Việt Nam thuộc nhóm nước có tỷ lệ chi cho giáo dục cao nhất thế giới

30/04/2010 08:50

Trong vòng 12 năm qua (từ 1998 - 2010), Nhà nước tăng dần đầu tư GD-ĐT từ mức hơn 13% lên 20% tổng chi ngân sách nhà nước.

Việt Nam thuộc nhóm nước có tỷ lệ chi cho giáo dục cao nhất thế giới

Trong vòng 12 năm qua (từ 1998 - 2010), Nhà nước tăng dần đầu tư GD-ĐT từ mức hơn 13% lên 20% tổng chi ngân sách nhà nước. Với tỷ lệ chi ngân sách cho giáo dục như trên, Việt Nam thuộc nhóm nước có tỷ lệ chi cho giáo dục cao nhất thế giới.

Ông Nguyễn Văn Ngữ, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch-Tài chính, Bộ GD-ĐT khẳng định như vậy. Tuy nhiên, ông Ngữ cho biết, do quy mô ngân sách của nước ta còn bé, nên tổng mức ngân sách giáo dục còn nhỏ, mức chi bình quân cho một HS, SV còn rất thấp so với các nước trong khu vực và thế giới.

53% số học sinh, sinh viên được miễn giảm học phí.

Bên cạnh tăng ngân sách nhà nước cho giáo dục, Nhà nước thựchiện chế độ miễn giảm học phí (đã có 53% số HS, SV được miễn giảm học phí), chế độ cấp học bổng chính sách; chế độ chính sách tín dụng SV (đến nay đã có khoảng 1,6 triệu HS, SV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn để học tập với số tiền 18.000 tỷ đồng).

Đối với giáo viên, từ năm 2006, Bộ GD-ĐT đã xây dựng đề án trình Thủ tướng Chính phủ đề xuất tăng hệ số ưu đãi cho giáo viên bình quân từ 1,35 lên 1,7 lần. Đây là mức đề xuất hệ số ưu đãi trong tương quan với hệ số ưu đãi của lực lượng vũ trang (bộ đội, công an là 1,8).

Ông Ngữ cho hay, Chính phủ đã bàn bạc và chưa chấp thuận với lý do còn phải tính đến ngành y tế, văn hoá và các ngành khác, mặt khác đội ngũ giáo viên ngành giáo dục đã và đang được hưởng hệ số đứng lớp theo Quyết định số 244/2005/QĐ-TTg ngày 06/10/2005 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy tại các trường công lập như sau: Nhà giáo dạy CĐ, ĐH là 25%; nhà giáo dạy THCS, THPT ở đồng bằng, thành phố là 30%; nhà giáo dạy mầm non, tiểu học ở đồng bằng, thành phố, THCS, THPT ở miền núi, hải đảo vùng sâu vùng xa là 35%; nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy trong các trường sư phạm, khoa sư phạm (ĐH, CĐ) là 40%; nhà giáo dạy môn Mác - Lênin là 45% và giáo viên dạy mầm non, tiểu học ở miền núi, vùng sâu, vùng sâu, vùng xa hải đảo là 50%. Bình quân hệ số phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy là 35%.

Ngoài ra, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 61/2006/NĐ-CP ngày 20/6/2006 về chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục công tác ở trường chuyên biệt, ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn: Mức phụ cấp 50% áp dụng đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đang công tác tại trường năng khiếu thể dục thể thao; trường năng khiếu nghệ thuật; trường phổ thông dân tộc bán trú; trường dự bị ĐH; mức phụ cấp 70% áp dụng đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đang công tác tại trường phổ thông dân tộc nội trú, trường THPT chuyên, trường lớp dành cho người tàn tật, khuyết tật và nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đang công tác tại các cơ sở giáo dục, đào tạo thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Giáo viên tiếp tục được hưởng phụ cấp thâm niên.

Để từng bước nâng cao tiền lương, thu nhập cho đội ngũ cán bộ công chức, viên chức và những người hưởng lương từ ngân sách nhà nước (trong đó có nhà giáo), trong giai đoạn từ 2006-2012, Chính phủ đã có lộ trình tăng mức lương tối thiểu. Từ năm 2006 đến tháng 5/2010, mức lương tối thiểu chung tăng từ 350.000 đồng/tháng lên 730.000 đồng/tháng. Với mức lương tối thiểu tăng lên như trên, thì thu nhập của giáo viên hàng tháng đã tăng gấp 2,08 lần. Lạm phát từ sau năm 2006 đến năm 2009 là 44,6%. Như vậy, thu nhập thực tế của giáo viên đã tăng 1,44 lần (2,085/1,446).

Ví dụ, nếu một giáo viên tốt nghiệp đại học ra trường năm 2010, thì sẽ có mức lương là 2,306 triệu đồng/tháng (mức lương tối thiểu nhân với hệ số lương cơ bản nhân với hệ số phụ cấp ưu đãi bình quân chung toàn ngành: 730.000 đồng x 2,34 x 1,35). Nếu ở thời điểm năm 2006 thì giáo viên này có mức lương là 1,105 triệu đồng/tháng (350.000 đồng x 2,34 x 1,35).

Làm thế nào để giáo viên sống được bằng đồng lương là mối trăn trở không của riêng ngành Giáo dục, mà là mối quan tâm chung của các ban ngành Trung ương, các địa phương và toàn xã hội. Để nâng lương cho hơn một triệu nhà giáo (chiếm khoảng 80% đội ngũ công chức khối hành chính sự nghiệp) thì phải chi một lượng ngân sách khá lớn. Mặt khác, việc nâng lương cho giáo viên phải xét trong mối tương quan với công chức, viên chức các ngành khác. Ông Ngữ cho biết, phụ cấp thâm niên của nhà giáo tiếp tục được khẳng định tại Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục (có hiệu lực từ ngày 01/7/2010). Bộ GD-ĐT đang phối hợp với các Bộ, ngành hữu quan soạn thảo các văn bản trình Chính phủ trong năm 2010 để thực hiện Nghị quyết số 35/2009/QH12 và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục, trong đó có việc thực hiện phụ cấp thâm niên cho giáo viên.

Trong nhiệm kỳ 5 năm tới, Nhà nước sẽ vẫn tiếp tục thực hiện các chính sách lương giáo viên như trên và sẽ có những cơ chế khuyến khích đội ngũ nhà giáo nâng cao trình độ, nâng cao chất lượng giảng dạy để nâng cao thu nhập, đời sống của giáo viên sẽ tốt hơn - ông Ngữ khẳng định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Việt Nam thuộc nhóm nước có tỷ lệ chi cho giáo dục cao nhất thế giới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO