Vô hiệu hoá “bút phù thuỷ”

15/05/2013 00:03

Thông tin ở Hà Nội, TP.HCM và một số tỉnh xuất hiện loại bút viết xong chữ biến mất đang khiến nhiều người lo lắng bị kẻ xấu dùng bút này ký nhận các giao dịch nhằm lừa đảo.

Vô hiệu hoá “bút phù thuỷ”

Thông tin ở Hà Nội, TP.HCM và một số tỉnh xuất hiện loại bút viết xong chữ biến mất đang khiến nhiều người lo lắng bị kẻ xấu dùng bút này ký nhận các giao dịch nhằm lừa đảo. Ngày 10.5 vừa qua, đội chống xâm phạm sở hữu trí tuệ, phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về quản lý kinh tế và chức vụ, công an Hà Nội đã bắt giữ một lô hàng trong đó có 9 cây "bút phù thuỷ" xuất xứ từ Trung Quốc, bán với giá 300.000 – 500.000 đồng.

Lô hàng bút phù thuỷ xuất xứ Trung Quốc bị bắt giữ ngày 10/5. Ảnh: L.An

Hậu quả khôn lường

Trung tá Hà Thế Hùng, đội trưởng đội chống xâm phạm sở hữu trí tuệ cho biết kết quả thực nghiệm với bút phù thuỷ (còn gọi là “bút ma thuật”, “bút bay mực”, “bút xoá dấu vết”…) bị thu giữ ghi nhận: khi viết vào tờ giấy trắng, các nét chữ xanh hiện lên rõ ràng nhưng chỉ sau 45 phút đến ba giờ, toàn bộ các nét chữ biến mất. “Chúng tôi chưa tiếp nhận vụ việc nào bị thiệt hại do loại bút này gây ra, tuy nhiên nếu không chủ động phòng chống thì hậu quả khôn lường, bởi một số kẻ xấu có thể lợi dụng tính năng của loại bút này để lừa đảo trong giao dịch kinh tế, vay mượn tiền bạc, thoả thuận hợp đồng, giao nhận hàng hoá cam kết mua bán…” ông Hùng nói.

Chiều ngày 13.5, chúng tôi gọi vào số điện thoại 0977… của Đạt, một người rao bán bút phù thuỷ giá 350.000 đồng trên trang web R., và được chào hàng như sau: “Sau khi anh viết bằng loại bút này trên giấy hay bất cứ chất liệu gì thì sau 6 tiếng đến 24 tiếng mực trên chất liệu đó sẽ tự động bay hết dấu vết, màu sắc. Loại này đang bán được lắm, tôi chỉ còn vài cây. Nếu anh mua từ ba cây trở lên, tôi giao tận nơi”.

Lai lịch bút phù thuỷ

TS Lê Quang Thuận, hội Hoá học Việt Nam cho biết kỹ thuật sử dụng hoá chất để chế tạo mực không màu hoặc tự mất màu (mực tàng hình) được sử dụng từ lâu, đặc biệt trong lĩnh vực an ninh, điệp báo, nhằm truyền tin tuyệt mật, che giấu nội dung tài liệu, đánh lạc hướng đối phương. Sau này, công thức chế tạo loại mực tàng hình bị rò rỉ ra ngoài và xuất hiện rầm rộ ở Nga, kế tiếp tràn ngập ở Trung Quốc. Cơ quan tình báo CIA của Mỹ mới đây cũng đã cho công bố tài liệu mật từ thế chiến thứ nhất, trong đó có đề cập công thức chế tạo loại mực tàng hình.

TS Vũ Đức Lợi, phó viện trưởng viện Hoá học thuộc viện hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam cho biết đã phân tích và đối chứng mẫu mực của bút phù thuỷ xuất hiện ở Việt Nam, kết quả ghi nhận thành phần mực gồm: ethanol, dung dịch kiềm và chất thymolphthalein. Thymolphthalein thường được hoà trong rượu (có ethanol) và NaOH để làm mực chuyển màu, sự chuyển màu xuất hiện trong môi trường kiềm với độ pH 9,3 – 10,5. Nếu pH< 9,3 sẽ không có màu, khi pH >10,5 sẽ có màu xanh sẫm.

“Khi điều chế làm mực viết lên giấy, tác động của khí CO2 và hơi nước trong không khí có tính axít sẽ làm giảm dần độ pH của mực. Đó là lý do tại sao khi viết loại mực này, màu xanh của thymolphthalein mờ dần và mất hẳn sau khoảng 24 giờ. Thymolphthalein không khó kiếm ở Việt Nam, nhưng để điều chế thành mực tàng hình là không dễ”, ông Lợi nói.

Cũng theo ông Lợi, để mực mất màu nhanh hơn, có thể hít thở sâu rồi hà hơi vào dòng chữ có mực vài lần. Thậm chí, nếu để tờ giấy gần luồng xả ống khói ôtô hay xe máy thì mực mất màu cũng nhanh.

Cách hoá giải

TS Lợi khuyên mọi người khi có nghi ngờ bút phù thuỷ thì trước khi viết vào văn bản chính nên thử viết trên giấy nháp, sau đó nhỏ lên chữ viết mấy giọt chanh, tắc (quất) hoặc giấm. Axít của chanh, tắc, giấm sẽ làm pH giảm thấp, nếu màu mực dần biến mất thì đích thực là "bút phù thuỷ".

“Trong trường hợp nếu sơ ý sử dụng loại bút này, muốn chữ hiện lên lại, hãy tìm cách làm tăng độ pH của mực, khi đạt tới pH thích hợp, màu mực sẽ xuất hiện, chẳng hạn dùng nước vôi trong thấm lên phần giấy đã viết chữ, nước vôi sẽ làm độ pH dần lớn hơn 9,3 và màu mực sẽ dần hiện ra”, ông Lợi nói.

Theo TS Thuận, không chỉ với bút sử dụng mực tàng hình mà các loại mực thông thường cũng đều có thể biến đổi theo thời gian, nhạt dần và chịu ảnh hưởng của điều kiện thời tiết, khí hậu, ánh sáng... Để hạn chế tối đa thiệt hại, mọi người chỉ nên dùng loại bút tin cậy mình sở hữu để ký kết các văn bản quan trọng.

Thận trọng hơn nữa, nên photo hoặc scan lại các hồ sơ, chứng từ gốc. Tuyệt đối không dùng loại bút không có hoặc đã bị tháo hết nhãn mác. Đối với những tài liệu mà chữ viết đã bị mờ nhoè, nhạt màu do điều kiện khí hậu, chất lượng mực, quá trình bảo quản, hoá chất làm hư hại... thì thông qua các biện pháp kỹ thuật như sử dụng ánh sáng hồng ngoại, ánh sáng spot… vẫn có thể khôi phục nguyên mẫu.

“Tuy gọi là mực tàng hình nhưng về bản chất đó chỉ là hiện tượng chuyển đổi màu mực từ dạng này sang dạng khác. Cơ quan giám định kỹ thuật vẫn có nhiều phương pháp để phát hiện có chữ viết, chữ ký hay không, đồng thời họ có thể khôi phục, chụp lại dấu vết của chữ viết, chữ ký để lại trên giấy và các chất liệu khác bằng thiết bị chuyên dụng”, TS Thuận giải thích.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Vô hiệu hoá “bút phù thuỷ”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO