Vốn FDI vào hạ tầng giao thông còn khiêm tốn

SONG ANH| 10/10/2018 06:33

Tại Việt Nam, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng giao thông chiếm khoảng 9 - 10% GDP hằng năm.

Vốn FDI vào hạ tầng giao thông còn khiêm tốn

Các dự án hạ tầng giao thông vắng bóng nhà đầu tư ngoại

Tại Hội nghị Tổng kết 30 năm thu hút FDI mới đây, nhiều thống kê cho thấy đầu tư FDI vào phát triển hạ tầng giao thông còn khiêm tốn, chủ yếu tập trung đầu tư xây dựng, khai thác cảng biển và một số ít cầu tại các thành phố lớn, hoặc các trục đường chính kết nối với các vùng kinh tế trọng điểm.

Đến nay, Việt Nam chưa có nhiều công trình hạ tầng thành công theo hình thức liên doanh hay BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao). Nguyên nhân có nhiều, nhưng tựu trung là do hạ tầng giao thông đòi hỏi nguồn vốn lớn, tính hiệu quả về mặt tài chính thu được không cao.

Nước ta chưa có hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đầy đủ, thiếu những chính sách khuyến khích đầu tư thích đáng và tạo sự chủ động cho nhà đầu tư trong quá trình thực hiện công trình hạ tầng, và đặc biệt là chưa có cơ chế chia sẻ rủi ro giữa Nhà nước và nhà đầu tư theo thông lệ quốc tế, khiến nhà đầu tư hoặc các tổ chức tín dụng e ngại, không muốn tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng.

Một số tập đoàn, doanh nghiệp nước ngoài đến Việt Nam bày tỏ sự quan tâm đầu tư trong lĩnh vực giao thông - vận tải nhưng phần lớn mới chỉ dừng lại ở nghiên cứu, khảo sát thị trường, ngoại trừ dịch vụ vận tải và logistic lĩnh vực hàng hải.

Link bài viết

Ngành giao thông - vận tải Việt Nam đã tìm cách thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực đường bộ theo hình thức liên doanh, PPP (hợp tác công tư) từ rất sớm. Trong nhiều dự án được triển khai nghiên cứu khá kỹ nhưng chưa thực hiện được có đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết theo mô hình PPP, dự án đường vành đai 3 Hà Nội do Tập đoàn Deawoo và Unico Hoa Kỳ đề xuất, dự án liên doanh sân bay quốc tế Nội Bài vào đầu những năm 1990. Một số dự án được các tổ chức uy tín của các nước cam kết nhưng cũng chưa thực hiện, như Vành đai 3 TP.HCM đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch.

FDI vào lĩnh vực đường bộ được thực hiện với 3 mô hình chủ yếu. Thứ nhất, nhà đầu tư nước ngoài bỏ vốn đầu tư và trực tiếp quản lý, khai thác thương mại sau khi hoàn thành. Thứ hai, mua lại quyền khai thác thương mại các tuyến đường đang được khai thác. Thứ ba, tham gia mua lại vốn của doanh nghiệp trong nước để đầu tư khai thác thương mại đường bộ. Thế nhưng, dù có nhiều nhà đầu tư nước ngoài đặt vấn đề đầu tư đường bộ, nhưng tới nay chưa có dự án nào được trao thầu hoặc ký hợp đồng.

Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Vũ Ngọc Đông, tình trạng thu hút FDI vào lĩnh vực đường sắt cũng không khả quan. Thời gian qua, nhiều nhà đầu tư của Đông Âu và một số khu vực khác đã trao đổi với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam để thành lập liên doanh sản xuất đầu máy, toa xe và một số trang thiết bị đường sắt, nhưng đến nay vẫn chưa có liên doanh nào được thành lập.

Lý do chính là thị trường còn nhỏ hẹp, khả năng xuất khẩu hạn chế, năng lực công nghiệp đường sắt trong nước còn yếu và thiếu, đặc biệt là thiếu các chính sách hỗ trợ từ Nhà nước. Thị phần vận tải đường sắt chỉ chiếm 3,57% đối với luân chuyển hành khách và 1,7% đối với luân chuyển hàng hóa do hạ tầng đường sắt quá cũ, lạc hậu và thiếu kết nối với các phương thức vận tải khác. Mô hình quản lý chậm đổi mới cũng là rào cản trong thu hút FDI vào lĩnh vực này.

Thu hút FDI vào lĩnh vực hàng không đặc biệt khó. Xây dựng cảng hàng không sân bay yêu cầu về kỹ thuật chuyên ngành cao, số vốn lớn và là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Vì vậy, FDI vào hạ tầng cảng hàng không cũng yêu cầu những điều kiện khắt khe hơn. Một số tập đoàn như Quantas, Airoport de Paris, ANA Holding Inc chỉ quan tâm mua cổ phần hoặc là nhà đầu tư chiến lược của các doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực hàng không như Tổng công ty Hàng không Việt Nam, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam.

FDI tham gia vào đầu tư trong lĩnh vực giao thông - vận tải sẽ giúp giảm bớt một phần gánh nặng đầu tư công và tăng tính hiệu quả quản lý, tiếp cận thị trường quốc tế và chuyển giao công nghệ. Ngành giao thông - vận tải xác định nhu cầu vốn trong giai đoạn 2016 - 2020 khoảng gần 1 triệu tỷ đồng, trong đó khoảng 60% cần được cân đối từ ngân sách (vốn ngân sách nhà nước và vốn ODA) và 40% từ nguồn vốn huy động ngoài ngân sách nhà nước.

Tuy nhiên, hiện nay nguồn vốn ngân sách nhà nước còn khó khăn, khả năng huy động thêm vốn ODA cũng hạn chế dần, vì thế việc tiếp tục huy động vốn đầu tư ngoài ngân sách, xã hội hóa đầu tư được coi là giải pháp chủ đạo để có thể đạt được các mục tiêu phát triển hạ tầng giao thông. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Vốn FDI vào hạ tầng giao thông còn khiêm tốn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO