Ứng tuyển hay khởi nghiệp đều cần "hiểu mình - hiểu người"

VÂN THẢO - Ảnh: QUÝ HÒA| 12/04/2016 01:19

Sai lầm lớn nhất mà sinh viên thường mắc phải đó là sẵn sàng làm không lương tại doanh nghiệp. Thay vì kể lể hoàn cảnh cá nhân, hãy tự tin định giá bản thân bằng cách đưa “con số” thể hiện năng lực làm việc của mình.

Ứng tuyển hay khởi nghiệp đều cần

Trong khuôn khổ Giải thưởng Tài năng Lương Văn Can (GTTNLVC) 2016, chương trình giao lưu Doanh nhân - Sinh viên vừa được tổ chức tại Trường Đại học (ĐH) Đồng Tháp hôm 7/4. Tại đây, hơn 400 sinh viên đã có cơ hội giao lưu với các doanh nhân thành đạt và nhận được nhiều lời tư vấn về kỹ năng ứng tuyển, kinh nghiệm khởi nghiệp thiết thực.

Đọc E-paper

Nâng cao kỹ năng ứng tuyển

Khác với những sinh viên theo học tại các thành phố lớn, sinh viên tại các tỉnh thường không có nhiều cơ hội tiếp xúc với doanh nhân và được trải nghiệm làm việc thực tế tại doanh nghiệp, nhưng theo nhận định của đa số doanh nhân, đây lại nơi ươm mầm nhiều tài năng trong nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, xu thế hội nhập hiện nay đòi hỏi các sinh viên phải nhanh chóng thích nghi với những thay đổi của môi trường làm việc – đặc biệt tại Đồng Tháp khi địa phương này đang trở thành điểm sáng đầu tư được nhiều doanh nghiệp trong và cả ngoài nước nhắm đến.

Hơn 400 sinh viên tham gia giao lưu cùng các doanh nhân - diễn giả

Qua nhiều lần tham gia làm giám khảo cuộc thi GTTNLVC, dưới góc nhìn của nhà tuyển dụng, doanh nhân Đinh Hà Duy Trinh, Phó chủ tịch HĐQT Công ty CP Dịch vụ Công nghệ Tin học HPT đánh giá cao sự tự tin và tinh thần ham học hỏi của sinh viên các tỉnh ngoài TP.HCM nói chung, sinh viên Đồng Tháp nói riêng.

Bà Trinh lưu ý các em, trước khi bước vào vòng phỏng vấn, điều quan trọng là ứng viên phải tìm hiểu kỹ về lịch sử phát triển, đối tác kinh doanh và tình hình hoạt động của doanh nghiệp trước khi đề cập đến điểm khác biệt của doanh nghiệp so với những nơi khác. “Bạn càng hiểu rõ về doanh nghiệp bao nhiêu thì “điểm cộng” của bạn trong mắt nhà tuyển dụng sẽ càng cao bấy nhiêu”, bà Trinh nhấn mạnh.

Các diễn giả (từ trái qua): Doanh nhân Bùi Thanh Pháp - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Công nghệ Môi Trường Xanh, doanh nhân Nguyễn Thị Ngọc Điệp - Trưởng đại diện Trường Northeastern University, doanh nhân Đinh Hà Duy Trinh - Phó chủ tịch HĐQT Công ty CP Dịch vụ Công nghệ Tin học HPT, doanh nhân Nguyễn Thanh Tân – Chủ tịch HĐQT Công ty Tư vấn Phát triển kinh doanh Brainmark

Bên cạnh đó, doanh nhân Nguyễn Thanh Tân, Chủ tịch HĐQT Công ty Tư vấn Phát triển Kinh doanh Brainmark khuyên ứng viên, khi được hỏi về ưu - nhược điểm của bản thân nên trình bày một cách rõ ràng và các ưu điểm nên nhiều hơn nhược điểm. “Các điểm mạnh của bạn phải thuận lợi cho công việc và những điểm yếu không nên ảnh hưởng xấu đến quá trình làm việc sau này”, ông Tân nói.

Ngoài ra, ứng viên nên chú ý thể hiện phong thái tự tin thông qua các hành vi ngôn ngữ cơ thể như: bắt tay chặt, nhìn thẳng người đối diện, xưng “ tôi” hoặc “em” thay vì “con” ...

ThS. Võ Thanh Tùng - Phó hiệu trưởng trường Đại học Đồng Tháp phát biểu tại buổi giao lưu

Đảm nhiệm vai trò Trưởng đại diện Trường Northeastern University và có kinh nghiệm nhiều năm làm việc với các sinh viên quốc tế, đặc biệt sinh viên đang theo học tại Singapore, doanh nhân Nguyễn Thị Ngọc Điệp chia sẻ, mặc dù sinh viên Việt Nam học rất giỏi nhưng đa số các em lại thiếu tự tin, kỹ năng làm việc nhóm chưa tốt dẫn đến việc bỏ lỡ nhiều cơ hội trong quá trình học tập, làm việc.

Trong khi đó, các sinh viên nước ngoài thường có thái độ làm việc rất tích cực, với biểu hiện là luôn luôn đúng giờ, sẵn sàng nhận công việc được giao và biết tự đánh giá năng lực làm việc của bản thân thay vì phụ thuộc nhận xét của doanh nghiệp.

Liên quan đến khả năng tự đánh giá năng lực làm việc, theo doanh nhân Thanh Tân, yếu tố này được thể hiện rõ nhất thông qua mức lương mà ứng viên thỏa thuận với nhà tuyển dụng. Ông khuyên sinh viên nên từ bỏ lý do ứng tuyển vào doanh nghiệp là để đi học, vì nhân viên được thuê là để đi làm, để tạo ra giá trị thực sự cho doanh nghiệp, cống hiến cho cộng đồng.

Ông Tân cho rằng, sai lầm lớn nhất mà sinh viên thường mắc phải đó là sẵn sàng làm không lương tại doanh nghiệp. Ông lý giải: “Mỗi người đều có giá trị của mình và các bạn được đào tạo những kỹ năng, kiến thức đủ để đáp ứng yêu cầu mà doanh nghiệp đặt ra. Do đó, thay vì kể lể hoàn cảnh cá nhân nhằm giải thích mức lương, hãy tự tin định giá bản thân bằng cách đưa ra “con số” thể hiện đúng với năng lực làm việc của mình”.

Và để tránh việc tự đánh giá bản thân quá cao hoặc quá thấp, doanh nhân Thanh Tân khuyên sinh viên nên nhờ những người đã đi làm tư vấn để đưa ra mức lương phù hợp với vị trí tuyển dụng tại doanh nghiệp.

Chuẩn bị hành trang khởi nghiệp

Trước thắc mắc được đông đảo các sinh viên quan tâm là cần chuẩn bị những gì khi khởi nghiệp kinh doanh, doanh nhân Duy Trinh chia sẻ 4 vấn đề cơ bản mà các nhà khởi nghiệp cần quan tâm, bao gồm: am hiểu về lĩnh vực kinh doanh, nắm rõ các quy định pháp lý khi thành lập doanh nghiệp, có kiến thức về tổ chức nhân sự và tài chính.

Bắt đầu khởi nghiệp từ năm 2003 sau nhiều năm đi làm thuê, doanh nhân Bùi Thanh Pháp, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Công nghệ Môi Trường Xanh đúc kết 3 bài học “xương máu” khi khởi nghiệp, đó là: tập trung xác định vào những điều mình sẽ làm và không làm, liên tục trau dồi những kiến thức cần thiết cho công việc và sau cùng là tạo ra sự khác biệt so với các đối thủ khác.

“Khởi nghiệp không phải là “con đường trải hoa hồng” mà đầy những khó khăn, thử thách. Do đó, dù kinh doanh bất kỳ sản phẩm hay dịch vụ nào, trước tiên các bạn nên hiểu định nghĩa “kinh doanh” là gì, từ đó nắm bắt nhu cầu thị trường để xác định lĩnh vực kinh doanh phù hợp với đam mê và năng lực của bản thân trước khi lập ra kế hoạch kinh doanh cụ thể”, ông Pháp chân thành khuyên sinh viên.

Nguyễn Minh Nhân (Giải ba GTTNLVC 2015) chia sẻ kinh nghiệm dự thi

Trước trăn trở của sinh viên về việc làm thế nào những nhà khởi nghiệp trẻ thuyết phục được các đối tác lớn hơn, doanh nhân Thanh Pháp chia sẻ, người trẻ đừng tự ti vì mình nhỏ tuổi mà hãy tìm hiểu xem đối tác cần gì ở doanh nghiệp của mình, từ đó tự tin hỗ trợ và cung cấp cho họ.

Chia sẻ với sinh viên ĐH Đồng Tháp, doanh nhân Thanh Tân nhớ lại, khi ông vừa thành lập doanh nghiệp tư vấn chỉ 3 năm đã có một tập đoàn tin học lớn mời về giảng dạy. Xuất hiện trước đội ngũ quản lý cấp trung của doanh nghiệp, ông nhìn thấy rõ sự băn khoăn của các “học viên” về tuổi đời của đội ngũ tư vấn.

Tuy nhiên, ông đã rất tự tin, bởi trước đó, cùng các đồng sự của mình, ông đã tìm hiểu khá kỹ về nhu cầu của đối tác, chuẩn bị sẵn hồ sơ năng lực của công ty mình là những thành tựu đạt được khi hợp tác với những doanh nghiệp nổi tiếng khác. Ông đã nhanh chóng gây được niềm tin và có cơ hội chứng minh năng lực trước một đối tác lớn.

Doanh nhân Bùi Thanh Pháp

Riêng đối với những người trẻ chọn làm việc tại những tập đoàn lớn, doanh nhân Duy Trinh chia sẻ bí quyết để các bạn tự tin làm việc với những đối tác lớn tuổi hơn đó là dựa vào bề dày lịch sử của doanh nghiệp. “Thực tế, các đối tác luôn chú trọng đến bề dày hoạt động của doanh nghiệp, ngoài bản thân các bạn. Do đó, bằng cách giới thiệu về doanh nghiệp, ít nhất bạn cũng đã tạo được niềm tin nơi đối tác, chưa kể việc họ sẽ đánh giá cao năng lực của bạn khi làm việc tại đó”, bà chia sẻ.

Ngoài ra, bà Trinh khuyên các bạn trẻ đừng nên tự đặt mình vào vị thế yếu khi làm việc, mặc dù văn hóa Việt Nam có một số quan điểm khắt khe nhất định về tuổi tác trong quan hệ công việc nhưng hãy kiên trì, tìm cơ hội gặp gỡ đối tác nhiều lần và chia sẻ mục tiêu, chiến lược làm việc để gây được niềm tin nơi họ.  

>Sinh viên Đồng Tháp tìm hiểu kỹ năng ứng tuyển

>Sinh viên chuẩn bị gì để gia nhập thị trường lao động?

>Thái độ làm việc - hành trang quan trọng thời hội nhập

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Ứng tuyển hay khởi nghiệp đều cần "hiểu mình - hiểu người"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO