Tin kinh tế ngày 17/9: Ngành hàng không xây dựng "hành lang xanh"

HT| 17/09/2021 07:00

Kiến nghị chống dịch theo điểm thay vì theo vùng địa lý; xuất khẩu chao đảo vì đứt chuỗi cung ứng; Việt Nam có thể trở thành kho nông sản của thế giới... là loạt tin kinh tế đáng chú ý hôm nay.

Ngành hàng không xây dựng "hành lang xanh"

1_1631868140.jpg

Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) đang xây dựng "hành lang xanh" nhằm kiểm soát Covid-19, phục vụ cho việc mở lại đường bay nội địa. "Hành lang xanh" cấu thành từ quy trình "con người xanh" là nhân viên hàng không, hành khách; "phương tiện, hạ tầng xanh" là sân bay, máy bay, xe buýt; "quy trình xanh" là các hướng dẫn giảm thiểu tiếp xúc, tuân thủ quy trình phòng dịch. Đây là tài liệu khung định hướng các biện pháp an toàn sức khỏe để giảm thiểu rủi ro Covid-19 trong ngành hàng không. Tài liệu được xây dựng dựa trên các hướng dẫn của Bộ Y tế và Tổ chức Hàng không Dân dụng quốc tế (ICAO).

Kiến nghị chống dịch theo điểm thay vì theo vùng địa lý

2-jpeg.jpg

14 hiệp hội doanh nghiệp đã đề xuất chiến lược "Phòng, chống dịch theo điểm", chuyển từ phong tỏa theo quận, huyện sang điểm dân cư, điểm sản xuất nhỏ nhất. Đề nghị này đã được gửi tới Thủ tướng Phạm Minh Chính trong bối cảnh giãn cách, phong tỏa diện rộng kéo dài tại nhiều tỉnh, thành, nhất là khu vực phía Nam đã khiến doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn. Theo đề xuất, cả nước sẽ là một vùng, quản lý dịch theo điểm (điểm dân cư, điểm dịch vụ, điểm sản xuất và các điểm đỏ - điểm có F0). Không phong tỏa, cách ly theo vùng địa lý mà quản lý chống dịch theo điểm dân cư nhỏ nhất có nguy cơ cao (căn nhà, căn hộ, khu tập thể, phân xưởng sản xuất, văn phòng...).

Xuất khẩu chao đảo vì đứt chuỗi cung ứng

3_1631868473.jpg

Báo cáo về tình hình sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại của Bộ Công Thương vừa được công bố cho thấy, sản xuất công nghiệp trong tháng 8 chịu ảnh hưởng nặng nề khi dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp. Việc thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 thời gian qua đã khiến đa số doanh nghiệp trong ngành phải đóng cửa do không thể thực hiện mô hình “ba tại chỗ”, đặc biệt là ở các tỉnh phía Nam như TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước. Với các doanh nghiệp ở khu vực phía Bắc, dù vẫn hoạt động, nhưng cũng chỉ đạt công suất khoảng 50% do thiếu nguyên phụ liệu. Điều đáng lo ngại lúc này chính là nhiều đối tác đã dần chuyển đơn hàng sang các nước khác.

Trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam chất lượng chưa cao

4-4977-1631869177.jpg

Trái phiếu doanh nghiệp là kênh dẫn vốn quan trọng trong nền kinh tế. Chính phủ đặt mục tiêu tăng quy mô trái phiếu doanh nghiệp lên bằng 47% GDP vào cuối năm 2020, tuy nhiên mục tiêu này đã không đạt được. Theo các chuyên gia kinh tế, hạ tầng dịch vụ tài chính của Việt Nam hiện vẫn còn bất cập tại các tổ chức xếp hạng tín nhiệm, tổ chức định giá trái phiếu, tổ chức quản lý thông tin và dữ liệu thị trường. Việt Nam còn rất nhiều cơ hội để phát triển thị trường trái phiếu và thị trường chứng khoán. Trong thời gian tới, quy mô tín dụng sẽ chỉ dừng lại ở khoảng 11-12%. Lúc đó, vai trò kênh dẫn vốn của thị trường trái phiếu rất quan trọng, đặc biệt khi Việt Nam đang có nhu cầu rất lớn về đầu tư cơ sở hạ tầng.

Việt Nam có thể trở thành kho nông sản của thế giới

5-1594-1631869177.jpg

Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam khẳng định, Việt Nam cần chuyển đối số một cách mạnh mẽ về thương mại điện tử, thanh toán điện tử, logistics, thủ tục hải quan, truy xuất nguồn gốc, tác nghiệp nông nghiệp... Nếu thực hiện thành công chuyển đổi số nông nghiệp, Việt Nam sẽ trở thành nước nông nghiệp có tiềm năng cạnh tranh lớn nhất, thậm chí có thể đạt vị thế như kho nông sản của thế giới. Chính phủ đã sớm xác định tầm quan trọng của ngành nông nghiệp và xem đây là cơ hội bứt phá của nền kinh tế Việt Nam. Một trong những định hướng phát triển của đất nước giai đoạn 2021-2030 là phát triển nông nghiệp trên nền tảng chuyển đổi số, gắn kết hài hòa hiệu quả thị trường trong nước và quốc tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tin kinh tế ngày 17/9: Ngành hàng không xây dựng "hành lang xanh"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO