TP.HCM: 17 bệnh viện có thể tiếp nhận và điều trị bệnh đột quỵ

HT| 11/06/2020 06:05

Thông tin từ Sở Y tế TP.HCM ngày 11/6/2020 cho biết, đến nay có 17 bệnh viện trên địa bàn thành phố có thể tiếp nhận và điều trị bệnh đột quỵ.

TP.HCM: 17 bệnh viện có thể tiếp nhận và điều trị bệnh đột quỵ

Các bệnh viện có thể tiếp nhận và điều trị bệnh đột quỵ trên địa bàn thành phố gồm Bệnh viện Nhân dân 115, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Thống Nhất, Bệnh viện Nhân dân Gia Định, Bệnh viện quận Thủ Đức, Bệnh viện Xuyên Á, Bệnh viện Gia An 115, Bệnh viện Quốc tế City, Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn, Bệnh viện Quân y 175, Bệnh viện Chuyên khoa Ngoại thần kinh quốc tế, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, Bệnh viện Trưng Vương, Bệnh viện quận 2, Bệnh viện An Bình, Bệnh viện quận Tân Phú.

Trong đó có Bệnh viện Nhân dân 115 và Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM đã đạt được “Chứng nhận đạt chuẩn chất lượng điều trị vàng” của Hội Đột quỵ châu Âu.

Phương pháp chính trong điều trị đột quỵ là tái thông mạch máu não bị tắc nghẽn nhằm cứu lấy vùng nhu mô não đang bị tổn thương bằng các liệu pháp thuốc tiêu sợi huyết hoặc lấy huyết khối bằng dụng cụ cơ học. Tuy nhiên, các liệu pháp điều trị này chỉ hiệu quả khi người bệnh đến sớm, trong vòng 4,5-6 giờ của “cửa sổ thời gian vàng”, do đó nên đưa người bệnh đến bệnh viện gần nhất có khả năng thực hiện những kỹ thuật điều trị này.

Bên cạnh đó, mạng lưới điều trị đột quỵ của thành phố được trang bị thêm công cụ sử dụng trí tuệ nhân tạo “RAPID” tại Bệnh viện Nhân dân 115 và Bệnh viện Gia An 115. Với ứng dụng trí tuệ nhân tạo này, cho phép mở rộng cửa sổ điều trị lên đến 24 giờ so với 6 giờ trước đây, nghĩa là sẽ có thêm 18 giờ nữa cho những người bệnh không may được phát hiện muộn.

Tuy nhiên, để tận dụng tối đa “cửa sổ thời gian vàng” đảm bảo hiệu quả điều trị tốt nhất, khi có một trong các dấu hiệu của đột quỵ (F.A.S.T), nên gọi ngay cấp cứu 115 hoặc nhanh chóng đưa ngay người bệnh đến bệnh viện có khả năng điều trị đột quỵ gần nhất càng sớm càng tốt.

Các dấu hiệu nhận biết bệnh nhân đột quỵ là méo miệng, yếu liệt tay chân, ngôn ngữ bất thường. Cụ thể với dấu hiệu méo miệng biểu hiện rõ khi bệnh nhân cười, nhe răng. Để nhận biết dấu hiệu yếu liệt tay chân, đánh giá bệnh nhân có bị yếu hoặc liệt một bên hay không, bằng cách yêu cầu bệnh nhân đưa hai tay lên cao. Đối với biểu hiện ngôn ngữ bất thường, để nhận biết cần đề nghị bệnh nhân lặp lại một cụm từ đơn giản, xem bệnh nhân có hiểu, có lặp lại được và nhận xét giọng nói có bị đớ không.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
TP.HCM: 17 bệnh viện có thể tiếp nhận và điều trị bệnh đột quỵ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO