Vàng hóa & những lo ngại

13/11/2010 01:46

Một mối lo ngại lớn từ tình trạng vàng hóa là vốn luẩn quẩn ở các thị trường tự do vàng và ngoại tệ mà không đổ vào sản xuất trực tiếp. Điều này sẽ gây bất lợi cho nền kinh tế.

Vàng hóa & những lo ngại

Một mối lo ngại lớn từ tình trạng vàng hóa là vốn luẩn quẩn ở các thị trường tự do vàng và ngoại tệ mà không đổ vào sản xuất trực tiếp. Điều này sẽ gây bất lợi cho nền kinh tế.

Theo số liệu thống kê của Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), lượng vàng dự trữ trong dân tại Việt Nam đã đạt 1.000 tấn vào cuối năm 2009 với tổng trị giá hơn 40 tỉ USD. Điều này đưa Việt Nam trở thành thị trường vàng lớn thứ 5 thế giới. Tất nhiên, còn phải xem lại tính chính xác của số liệu trên, nhưng dù lượng vàng nắm giữ hiện nay là 800 tấn hay 1.000 tấn, nếu quy ra bằng tiền đồng hay USD, đó là con số vô cùng lớn.

Người dân Việt Nam có thói quen tích lũy vàng từ nhiều năm nay. Trước những đợt biến động giá vàng trong thời gian gần đây, nhiều tổ chức và cá nhân đã đổ xô mua vàng và ngoại tệ. Có thể thấy, vàng đã len lỏi vào định giá hàng hóa, dự trữ và dẫn đến vàng hóa. Và điều này cũng kéo theo không ít hệ lụy.

Những hệ lụy

1.000 tấn: Lượng vàng dự trữ trong dân tại Việt Nam tính đến cuối năm 2009, theo thống kê Hội đồng Vàng Thế giới.

Theo chuyên gia thị trường giá cả Ngô Trí Long, vốn luẩn quẩn ở các thị trường vàng và ngoại tệ mà không đổ vào sản xuất trực tiếp sẽ gây bất lợi cho nền kinh tế, bởi chỉ có hoạt động sản xuất trực tiếp mới tạo giá trị gia tăng thực sự.

Do vốn loanh quanh ở thị trường tự do vàng và ngoại tệ, khiến các ngân hàng không huy động được vốn, đặc biệt là vốn tiền đồng. Khi Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam kêu gọi các ngân hàng thành viên đồng thuận hạ lãi suất huy động xuống 11% thì việc huy động vốn còn trở nên khó khăn hơn. Mới đây, Chính phủ chủ trương không yêu cầu giảm lãi suất và cho phép các ngân hàng thương mại huy động và cho vay theo thị trường. Điều này được đánh giá là sẽ giúp cho các ngân hàng dễ dàng hơn trong việc huy động vốn.

Song, dù sao việc gom và găm giữ vàng đã góp phần đẩy lượng tiền ra lưu thông, tạo sức ép lạm phát. Tiến sĩ Nguyễn Đại Lai, chuyên gia của Ngân hàng Nhà nước, nêu ra nghịch lý “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” hiện nay, đó là lãi suất cao và lạm phát cũng cao. Trong khi đó, theo lý thuyết kinh tế, lãi suất cao lẽ ra phải góp phần kiểm soát lạm phát.

Khi vàng trở thành thước đo giá trị, việc giá vàng biến động kéo giá nhiều loại hàng hóa đặc biệt khác biến động theo. Trong đó, chuyên gia kinh tế Phạm Tất Thắng nhấn mạnh sự tác động đến thị trường bất động sản và ngoại tệ. Một tác động rõ ràng là khi giá vàng tăng thì thị trường ngoại tệ, đặc biệt là USD, cũng nóng theo. Điều này phần lớn là do tình trạng gom ngoại tệ để nhập lậu vàng.

Ông Thắng cũng cảnh báo một hệ lụy khác của biến động giá vàng. Đó là nhiều doanh nghiệp, thậm chí doanh nghiệp có vốn nhà nước, tranh thủ đầu tư tài chính, nhất vàng và ngoại tệ, thay vì rót vốn vào các lĩnh vực kinh doanh chính.

Lời giải nào cho bài toán vàng hóa?

Trong ngắn hạn, ông Thắng cho rằng cần đưa ra một giải pháp mang tính thị trường nhằm tạo sự liên thông hơn nữa giữa thị trường vàng trong nước và thế giới, bởi độ trễ về giá càng dài thì càng tạo kẽ hở cho hoạt động đầu cơ.

Về dài hạn, theo ông Long, cần chú trọng đến vấn đề ổn định kinh tế vĩ mô. Khi nền kinh tế có tỉ lệ lạm phát thấp, giá trị tiền đồng tương đối ổn định về lâu dài thì tâm lý người dân cũng ổn định hơn, hạn chế được tình trạng mua vàng hay ngoại tệ để dự trữ.

Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cũng đặt vấn đề ổn định nội tệ và kiểm soát lạm phát. Bên cạnh đó, cần có biện pháp tác động trung gian chứ không đơn giản bằng cách ngăn cấm giao dịch ngoại tệ, mua bán và huy động vàng. Bởi làm như vậy, chỉ kiểm soát được thị trường chính thức mà không kiểm soát được thị trường tự do.

Cơ quan này cũng cho rằng, cần có cơ chế chu chuyển tiền đồng hay vàng. Việc cấm sàn vàng là đúng, nhưng cấm các ngân hàng thương mại mở tài khoản giao dịch vàng ở nước ngoài thì cần xem lại. Vì làm như vậy sẽ không cân bằng được rủi ro của việc huy động vàng trong nước.

Có thể thấy, khi đóng cửa sàn vàng và tài khoản giao dịch vàng thì lãi suất huy động vàng gần như bằng 0%. Nhưng thời gian gần đây, hoạt động huy động vàng tại các ngân hàng thương mại có tăng lên, chủ yếu là nhằm cân đối tỉ lệ huy động và cho vay theo quy định của Ngân hàng Nhà nước tại Thông tư số 19/2010/TT-NHNN ngày 27/9/2010 (sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 13/2010/TT-NHNN ngày 20/5/2010 quy định về các tỉ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng).

Về lâu dài, cũng như nhiều nước khác, Việt Nam cần có ngân hàng để giải quyết nhu cầu vàng của nền kinh tế. Và Ngân hàng Nhà nước phải là người cho vay cuối cùng. Nếu các ngân hàng thương mại có thể đến tái chiết khấu bằng vàng tại Ngân hàng Nhà nước để lấy tiền đồng thì Ngân hàng Nhà nước sẽ thu hút được vàng ở trong dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Vàng hóa & những lo ngại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO