Vaccine là chìa khóa để khống chế dịch

Phan Nhung| 05/08/2021 08:13

Tối 4/8, Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn phối hợp với Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM, cùng CLB các nhà kinh tế đã tổ chức buổi tọa đàm trực tuyến với sự điều phối của ông Nguyễn Chánh Phương - Tổng Thư ký Hội Mỹ nghệ & Chế biến gỗ TP.HCM, nhằm chia sẻ các vấn đề khó khăn của DN hiện tại trong công cuộc thực hiện mục tiêu kép.

Gần một tháng thực hiện sản xuất theo quy định 3T, “1 cung đường - 2 địa điểm”, nhiều DN tại TP.HCM đã rất nỗ lực để cầm cự, song cũng không ít DN phải đóng cửa. Vậy, các DN cần làm gì lúc này và cần được chính quyền hỗ trợ ra sao?

Hơn 30 chuyên gia - lãnh đạo DN - Chủ tịch các Hội, Đoàn, DN trong TP tham gia buổi tọa đàm đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm và đưa ra giải pháp cụ thể cho các DN. 

0516d0207ee089bed0f1-3405-1628150232.jpg

Buổi tọa đàm trực tuyến có sự góp mặt của hơn 30 chuyên gia, lãnh đạo các Hội, Đoàn, DN. Ảnh: Doanh Nhân Sài Gòn

DN kết hợp địa phương tổ chức khu chăm sóc y tế bên ngoài

Ông Vũ Quang Huy - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tekcom, nơi có 1.000 công nhân đang thực hiện phương án 3T,  chia sẻ: “Chúng tôi đã liên kết với địa phương tổ chức một khu chăm sóc y tế bên ngoài và phối hợp chặt chẽ với bên trong nhà máy để xử lý kịp thời khi có ca nhiễm bệnh cần phải cách ly.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng lập ra các nhóm phản ứng nhanh bên trong nhà máy, huấn luyện để họ nắm được những quy tắc về sức khỏe để sẵn sàng chăm sóc y tế khi công nhân bị bệnh thông thường hay bị nhiễm Covid. Chúng tôi muốn công nhân cảm nhận được sự an toàn khi lao động, sản xuất trong nhà máy và hy vọng trong 2 tuần tới sẽ có vaccine tiêm chủng cho người lao động".

5fdf10d6a31654480d07-9041-1628150232.jpg

DN có thể kết hợp các dịch vụ y tế bên ngoài và địa phương để đẩy nhanh quá trình test Covid-19, xử lý kịp thời các tình huống. Ảnh: Chinhphu.vn

Dựa vào tình hình thực tế của Tekcom, ông Huy đề nghị các DN chủ động liên lạc với Trung tâm y tế hoặc BV tư nhân ở địa phương để cung cấp dịch vụ xét nghiệm hoặc tiêm chủng vaccine cho công nhân, như vậy sẽ giảm được sự quá tải cho hệ thống y tế của nhà nước. 

Mẫu test gộp PCR tốt hơn test nhanh

Về việc lấy mẫu xét nghiệm định kỳ cho người lao động, ông Huy chia sẻ: "Chúng tôi đã cử 4 bạn đi tham gia tập huấn test bằng những bộ test được Bộ Y tế duyệt, có giá từ 145.000 đồng đến 198.000 đồng một bộ. Sau đó chúng tôi tổ chức lên danh sách, ghi số hiệu, phân luồng, giữ khoảng cách 5K trong quá trình test.

Tuần đầu tiên, chúng tôi thực hiện test 100%, sau đó số lượng test sẽ được sàng lọc và giảm dần theo hình thức khoanh vùng tại các nhóm công nhân để giảm chi phí, vì khi công nhân thực hiện 3T sẽ không ra ngoài và ở theo nhóm thì sẽ không cần phải test toàn bộ".

Ông Huy cũng đề cao việc DN tiến hành test bằng PCR thay vì test nhanh, vì với phương pháp test PCR sẽ gộp được nhiều người (trong cùng một nhóm), giảm bớt chi phí cho DN. Ngoài ra, phương pháp test PCR cũng bảo đảm độ chính xác hơn so với test nhanh. 

T.S Võ Trí Thành - cựu Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương, nhận định: “Việc DN chia nhỏ các nhóm công nhân để tiến hành xét nghiệm định kỳ là rất tốt, nhiều nước trên thế giới cũng áp dụng cách này. Ví dụ như các nước đang tham dự Thế vận hội Olympic cũng chia nhỏ vận động viên trong các đội và nếu có F0 thì chỉ bị trong nhóm đó, không lây lan rộng, việc cách ly cũng dễ dàng hơn".  

1598346548-single-news1-pcr-7994-1628150

Xét nghiệm PCR có thể giúp các DN thực hiện test bằng cách lấy mẫu gộp, giúp DN tiết kiệm chi phí. Ảnh minh họa: BV Đặng Văn Ngữ

Ông Trần Lam Sơn - Phó TGĐ Công ty TNHH SX-TM-XNK Thiên Minh, đang có hơn 800 công nhân thực hiện 3T,  đề nghị: “Các DN thực hiện 3T đang tìm mọi cách để giảm bớt chi phí, trong đó có chi phí test Covid-19. Nếu có thể, chúng tôi cần sự chủ động mua dụng cụ test và tự làm, thay vì phải tổ chức test hàng tuần rất tốn kém.

Hiện nay có một số công ty tư nhân đề nghị cung cấp dịch vụ xét nghiệm hoặc tiêm chủng vaccine cho DN nhưng chưa được nhà nước cấp phép, điều này gây thêm khó khăn cho DN". 

Testanh-2-8418-1628150232.jpg

DN cần được chủ động mua các dụng cụ test Covid-19 để giảm bớt chi phí. Ảnh: BYT

Vaccine chính là chìa khóa để khống chế dịch 

T.S Võ Trí Thành chia sẻ: “Để khống chế dịch, chìa khóa chính là vaccine. Vaccine là quan trọng nhất, sau đó là an sinh xã hội, rồi mới đến lao động, sản xuất. Nhưng với tốc độ tiêm chủng như hiện nay thì nhanh nhất đến quý I/2022 chúng ta mới có thể phủ sóng 70% vaccine trong dân".

Theo ông Thành, khống chế dịch nghĩa là giảm sự lây lan xuống mức thấp nhất để hệ thống y tế có thể xử lý và kiểm soát. Ví dụ như tai nạn giao thông không thể làm cho hết được mà chỉ có thể khống chế giảm bớt hậu quả bằng luật Giao thông đường bộ, rồi khắc phục hậu quả bằng hệ thống y tế. 

Cách tốt nhất để có thể tiêm chủng vaccine nhanh cho người lao động theo ông Thành là từ bây giờ nhà nước nên có kế hoạch cụ thể tập trung vào tỉnh nào, loại hình DN nào, tổ chức tiêm ra sao và nếu cần nên giảm thiểu các bước trong quy trình tiêm chủng để có thể nâng số lượng người được tiêm chủng lên mỗi ngày.

Hệ lụy của việc không phổ biến vaccine trong DN sớm là vô cùng nghiêm trọng, theo TS. Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính, ngân hàng. Ông Hiếu cho rằng nếu nhà nước không đẩy nhanh việc cung ứng vaccine cho các DN để tiêm chủng cho người lao động thì từ đây đến cuối năm sẽ có khoảng 120.000 DN tại TP.HCM phá sản vì không đối phó được với những khó khăn.

Do đó, lãnh đạo TP.HCM nên nhìn nhận tình hình và kịp thời hỗ trợ các DN để cứu vớt nền kinh tế TP.

Ông Đỗ Phước Tống - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Cơ khí - Điện TP.HCM (HAMEE) chia sẻ: “Quan điểm của tôi là nhà nước cấp vaccine miễn phí cho người dân và DN. Tuy nhiên, đối với DN, để đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine cho công nhân thì Thành phố cần có chính sách xã hội hóa tiêm chủng để DN tự thuê dịch vụ y tế tư nhân tiêm. Với hình thức này thì DN tự trả tiền tiêm chủng, còn vaccine thì nhà nước cấp”.

Ông Lê Viết Hải - Chủ tịch tập đoàn xây dựng Hòa Bình, đưa ra ý kiến nhà nước nên lập sổ sức khỏe điện tử toàn dân và thực hiện tiêm chủng vaccine trên sổ sức khỏe điện tử đó, như vậy vừa dễ kiểm soát số lượng người được tiêm chủng vừa hỗ trợ người bệnh dễ dàng hơn.

Tiêm vaccine cần bảo đảm đúng quy trình và nhân lực

ThS. Trương Văn Đạt - Phó chủ tịch Hội thầy thuốc Trẻ TP.HCM, giảng viên khoa Dược trường ĐH Y Dược TP.HCM - nêu ý kiến: “Hiện nay TP đang phân bổ lực lượng y tế để vừa điều trị các ca bệnh nặng, vừa tổ chức tiêm vaccine. Vừa qua, một số DN có áp dụng các mô hình của DN ở Bắc Giang, tuy nhiên TP.HCM chúng ta có nhiều điểm khác với Bắc Giang, điển hình là tỷ lệ tiêm vaccine. Tỷ lệ tiêm vaccine ở Bắc Giang rất tốt vì số lượng công nhân/người dân không quá đông như ở TP.HCM, chúng ta không thể đưa ra để so sánh.

Hiện tại TP cũng đang hỗ trợ cật lực cho việc tiêm vaccine, nhưng không có đủ nhân lực vì phải bảo đảm an toàn trên hết. Người bình thường có thể không sao, nhưng người có bệnh nền thì cần bác sĩ có chuyên môn thăm khám mới có thể tiêm chủng, do đó không thể lơ là trong việc tổ chức tiêm hay là tổ chức tiêm chủng đại trà, không có quy trình hay thiếu nhân lực có chuyên môn".

Th.S Trương Văn Đạt tư vấn thêm cho các DN: "Ngành y tế đang triển khai mô hình khám bệnh từ xa và sẵn sàng kết nối với các DN, cho nên khi DN đang thực hiện 3T gặp những tình huống khó xử nên liên hệ với các bác sĩ trên danh sách của Sở Y tế để được tư vấn và hỗ trợ kịp thời, tránh được sự rối loạn trong nhà máy".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Vaccine là chìa khóa để khống chế dịch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO