TP.HCM: Không để doanh nghiệp phải đóng cửa

P.Hà tổng hợp| 10/07/2020 06:07

Hội nghị Thành ủy TP.HCM lần thứ 42 diễn ra trong hai ngày 7 và 8/7/2020 (sau đây gọi tắt là Hội nghị) đã tập trung phân tích kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, ngân sách 5 năm, phương hướng nhiệm vụ giải pháp 5 năm tới. Hội nghị cũng tập trung bàn về sự tồn tại của 7 chương trình đột phá của Thành phố giai đoạn 2015-2020.

Trong bài phát biểu khai mạc Hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, 7 chương trình đột phá được triển khai bằng nhiều biện pháp và đã đạt nhiều kết quả, góp phần vào sự phát triển của Thành phố. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều việc phải làm để các chương trình đạt 100% mục tiêu đề ra. Đặc biệt, Thành phố vẫn chưa thu hút được nhiều dự án đầu tư nước ngoài quy mô lớn, việc liên kết doanh nghiệp - khoa học - đào tạo và Nhà nước chưa cao; đổi mới công nghệ, sản phẩm, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao còn chậm, chất lượng tăng trưởng kinh tế chưa bền vững, năng lực cạnh tranh chưa cao, chính sách khuyến khích khoa học - công nghệ chưa phát huy hiệu quả. Các chương trình cải cách hành chính, chỉnh trang và phát triển đô thị còn nhiều chỉ tiêu chưa đạt được. Từ đó, ông đề nghị các đại biểu cần đánh giá kết quả thực hiện đối với từng chương trình, rút kinh nghiệm để thực hiện trong thời gian tới.

dvd-2300-pypq-6885-1594351249.jpg

Nhận thức rõ những việc chưa làm được trong 7 chương trình trọng điểm trong khi thời gian chỉ còn chưa đầy 6 tháng, Hội nghị đã bàn đến nhiều giải pháp thiết thực để đảm bảo tăng trưởng kinh tế của Thành phố cao hơn bình quân cả nước và đóng góp vào nền kinh tế cả nước ngày càng tăng. Trong đó, trước hết cần các giải pháp quản trị, công nghệ để đẩy năng suất lao động cao hơn bình quân cả nước (riêng năm 2019 cao hơn 2,9 lần).

Mặc dù vậy, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Thành phố bị giảm, từ 1,6 lần so với cả nước (2001-2010) còn gấp 1,2 lần (giai đoạn 2011-2019). “Có nguyên nhân chủ quan và khách quan nhưng có một nguyên nhân quan trọng là trong 20 năm qua, tỷ lệ ngân sách để lại cho Thành phố đầu tư phát triển ngày càng giảm, trong khi đóng góp vào ngân sách cả nước ngày càng tăng. Cụ thể, giai đoạn 1996-2000, kinh tế TP.HCM chiếm bình quân 17% kinh tế cả nước, giai đoạn 2001-2010 chiếm 20% nhưng đến giai đoạn 2011-2019 là hơn 22%. Vì vậy, Thành phố phải tìm giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, đóng góp lớn hơn và giữ vững vị thế này. Vị trí đầu tàu kinh tế của cả nước không chỉ ở tăng trưởng mà còn thể hiện ở tỷ trọng đóng góp vào ngân sách cả nước tiếp tục tăng lên. Theo đó, TP.HCM đóng góp vào ngân sách cả nước tăng từ 26,5% trong giai đoạn 2001-2010 và tăng lên 27,5% trong giai đoạn 2011-2019. Đặc biệt, TP.HCM có những mô hình đổi mới, tiên phong như khu công nghệ cao, khu nông nghiệp công nghệ cao, khu công viên phần mềm cùng các chương trình, đề án khởi nghiệp sáng tạo lớn nhất cả nước. TP.HCM cũng là nơi có chương trình liên kết ngân hàng và doanh nghiệp thông qua cầu nối của chính quyền rất tốt.

Gần đây nhất, TP.HCM đã triển khai khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông, tạo nguồn động lực phát triển mới cho giai đoạn sắp tới và gắn với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Bí thư Thành ủy TP.HCM dẫn chứng số liệu 8.000 doanh nghiệp trên địa bàn trong thời gian qua tạm ngưng hoạt động do đại dịch Covid-19. Ông đặt vấn đề, doanh nghiệp khi đã bị phá sản thì rất khó để khôi phục trở lại. Kế hoạch đặt mục tiêu phấn đấu đến tháng 9/2020 hỗ trợ đến 90% doanh nghiệp, nhưng đến nay có bao nhiêu doanh nghiệp đã được hỗ trợ tiền cần được thông tin chi tiết. Ông nhấn mạnh, TP.HCM sẽ tăng trưởng cao hơn nếu hợp tác giữa Nhà nước và doanh nghiệp tốt hơn, do đó, lãnh đạo Thành phố có trách nhiệm cực kỳ quan trọng là không để doanh nghiệp trên địa bàn phải đóng cửa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
TP.HCM: Không để doanh nghiệp phải đóng cửa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO