Nguyên nhân có nhiều nhưng chủ yếu do chỉ số cạnh tranh địa phương chưa thuộc nhóm tốt nhất, chưa thu hút được nhiều dự án đầu tư trong và ngoài nước có vốn lớn, công nghệ hiện đại, nhất là lĩnh vực công nghiệp chế tạo, công nghệ số...
Được xem là địa phương đầu tiên của cả nước triển khai xây dựng thành phố thông minh và đã đạt được một số kết quả nhất định, nhưng TP.HCM vẫn còn nhiều điểm nghẽn. Một trong những điểm nghẽn đó là cơ sở pháp lý trong lĩnh vực quy hoạch đô thị và phát triển hạ tầng đô thị còn chồng chéo, nhiều bất cập, chưa đồng bộ. Hệ thống hạ tầng nói chung và giao thông nói riêng, nhất là việc kết nối giao thông với các vùng lân cận trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam có cải thiện nhưng vẫn chưa đạt yêu cầu. Đặc biệt, thị trường bất động sản của Thành phố năm qua im ắng vì nhiều công trình và dự án xây dựng nhà ở bị vướng pháp lý. Bên cạnh đó, các quy định pháp luật về đầu tư, nhà ở, đất đai, quy hoạch đô thị chưa có sự thống nhất. Nhiều dự án đang trong quá trình thanh tra, điều tra, kiểm toán, rà soát lại thủ tục pháp lý dẫn đến tình trạng đùn đẩy trách nhiệm giải quyết từ các cơ quan có chức năng.
![]() |
Trước tình trạng ấy, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong khẳng định, nếu không sớm giải quyết được những vấn đề trên sẽ càng gây khó khăn cho doanh nghiệp, ảnh hưởng đến tiến trình phát triển của Thành phố và nguồn lực kinh doanh của các nhà đầu tư, uy tín của các sở, ngành.
Điều đáng nói hiện nay là không ít cán bộ cấp cao của TP.HCM bị kỹ luật, thậm chí bị truy tố trách nhiệm hình sự, đã tác động không nhỏ đến tâm lý của nhiều công chức, khiến công việc ở nhiều sở, ngành bị ùn ứ. Nhiều cán bộ, công chức có thẩm quyền đều chung tâm lý "chùn tay", sợ trách nhiệm nên né tránh, không dám nêu chính kiến giải quyết các vấn đề tồn đọng. Tâm lý này đã tác động đến cả những doanh nghiệp nhà nước chưa cổ phần hóa và câu hỏi của nhiều doanh nghiệp vẫn lộ rõ sự lo âu: Biết đến bao giờ các dự án xây dựng đang vướng pháp lý sẽ được giải quyết? Liệu tâm lý đó có làm chậm đà tăng trưởng kinh tế của TP.HCM vào năm 2021?
Năm 2020 gần qua đi, năm 2021 đang được giới doanh nhân, doanh nghiệp kỳ vọng mở ra triển vọng nền kinh tế sẽ tăng trưởng. Tuy nhiên, sự lạc quan luôn cần có chính sách thật rõ ràng, cụ thể và không chồng chéo. Đặc biệt, để doanh nghiệp có thể "khỏe lên" khi đại dịch Covid-19 đang được khống chế, cần có nhiều hơn chính sách hỗ trợ kịp thời của Nhà nước về vốn, về xúc tiến thương mại... Vừa qua, mặc dù nhiều gói hỗ trợ được ban hành, như gói cho vay lãi suất thấp hoặc không lãi suất nhưng vẫn có rất nhiều doanh nghiệp không tiếp cận được do không nắm rõ thông tin hoặc thủ tục vay quá rườm rà, dù đa số họ là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, là đối tượng rất cần được hỗ trợ. Nếu tiếp cận được nguồn hỗ trợ kịp thời, khả năng "sống được" và chuyển đổi để phát triển của các doanh nghiệp sẽ sớm hơn và hiệu quả hơn.
Hiện nay, với tốc độ phát triển nhanh chóng của công nghệ, nhiều mô hình kinh doanh mới chưa có tiền lệ ra đời như mô hình P2P Lending, quản lý tài chính cá nhân, chia sẻ dữ liệu người dùng... tuy nhiên pháp lý cho lĩnh vực này chưa theo kịp nên gây nhiều hệ lụy cho thị trường và doanh nghiệp. Tâm lý hoạt động cầm chừng của nhiều doanh nghiệp trước "lằn ranh tối - sáng" cũng là tâm lý chung hiện nay.
Thiết nghĩ, với tốc độ phát triển ngày càng nhanh của công nghệ, người làm chính sách cần phải mạnh dạn "bước ra khỏi vùng an toàn" để thử nghiệm cái mới và quyết tâm thực hiện mục tiêu phục hồi, tăng trưởng nền kinh tế với "cỗ xe tam mã" gồm ba trụ cột chính: đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng. Được như thế, nền kinh tế của TP.HCM trong năm 2021 mới mong đột phá và đạt kỳ vọng đặt ra.