TP.HCM tạo sức bật từ khát vọng phục hồi kinh tế

Hồng Nga| 13/09/2022 03:23

Sau khi kiểm soát được dịch Covid-19, với hàng loạt giải pháp quyết liệt, kinh tế TP.HCM đang phục hồi mạnh mẽ, đột phá về nhiều mặt nhưng vẫn còn đó nhiều khó khăn.

TP.HCM tạo sức bật từ khát vọng phục hồi kinh tế

Báo cáo của UBND TP.HCM tại kỳ họp HĐND TP.HCM khóa X (từ ngày 6-8/7/2022) cho thấy, con số cụ thể về kinh tế từ mức giảm sâu ở quý III và IV năm 2021 lần lượt là -24,97% và -11,64%, đến quý I và II/2022 tăng lần lượt 1,88% và 5,73%. Đặc biệt, tốc độ tăng trưởng quý II cao hơn ba lần so với quý I, cho thấy kinh tế thành phố phục hồi sớm hơn kỳ vọng. 

Đánh giá về đà phục hồi, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nhấn mạnh: "Việc khôi phục kinh tế, đạt tăng trưởng đã giúp người dân, doanh nghiệp (DN) có sự tin tưởng và yên tâm sản xuất, kinh doanh. Vì thế, mục tiêu tăng trưởng đề ra cho năm nay từ 6-6,5% có thể vượt".

Theo Cục trưởng Cục Thống kê TP.HCM Nguyễn Khắc Hoàng, kinh tế thành phố phục hồi với nhiều số liệu tích cực. Chỉ số sản xuất công nghiệp 8 tháng đầu năm tăng 14,8%, trong đó 4 ngành kinh tế trọng điểm tăng 19,3%. Qua khảo sát, 77% DN cho biết đang phục hồi tích cực. Điểm sáng của TP.HCM là vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 2,71 tỷ USD, cao nhất trong 5 năm trở lại đây, DN mới thành lập tăng 33,4%. 

Tuy nhiên, theo ông Khắc Hoàng, kinh tế thành phố mặc dù tăng trưởng nhưng một số ngành công nghiệp chiếm tỷ trọng khá vẫn tăng chậm. Chi phí sản xuất tăng cao, đơn hàng sụt giảm đã gây áp lực đối với sản xuất, kinh doanh của DN. Doanh thu bán lẻ hàng hóa tăng nhưng lĩnh vực bất động sản vẫn tăng thấp. Hiện nền kinh tế đang chịu ảnh hưởng bởi "khủng hoảng" bất động sản và chứng khoán sau các vụ việc tiêu cực xảy ra trong thời gian gần đây. Thu ngân sách tăng do nhiều khoản thu tăng đột biến liên quan đến nhà đất tăng 131,9% so với cùng kỳ và thu từ dầu thô tăng 110,4%. Điều này cho thấy yếu tố tăng chưa bền vững để tạo nguồn thu ổn định cho thành phố. Việc giải ngân đầu tư công còn thấp, các gói phục hồi, kích cầu kinh tế thực hiện chưa đạt yêu cầu. Giá trị sản xuất, xuất khẩu giảm, sự phối hợp giữa các quận, huyện, sở ngành vẫn còn nhiều vướng mắc.

Chia sẻ vấn đề này, ông Nguyễn Văn Bé - Chủ tịch Hiệp hội Các doanh nghiệp khu công nghiệp TP.HCM cho rằng, chỉ số cạnh tranh về môi trường đầu tư của TP.HCM sụt giảm so với các tỉnh, thành phố khác. Cụ thể, từ hạng 7 xuống hạng 14 và có thể còn tiếp tục giảm. Mặc dù kim ngạch xuất khẩu của TP.HCM cao nhưng đa phần đến từ các DN nước ngoài. 

Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng do lãnh đạo thành phố chấp hành nghiêm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương và nhờ tinh thần đoàn kết, sáng tạo của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố, của cộng đồng DN, cùng với đó là sự hỗ trợ, sẻ chia của bạn bè trong và ngoài nước cũng như kiều bào ở nước ngoài nên TP.HCM đã đạt được nhiều thành quả rất đáng khích lệ. Từ đầu năm đến nay, TP.HCM đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành để phục hồi kinh tế. Cụ thể, thành phố đã tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư vào huyện Củ Chi và Hóc Môn, tổ chức nhiều hoạt động như diễn đàn kinh tế thành phố, lãnh đạo thành phố gặp gỡ các nhà đầu tư tiềm năng, tham vấn, lấy ý kiến, sáng kiến, giải pháp phát triển kinh tế, xã hội. 

Nhằm kịp thời hỗ trợ DN, TP.HCM đã tăng cường đối thoại với DN theo tinh thần "đồng hành cùng DN". Trong đó, hệ thống "đối thoại doanh nghiệp - chính quyền thành phố” được duy trì thường xuyên ở cấp thành phố, quận, huyện và thành phố trực thuộc, gắn với nhiều vấn đề nóng như thuế, bảo hiểm xã hội, lao động, thủ tục hành chính, thủ tục đầu tư. Trong tháng 8, Ban Thường vụ Thành ủy đã thành lập ban chỉ đạo xử lý các vấn đề tồn đọng để xử lý dứt điểm các vụ việc tồn đọng thời gian qua.

TP.HCM đặt mục tiêu đến năm 2025, 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 trên cổng dịch vụ công thành phố. Trong đó, ít nhất 80% thủ tục hành chính được tích hợp, cung cấp trên cổng dịch vụ công quốc gia. Tỷ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến mức độ 3 và 4 trên tổng số hồ sơ đạt trên 50%. Mức độ hài lòng của người dân, DN về giải quyết thủ tục hành chính đạt trên 95%. Trong đó, mức độ hài lòng về giải quyết các thủ tục hành chính lĩnh vực đất đai, xây dựng, đầu tư đạt trên 90%.

Theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Trần Hoàng Ngân, TP.HCM đang đối mặt với điểm nghẽn về thể chế - chính sách; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và nguồn nhân lực đang làm chậm đà phát triển. Nghĩa là thành phố rất cần sự ủng hộ, vào cuộc của cả hệ thống chính trị để có những cơ chế đột phá, xứng tầm quy mô đô thị lớn nhất nước. 

"Phải làm tốt công tác quy hoạch để tạo nên những điểm nhấn cho thành phố như đường ven sông Sài Gòn, sông Đồng Nai, phải thu hút cho được du lịch quốc tế trên sông. Nhưng phải làm nhanh và có cơ chế đặc thù để hình thành trung tâm tài chính quốc tế, trung tâm thương mại, trung tâm dịch vụ, tăng thêm khu công nghiệp, khu công nghệ cao để thu hút đầu tư, đảm bảo hạ tầng số, hạ tầng công nghệ thông tin...", ông Trần Hoàng Ngân nhấn mạnh.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nhìn nhận, giao thông một trong những "điểm nghẽn" của Thành phố cần tháo gỡ. Nếu chậm xây dựng hạ tầng, kết nối hạ tầng giao thông liên vùng sẽ là "điểm nghẽn" chặn đà phát triển kinh tế. Phát triển giao thông  phải gắn kết với các tỉnh lân cân và phải mang tính liên vùng. Để làm được điều này cần thiết phải có cơ chế đột phá.

Ngoài những vấn đề trên, theo TS. Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, để giữ vững vị thế đầu tàu kinh tế cả nước, có rất nhiều vấn đề TP.HCM phải thực hiện đồng loạt. Cụ thể, TP.HCM cần đẩy mạnh vận dụng khoa học - công nghệ, chuyển đổi số, đi đầu trong phát triển kinh tế số, chính phủ điện tử, DN số, công dân số... Thành phố phải làm cầu nối kết nối các chuỗi giá trị của các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long với các đối tác trong nước, ngoài nước, đồng thời phải đi đầu về chất lượng sản phẩm, không chạy theo số lượng, đem lại lợi ích cho các tỉnh bạn trong liên kết, hợp tác. TP.HCM phải phát huy vai trò trung tâm giáo dục đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao,  thu hút nhân tài của khu vực và phải trở thành "hòn ngọc Viễn Đông" trong kinh tế số, cách mạng công nghiệp 4.0. 

* Ông Phạm Ngọc Hưng - Phó chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM (HUBA), Giám đốc Công ty Luật TNHH Phạm Hưng: Không chỉ nhìn con số thống kê mà lạc quan

Kinh tế Thành phố khôi phục nhanh chóng sau Covid-19 là điều dễ thấy nhưng những tháng gần đây đã chững lại. Khả năng thu ngân sách hay GDP không đánh giá hết được các vấn đề cơ sở để DN phát triển. Trên thực tế, rất nhiều ngành hàng đang gặp khó khăn. Cụ thể, bất động sản khó khăn về vốn, các ngành gỗ, may mặc, da giày… bắt đầu thiếu đơn hàng. Các DN nhỏ và vừa sau đại dịch không thể tiếp cận được vốn vay vì không đủ điều kiện vay. Vì vậy, kế hoạch cuối năm 2022 và đầu năm 2023 của DN khó khăn chứ không dễ.

Không chỉ vậy, DN cũng đang gặp vấn đề với nguồn lao động cho sản xuất. Khi DN chuyển đổi qua những mô hình sản xuất mới, nguồn nhân lực phục vụ cho mô hình mới chưa đáp ứng đủ và kịp thời. Kể cả lao động phổ thông hiện nay không chọn ở thành phố mà về quê để chi phí thấp xuống. Trong khi đó các gói hỗ trợ người lao động có sự động viên nhưng chưa đủ để người lao động an tâm, gắn bó với công việc. Tình hình kinh tế có hồi phục nhanh, rõ ràng khi có số lượng DN đăng ký mới nhiều nhưng chưa thể hiện được nội lực của ngành kinh tế. Theo tôi, với đà này, tình hình kinh tế sẽ còn tiếp tục khó khăn chứ không quá lạc quan như những con số thống kê.

* Ông Nguyễn Chánh Phương - Phó chủ tịch Hội mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA): Kết quả phục hồi kinh tế phản ánh các chính sách đúng đắn của Thành phố

Kết quả phục hồi kinh tế phản ánh các chính sách của Thành phố là đúng đắn. Cụ thể, chính sách mở cửa sớm của TP.HCM đã thúc đẩy đi lại nội địa rất tốt, thúc đẩy tiêu dùng, giúp tăng sức mua. So với nhiều nước khác như Nhật Bản (mới bỏ test PCR từ ngày 7/9 với khách nhập cảnh), Đài Loan vẫn cách ly 3 ngày đối với du khách, việc TP.HCM mở cửa kinh tế từ tháng 10/2021 và đến giữa tháng 3/2022 đã mở đường bay quốc tế (không cách ly) đã mang lại hiệu quả tốt cho nền kinh tế.

Có thể một số ngành như gỗ đang “tắt” vì thị trường thế giới lạm phát. Tuy nhiên, giao thương sớm sẽ giúp rất nhiều cho phát triển kinh tế sau lạm phát. Bên cạnh đó, chính sách giảm thuế VAT thực hiện nhanh chóng cũng giúp kích cầu tiêu dùng nội địa thời gian qua.

Trong thời điểm thị trường chính của DN ngành gỗ TP.HCM là Mỹ chậm lại, HAWA làm việc với Sở Công Thương sẽ có phiên bản hội chợ mới cho ngành vào đầu năm 2023, hướng đến việc đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Hội chợ sẽ kết hợp ngành du lịch để có thể thu hút khách hàng tham gia hội chợ vào ban ngày và du lịch vào ban đêm.

* Ông Đỗ Phước Tống - Chủ tịch Hội Cơ khí - Điện TP.HCM (HAMEE): Thành phố phải quyết liệt hơn nữa trong cải cách thủ tục hành chính, hỗ trợ DN

Thủ tục hành chính là vấn đề đau đầu nhất của các DN hiện nay. Có quá nhiều thủ tục giấy tờ chồng chéo, lập đi lập lại khiến DN mất thời gian và tốn kém. Chẳng hạn như chỉ vơi việc hiệu chỉnh giấy phép kinh doanh mà Công ty cơ khí Duy Khanh đã mất gần 2 tháng gữi văn bản đến Sở Xây dựng vẫn chưa thấy phản hồi.

TP.HCM muốn giữ vững vị thế của mình, theo tôi, điều đầu tiên là phải quyết liệt giải quyết các vấn đề về thủ tục hành chính. Bên cạnh đó, phải có chương trình hỗ trợ các DN công nghiệp hỗ trợ mạnh dạn đầu tư để phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ. Hiện nay chương trình này đã dừng lại và như vậy rất khó cho DN trong việc tiếp tục đầu tư. Ngoài ra, cần nhanh chóng giải quyết các vấn đề đường xá, tình trạng kẹt xe, ngập nước…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
TP.HCM tạo sức bật từ khát vọng phục hồi kinh tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO