến nay đã có thêm 5 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2010. Năm mặt hàng này gồm nhân điều, xăng dầu các loại, xơ, sợi dệt các loại, sắt thép các loại, dây điện và cáp điện, nâng tổng số các mặt hàng có quy mô xuất khẩu trên 1 tỷ USD là 20 mặt hàng. Tổng kim ngạch xuất khẩu 9 tháng đầu năm 2011 đạt 70 tỷ USD, tăng 35,4% so với cùng kỳ.

N.Trung

EVN nợ chồng chất

Theo Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN), tính đến đầu tháng 10/2011, số nợ mà Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) nợ PVN đã lên hơn 10.000 tỷ đồng, trong khi tháng trước con số này mới chỉ hơn 8.000 tỷ đồng.

Phía Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam (TKV) cũng cho biết so với số nợ 1.700 tỷ đồng mà EVN còn nợ TKV hồi cuối tháng 8, đến nay khoản nợ này đã tăng lên 1.800 tỷ đồng, trong đó có 1.200 tỷ đồng là nợ quá hạn.

Theo Bộ Công Thương, vấn đề nợ của EVN liên tục tăng nằm ở chỗ giá điện chưa thể điều chỉnh phù hợp, thị trường cạnh tranh mới manh nha... dẫn đến EVN còn khó khăn. Hiện Chính phủ, các bộ ngành liên quan đang chỉ đạo các bên tìm giải pháp tháo gỡ.

K.Thanh

Mở cửa thị trường cho thịt bò Mỹ

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa có ý kiến về việc mở cửa thị trường thịt bò cho Hoa Kỳ. Theo đó, Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn trao đổi với Đại sứ quán Hoa Kỳ để nêu rõ thiện chí của Việt Nam đã mở cửa thị trường cho thịt bò Hoa Kỳ.

Thủ tướng cũng giao cho Bộ Y tế phối hợp với các bộ ngành căn cứ theo quy định của luật Vệ sinh an toàn thực phẩm để giải quyết các vấn đề có liên quan đến việc mở cửa thị trường thịt bò cho Hoa Kỳ, trong đó sớm ban hành các chỉ tiêu vệ sinh an toàn thực phẩm đối với thực phẩm có nguồn gốc động vật (kể cả nội tạng trắng, đỏ) làm cơ sở xem xét cho phép nhập khẩu vào VN.

L.Nam

Dệt may thiếu đơn hàng

Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho hay, 9 tháng qua xuất khẩu dệt may đã thu về 10,5 tỷ USD, tăng 32% so với cùng kỳ năm 2010. Tuy nhiên, gần đây kim ngạch xuất khẩu của mặt hàng đã có dấu hiệâu sụt giảm. Cụ thể, trong tháng 8/2011, kim ngạch xuất khẩu đạt 1,6 tỷ USD thì sang tháng 9 đã giảm tới 200 triệu USD, chỉ còn 1,4 tỷ USD.

Cũng trong 9 tháng qua, lượng hàng dệt may xuất khẩu vào thị trường Mỹ chỉ còn chiếm 50% tổng lượng xuất khẩu của toàn ngành, giảm 10% so với cùng kỳ năm trước. Song, tại thị trường EU lại có sự tăng trưởng, năm 2010 chỉ chiếm 15% lượng hàng xuất khẩu của Việt Nam, thì 2011 đã chiếm 18%.

Thị trường Nhật Bản cũng đang nhập tới 12% lượng hàng dệt may xuất khẩu của ngành. Vì vậy, Vinatex cho rằng năm 2011, toàn ngành vẫn có thể đạt được mức kim ngạch là 13,5 tỷ USD như kế hoạch đã đề ra, nhưng sẽ khó khăn về đơn hàng. Hiện chỉ những doanh nghiệp lớn có thương hiệu, uy tín trên thị trường mới có được đơn hàng sản xuất đến hết năm.

Ngay trong tháng 10 và tháng 11 này, không ít doanh nghiệp vừa và nhỏ trong ngành đã thiếu đơn hàng để sản xuất. Tính chung, hiện lượng đơn hàng nhiều doanh nghiệp dệt may ký được trong những tháng cuối năm đã giảm tới 15- 20% so với cùng kỳ năm trước.

Đơn hàng giảm, tất nhiên đơn giá không thể tăng. Dự báo, các nước nhập khẩu chính của ngành là Mỹ và EU đang gặp khó khăn về tài chính, dẫn tới người dân cũng phải cắt giảm chi tiêu. Thêm vào đó, để thu hút đơn hàng, các nước như Ấn Độ, Indonesia đã chấp nhận giảm giá, nên các doanh nghiệp của VN sẽ phải cạnh tranh để có được hợp đồng.

M.Khiêm

Xuất khẩu thép dè chừng bị kiện

Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết, dự kiến năm 2011 mức tăng trưởng của thép xây dựng là gần 5%, ngành thép trong nước mặc dù khó khăn nhưng vẫn đảm bảo đủ cung cấp và cạnh tranh được với thép ngoại nhập khẩu để giữ thị trường. Hiện thép ống và thép cán của VN vẫn chiếm lĩnh được thị trường. Các loại thép phải nhập khẩu như thép tấm, thép hợp kim... lượng nhập khẩu cũng giảm đi rất nhiều và dự kiến giảm 1 triệu tấn trong năm 2011.

Do việc triển khai dự án xây dựng cơ bản ở trong nước chậm, nên tổng lượng thép tiêu thụ cũng giảm (cả đối với thép nhập khẩu và thép sản xuất trong nước) với khối lượng giảm khoảng 1 triệu tấn. Vì vậy, xuất khẩu thép sẽ phải tăng lên do lượng dư thừa thép trong nước hiện khá nhiều.

Tuy nhiên, ngành thép cũng đang đối mặt với các vụ kiện gia tăng, nhất là với mặt hàng thép cán nguội và thép ống vào thị trường Mỹ do xuất khẩu của VN gia tăng quá nhanh vào thị trường này. Thực ra tổng lượng xuất khẩu không lớn, nhưng VN mới xuất khẩu mặt hàng này từ 2 đến 3 năm nay với lượng xuất tăng nhanh nên các nước đã sử dụng biện pháp bảo vệ. Các doanh nghiệp hiện đang rất lúng túng để đối phó các vụ kiện do chưa có nhiều kinh nghiệm.

M.Trung

Sanyo Ha Asean bị truy thu thuế do gian lận

Cục Hải quan Đồng Nai vừa gửi công văn đến Tổng cục Hải quan khẳng định, Công ty Sanyo Ha Asean có nhiều thủ đoạn gian lận để trốn thuế, cần xử lý nghiêm.

Theo đó, năm 2010, để trốn thuế nhập khẩu máy điều hòa nguyên chiếc, Công ty Sanyo Ha Asean đã ký hợp đồng với Công ty CP Điện tử Gree tại Bình Dương.

Công ty Gree nhập khẩu linh kiện, chi tiết máy điều hòa không khí mang nhãn hiệu Sanyo (một phần thông quan tại Bình Dương, một phần tại Đồng Nai), lắp ráp thành máy điều hòa không khí hoàn chỉnh và bán lại cho Công ty Sanyo.

Thủ đoạn này đã bị Hải quan Đồng Nai, Bình Dương phát hiện, truy thu thuế. Riêng số thuế mà Công ty này bị truy thu tại Hải quan Đồng Nai là 7,2 tỷ đồng.

Trước đó, ngày 25/2/2008, Cục Hải quan Đồng Nai cũng đã tiến hành kiểm tra sau thông quan đối với Công ty Sanyo Ha Asean và truy thu 6,9 tỷ đồng tiền thuế (với thủ đoạn tương tự).

Cụ thể, Công ty Sanyo Ha Asean đã nhập khẩu bộ linh kiện đồng bộ để lắp ráp máy điều hòa không khí, sau khi nhập khẩu chỉ qua công đoạn lắp ráp đơn giản là thành sản phẩm hoàn chỉnh.

Về vấn đề này, tháng 12/2008, Bộ Tài chính cũng đã có công văn trả lời Đại sứ quán Nhật Bản và Công ty Sanyo Ha Asean khẳng định, Công ty này đã nhập khẩu linh kiện máy điều hòa đồng bộ qua nhiều lô hàng, nhiều đợt khác nhau để lắp máy điều hòa nguyên chiếc.

Thực tế cho thấy, các linh kiện nhập khẩu của Công ty đủ để lắp ráp thành máy điều hòa nguyên chiếc, Công ty này không hề sản xuất máy điều hòa không khí tại VN. Vì vậy, các loại linh kiện này phải áp mã số thuế đối với máy điều hòa nguyên chiếc.

D.Loan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Xuất khẩu cả năm ước đạt 95 tỷ USD
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO