Vi phạm hành chính có thể bị phạt đến 2 tỷ đồng?

13/10/2011 06:18

Thẩm tra dự án Luật Xử lý vi phạm hành chính được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 12/10, Thường trực Ủy ban Pháp luật chưa đồng tình với mức xử phạt được xem là bị nâng lên quá cao.

Vi phạm hành chính có thể bị phạt đến 2 tỷ đồng?

Thẩm tra dự án Luật Xử lý vi phạm hành chính được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 12/10, Thường trực Ủy ban Pháp luật chưa đồng tình với mức xử phạt được xem là bị nâng lên quá cao.

Theo dự thảo Luật Xử lý vi phạm hành chính, mức phạt tiền tối đa cao nhất (2 tỷ đồng) được áp dụng với các vi phạm trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, tín dụng

So với Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính, dự thảo luật đã điều chỉnh khung phạt tiền áp dụng chung đối với các vi phạm hành chính theo hướng tăng mức phạt tiền tối thiểu lên gấp 5 lần (từ 10 nghìn đồng lên 50 nghìn đồng) và tăng mức phạt tiền tối đa lên gấp 4 lần (từ 500 triệu đồng theo lên 2 tỷ đồng).

Phân theo lĩnh vực, mức phạt tiền tối đa cao nhất (2 tỷ đồng) được áp dụng với các vi phạm trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, tín dụng; chứng khoán và thị trường chứng khoán, quản lý rừng, lâm sản.

Theo thường trực cơ quan thẩm tra, Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính có hiệu lực thi hành từ ngày 1/6/2008 đến nay mới được hơn 3 năm. Việc nâng mức phạt tiền trong dự thảo luật là quá cao so với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, cũng như thu nhập của nhân dân. Đồng thời cũng không tương xứng so với mức phạt tiền được quy định trong Bộ luật Hình sự.

Chẳng hạn, đối với người có hành vi huỷ hoại rừng sẽ bị toà án tuyên phạt tiền tối đa đến 100 triệu đồng theo Bộ luật Hình sự nhưng cũng hành vi này trong dự thảo luật lại xử phạt tiền tối đa đến 2 tỷ đồng.

Do đó, đề nghị cần làm rõ căn cứ lý luận và thực tiễn để tăng mức phạt tiền cao như dự thảo luật, Chủ nhiệm Phan Trung Lý đề nghị.

Mặt khác, thường trực Uỷ ban Pháp luật còn cho rằng, nếu chỉ chú trọng nâng mức xử phạt tiền cao mà không quan tâm các giải pháp khác về kinh tế - xã hội, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật thì sẽ không đạt được mục đích để giảm vi phạm mà sẽ tạo ra bất lợi về nhiều mặt như, đẩy người vi phạm vào đường cùng, chống đối hoặc lại thoả thuận với người xử phạt dẫn đến tiêu cực.

Thực tế cho thấy, để bảo đảm xử lý hành chính có hiệu quả thì phải chú trọng công tác tổ chức, thực hiện nghiêm các biện pháp khác. Chẳng hạn đối với hành vi xây dựng trái phép chỉ cần phạt cảnh cáo nhưng áp dụng tốt biện pháp “buộc tháo dỡ công trình xây dựng trái phép” sẽ có tác dụng tốt hơn; tránh trường hợp phạt tiền cao nhưng lại “cho tồn tại”.

Cũng liên quan đến nội dung xử phạt, Chính phủ cho biết, dự thảo luật ghi nhận cơ chế xử phạt đặc thù đối với các thành phố trực thuộc trung ương. Theo đó, đối với khu vực nội thành của các thành phố trực thuộc Trung ương, thì Chính phủ có thể quy định mức phạt tiền cao hơn mức áp dụng chung nêu trên, nhưng tối đa không quá 2 lần mức phạt chung áp dụng đối với cùng hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông, môi trường và trật tự quản lý đô thị trên cơ sở đề nghị của hội đồng nhân dân thành phố trực thuộc Trung ương.

Quy định này nhận được sự tán thành của thường trực cơ quan thẩm tra. Tuy nhiên, cũng có ý kiến không tán thành, vì cho rằng sẽ tạo ra sự không bình đẳng trong cùng một cấp hành chính, những người có cùng một chức vụ như nhau nhưng lại có thẩm quyền xử phạt khác nhau đối với hành vi vi phạm giống nhau.

Sau khi tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dự thảo luật sẽ được chỉnh lý để trình Quốc hội xem xét vào kỳ họp tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Vi phạm hành chính có thể bị phạt đến 2 tỷ đồng?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO