Xây nhà coi chừng hụt hơi

13/04/2011 09:04

Thêm đợt tăng giá vật liệu xây dựng đang diễn ra tại thị trường TP.HCM. Trong đó, nhiều mặt hàng tăng 10-20% so với trước. Nhiều người xây nhà bị đội vốn lớn, trong khi các nhà thầu cũng hụt hơi vì không dự đoán kịp biến động giá vật tư.

Xây nhà coi chừng hụt hơi

Thêm đợt tăng giá vật liệu xây dựng đang diễn ra tại thị trường TP.HCM. Trong đó, nhiều mặt hàng tăng 10-20% so với trước. Nhiều người xây nhà bị đội vốn lớn, trong khi các nhà thầu cũng hụt hơi vì không dự đoán kịp biến động giá vật tư.

Mua thép xây dựng tại một cửa hàng trên đường Lý Thường Kiệt, Q.Tân Bình, TP.HCM - Ảnh: MINH ĐỨC

Giới kinh doanh vật liệu xây dựng cho biết nguyên nhân tăng giá chủ yếu do tác động từ giá vận chuyển và nguyên vật liệu, chi phí đầu vào tăng mạnh.

Tăng 10-20%

Ngày 12/4, ghi nhận thị trường vật liệu xây dựng ở TP.HCM cho thấy giá các loại vật liệu xây dựng vừa đồng loạt tăng thêm 10-20% từ đầu tháng 4 đến nay, một số mặt hàng đã tăng giá từ đầu tháng 3. Không chỉ ximăng, sắt thép mà gạch ngói, sơn, đồ trang trí nội thất sản xuất trong nước và nhập khẩu đều được các nhà bán buôn, bán lẻ thông báo mức giá mới.

Ông Nguyễn Văn Tú - chủ cửa hàng đồ gỗ Văn Tú trên đường Tô Hiến Thành, P.13, Q.10 - cho biết giá gỗ nguyên liệu nhập khẩu, các phụ gia, hóa chất trong quá trình chế biến và giá nhân công tăng khiến giá thành các mặt hàng cửa gỗ, tủ bếp, tủ áo, tủ cầu thang... buộc phải tăng 10-20% so với hơn một tháng trước. Hiện tủ bếp có giá 5,5 triệu đồng/m, bộ cửa xoan đào (có đủ phụ kiện) giá 6 triệu đồng/cái...

Tương tự, theo anh Lâm Công Tấn - cửa hàng ván gỗ trên đường Tô Hiến Thành, cách đây khoảng một tuần giá các loại ván gỗ gồm cả gỗ tạp, cao su, MDF đều tăng thêm gần 5-10%. Giá gỗ ván cao su, gỗ tạp hiện nay khoảng 530.000 đồng/tấm, ván MDF nhập khẩu khoảng 100.000 đồng/tấm... Theo anh Tấn, gỗ ván phải vận chuyển về từ Gia Lai, ván MDF cũng phải trả thêm chi phí vận chuyển vì đợt điều chỉnh giá xăng dầu vừa qua nên giá phải tăng. Đáng chú ý, một số cửa hàng vật liệu xây dựng và trang trí nội thất ở TP.HCM cho biết đây không phải là đợt tăng giá đầu tiên trong năm nay. Trước đó, cuối tháng 2 nhiều loại vật liệu xây dựng cũng đã tăng giá khoảng 20%, có loại tăng đến 30% so với cuối năm 2010.

Chị Thảo, đại diện một công ty chuyên bán sỉ và lẻ các loại đèn trang trí ở TP.HCM, cho biết từ ngày 4 và 5/4, tất cả mặt hàng đèn trang trí nhập khẩu từ Trung Quốc đều đã tăng giá 15-30%. Giá các loại đèn hiện nay đang ở mức khá cao. Đèn phòng ngủ loại nhỏ giá thấp nhất 100.000-150.000 đồng/chiếc, loại trung bình 350.000-450.000 đồng/chiếc và loại cao cấp phổ biến trên 500.000 đồng/chiếc. Theo chị Thảo, giá tăng một phần do nhà cung cấp tăng, phần khác do tỉ giá và công vận chuyển. Đây là lần thứ hai tăng giá trong năm nay.

Đặc cọc trước, lấy hàng sau...

Giá thép sẽ giảm?

Theo nhận định của Hiệp hội Thép VN (VSA), do cung vượt cầu và tiêu thụ chậm nên giá thép sẽ chững lại rồi giảm nhẹ ở cả miền Bắc và miền Nam ngay trong tháng 4 và quý 2/2011. Chỉ tính riêng trong tháng 3/2011, lượng thép tiêu thụ của các thành viên VSA giảm 30,79% so với tháng trước, xấp xỉ 328.000 tấn do phần lớn các công ty thương mại không còn “ôm” thép trữ như tháng 1 và 2.

Đặc biệt, lượng thép tiêu thụ giảm còn do ảnh hưởng bởi cắt giảm chi tiêu công, giảm các công trình đầu tư không có hiệu quả hoặc không cần thiết, rà soát cắt giảm các hạng mục đầu tư của các bộ ngành và địa phương. Hiện lượng thép tồn kho của các công ty thép tính tới cuối tháng 3/2011 còn khoảng 393.000 tấn, chưa kể lượng phôi thép sản xuất trong nước nằm tại các kho của doanh nghiệp khoảng 580.000 tấn.

Riêng ximăng, sau khi tăng giá 150.000 đồng/tấn vào cuối tháng 3/2011, lượng tiêu thụ của một số doanh nghiệp ximăng có thị phần lớn ở phía Nam vẫn ở mức thấp do nhu cầu tiếp tục suy giảm, có doanh nghiệp chỉ tăng 2-3% trong tháng 3. Trong khi đó lượng cung ximăng thị trường vẫn tiếp tục tăng.

Theo Bộ Xây dựng, năm 2011 ngành ximăng sẽ có khoảng 12 nhà máy mới được đưa vào hoạt động với sản lượng tăng thêm khoảng 9 triệu tấn, nâng tổng công suất lên trên 60 triệu tấn, vượt nhu cầu thực tế khoảng 4-5 triệu tấn.

Ông Hoàng Thanh Bình, Giám đốc Công ty TNHH Việt Nam Project, cho biết so với cuối năm 2010 và đầu năm 2011, giá vật liệu xây dựng và công thợ đều tăng chóng mặt. Nếu lúc trước công thợ chính chỉ 180.000-200.000 đồng/ngày thì bây giờ phải trả 220.000 đồng/ngày, thợ phụ khoảng 150.000-170.000 đồng/ngày mới nhận.

Theo tính toán của ông Bình, nếu lúc trước thi công thô chỉ cần tốn 2,6 triệu đồng/m2 thì nay phải 3 triệu đồng/m2 mới đủ chi phí trang trải. Nếu nhận giá thi công hoàn thiện nhà (bao gồm đầy đủ trang thiết bị sinh hoạt, trừ thiết bị nội thất) giá cũng nhảy vọt lên 6,2 triệu đồng/m2 chứ không còn ở mức 5,4 triệu đồng/m2 như trước.

Thậm chí, đầu năm chi phí thiết kế nhà chỉ ở mức 150.000-200.000 đồng/m2, nay tăng lên 200.000-250.000 đồng/m2. “Tất cả mọi thứ đều tăng ít nhất 10-15% nên chúng tôi buộc phải tăng giá” - ông Bình than.

Trong dự toán báo giá cho hai hợp đồng xây dựng mới nhất của Công ty Việt Nam Project, mức tăng rải đều ở hầu hết các phần nguyên vật liệu quan trọng, trong đó thép tăng 15%, gạch ốp lát các loại tăng 15%, thiết bị vệ sinh tăng 10-20%, vật tư ống nước tăng 20-25%, gạch ống tăng 10-20%, dây điện tăng 15-18%, sơn nước tăng 10-20%....

Để đối phó với tình trạng giá vật liệu xây dựng và trang trí nội thất tăng chóng mặt, nhiều người dân xây nhà đang có xu hướng đặt cọc trước, lấy vật tư theo tiến độ công trình.

Các cửa hàng bán đèn trang trí cho biết có khách hàng đã đặt cọc trước 2-3 tháng. Chị Vũ Phương Anh, một khách hàng cùng chồng đi khảo sát giá vật liệu xây dựng tại cửa hàng trên đường Tô Hiến Thành, cho biết đã đặt cọc trước trên 20 triệu đồng tiền đèn trang trí trong nhà, gần 40 triệu đồng tiền cửa gỗ từ đầu tháng 2.

“Nhờ đặt trước nên nay khi phần thô của ngôi nhà sắp xong, bắt đầu đến khâu hoàn thiện, trang trí chúng tôi không phải trả giá tăng thêm 10-20% nhiều loạt vật tư như các cửa hàng vừa thông báo” - chị Phương Anh cho hay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Xây nhà coi chừng hụt hơi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO