TP.HCM tiếp tục giãn cách xã hội đến 15/9

Bằng Tâm| 15/08/2021 09:10

Ưu tiên tối đa công tác phòng, chống dịch; đặt sức khoẻ, tính mạng của người dân lên trên hết, trước hết, vì vậy Thành phố kéo dài giãn cách xã hội thêm 1 tháng để tập trung khống chế các nguồn lây nhiễm, đưa số ca nhiễm về mức thấp nhất.

Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ TP.HCM Phan Văn Mãi đã nhấn mạnh như vậy tại Lễ kêu gọi toàn dân phòng, chống dịch và ra mắt trung tâm tiếp nhận và hỗ trợ hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân khó khăn do dịch Covid-19" được tổ chức vào sáng nay (15/8).

Tại buổi lễ, Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM và nhiều DN, tổ chức tiếp tục ủng hộ Quỹ phòng, chống dịch Covid-19 của TP.HCM

Tại buổi lễ, Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM và nhiều DN, tổ chức tiếp tục ủng hộ Quỹ phòng, chống dịch Covid-19 của TP.HCM

Chia sẻ với khó khăn và mất mát của người dân

Đến hôm nay, TP.HCM đã qua 80 ngày kể từ khi thành phố phát hiện ổ dịch trong cộng đồng khi làn sóng dịch thứ tư xuất hiện, với biến chủng Delta. Thành phố đã triển khai giãn cách xã hội theo nhiều cấp độ tăng cường. Trong đó có 5 tuần siết chặt các biện pháp theo Chỉ thị 16 để phòng, chống dịch. Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ nói rằng, đây là giai đoạn thực sự khó khăn chưa từng có đối với hệ thống chính trị và nhân dân Thành phố.

Lãnh đạo Thành phố thấu hiểu và chia sẻ với sự khó khăn, bất tiện, thiệt thòi trong những ngày giãn cách xã hội của người dân. Đó là hàng triệu người công nhân, lao động tự do ngừng việc, ở trọ, không thể về quê. Hàng trăm ngàn hộ gia đình nghèo khó, già yếu, neo đơn, bệnh tật phải lo lắng cho cuộc sống hàng ngày; hàng trăm ngàn tiểu thương, hộ kinh doanh đóng cửa, ngừng buôn bán. Hàng chục ngàn sinh viên đang ở ký túc xá, nhà trọ học hành, làm tình nguyện. Với hàng chục nghìn người nhiễm bệnh tại bệnh viện, tại nhà và trong các khu cách ly, khu phong tỏa. Đặc biệt, lãnh đạo thành phố chia sẻ nỗi đau mất mát của gia đình có người thân mất do đại dịch.

Trong hoàn cảnh dịch bệnh khó khăn như vậy, lãnh đạo Thành phố ghi nhận và tri ân tất cả người dân Thành phố, những cá nhân, tổ chức đã âm thầm cống hiến, chia sẻ và đồng hành cùng TP.HCM trong những ngày chống dịch vừa qua.

Tuy nhiên, ông Mãi nhận định, tình hình dịch bệnh trong nước cũng hết sức phức tạp. Đặc biệt là các tỉnh xung quanh TP.HCM có số ca nhiễm mới tăng rất nhanh trong những ngày gần đây. 

Riêng đối với TP.HCM, tình hình dịch bệnh có lắng dịu đi phần nào nhưng vẫn còn rất phức tạp, thể hiện qua số ca nhiễm vẫn còn cao; hệ thống điều trị quá tải và vận hành chưa đồng bộ; quy trình tiếp nhận và điều trị các ca bệnh có lúc, có nơi chưa kịp thời, tỷ lệ tử vong chưa giảm. Hiện nay, nguy cơ dịch tái bùng phát mạnh hơn, khốc liệt hơn vẫn còn cao nếu chúng ta mất cảnh giác, chủ quan.

Trong bối cảnh như vậy, việc thực hiện yêu cầu kiểm soát dịch bệnh trước ngày 15/9/2021 như Nghị quyết 86 ngày 08/6/2021 của Chính phủ đặt ra là vô cùng nặng nề, đầy thách thức nhưng đây cũng là mong muốn của cả hệ thống chính trị và người dân Thành phố.

"Ưu tiên tối đa công tác phòng, chống dịch, đặt sức khoẻ, tính mạng của người dân lên trên hết, trước hết, vì vậy Thành phố phải kéo dài giãn cách xã hội thêm 1 tháng để tập trung khống chế các nguồn lây nhiễm, đưa số ca nhiễm về mức thấp nhất; đưa số ca bệnh về dưới công suất điều trị của hệ thống y tế; giảm nhanh số ca tử vong. Chỉ có như vậy mới có thể từng bước đưa thành phố trở về trạng thái bình thường mới", Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Phan Văn Mãi nhấn mạnh.

[Caption]Chỉ có như vậy mới có thể từng bước đưa thành phố trở về trạng thái bình thường mới

Giãn cách thểm 1 tháng để Thành phố trở về trạng thái bình thường mới

4 việc phải làm 

Để đạt được những mục tiêu như vậy, ông Phan Văn Mãi nêu 4 công việc như là lời kêu gọi người dân Thành phố.

Thứ nhất, tiếp tục chấp hành nghiêm yêu cầu giãn cách; chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết và luôn tuân thủ thực hiện 5K. Đối với bà con trong khu cách ly, khu phong tỏa tiếp tục thực hiện triệt để “người cách ly với người, nhà cách ly với nhà”. Ông Mãi cho rằng chỉ có ý thức và sự tự giác của mọi người sẽ quyết định dịch không lây lan trong cộng đồng.

Thứ hai, trong những ngày tiếp tục giãn cách sắp tới, đồng bào thành phố nói chung, bà con lao động nghèo nói riêng sẽ phải chịu nhiều thiếu thốn, khó khăn thêm nữa. Thành phố sẽ nỗ lực nhiều hơn nữa để bảo đảm cung ứng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu thiết yếu hàng ngày của nhân dân; đồng thời phát động phong trào “lấy sức dân chăm lo cho dân” và huy động tất cả những gì có thể từ nguồn ngân sách nhà nước, các nguồn lực xã hội, sớm triển khai các gói an sinh để người nghèo, người già neo đơn, lao động tự do, mất việc làm và tất cả những người khó khăn có cuộc sống bảo đảm cơ bản cho đến khi thành phố chuyển sang trạng thái bình thường mới, trong đó có việc đưa vào hoạt động Trung tâm an sinh xã hội Thành phố.

Thứ ba, tập trung điều trị, giảm tỷ lệ tử vong, hiện nay ưu tiên tập trung chiến lược điều trị hiệu quả, giảm tử vong; rà soát, mở rộng các bệnh viện dã chiến, điều chỉnh hệ thống 5 tầng điều trị phù hợp, khoa học, trang bị đầy đủ hệ thống thiết bị để kịp thời cấp cứu bệnh nhân trở nặng nhằm nâng cao hiệu quả công tác tiếp nhận, điều trị bệnh nhân Covid-19, giảm tỷ lệ tử vong. Xây dựng mạng lưới tình nguyện viên chăm sóc, tư vấn F0 tại nhà với sự tham gia của mạng lưới thầy thuốc đồng hành của Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam và các tình nguyện viên trong cả nước và Thành phố.

Thứ tư, nỗ lực hết sức để bảo đảm yêu cầu tiêm chủng vắc xin cho nhân dân. Việc bảo đảm tỷ lệ tiêm chủng vắc xin có ý nghĩa quyết định chiến lược phòng chống dịch. Mặc dù thành phố đã chủ động tìm mua vắc xin từ sớm và được Chính phủ chấp thuận nhưng hiện nay vẫn rất khó khăn về nguồn cung; vì vậy, cần huy động và sử dụng tối đa mọi nguồn vắc xin hiện có, tiêm chủng kịp thời các loại vắc xin được Tổ chức Y tế Thế giới và Bộ Y tế cấp phép để mở rộng diện bao phủ vắc-xin, vì ngay khi chúng ta đã tiêm vắc-xin đạt tỷ lệ cao vừa thực hiện khẩu hiệu 5K vẫn là yêu cầu trong tình hình mới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
TP.HCM tiếp tục giãn cách xã hội đến 15/9
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO