Tin kinh tế ngày 13/8: 80% sàn bất động sản dừng hoạt động vì Covid-19

HT| 13/08/2021 07:00

Một số tin tức về kinh tế nổi bật trong ngày hôm nay gồm người Việt tiêu thụ mì ăn liền nhiều thứ ba thế giới; Việt Nam chi hơn 750 triệu USD nhập khẩu thịt và các sản phẩm thịt nửa đầu năm 2021; điều chuyển vốn ODA các dự án chậm giải ngân...

80% sàn bất động sản dừng hoạt động vì Covid-19

1-9717-1628840942.jpg

Tính đến thời điểm hiện tại, Bộ Xây dựng cho biết hầu như chỉ có các sàn giao dịch bất động sản thuộc những doanh nghiệp quy mô lớn, có tiềm lực tài chính và trực tiếp làm chủ đầu tư dự án mới tiếp tục duy trì hoạt động. Tuy nhiên, hầu hết sàn giao dịch đều hoạt động theo phương thức kinh doanh như bán hàng trực tuyến, áp dụng công nghệ 4.0 vào việc quản lý thông tin, quản lý giao dịch, thanh toán, quảng cáo. Còn lại khoảng 80% sàn giao dịch bất động sản chỉ làm trung gian môi giới thì hầu như phải tạm dừng hoạt động.

Người Việt tiêu thụ mì ăn liền nhiều thứ ba thế giới

2-9170-1628840942.jpg

Theo số liệu của Hiệp hội Mì ăn liền Thế giới (WINA), sự tác động của Covid-19 đã khiến nhu cầu tiêu thụ mì ăn liền (mì gói) của người dân toàn cầu tăng mạnh. Thống kê của WINA cho thấy, sức tiêu thụ mặt hàng này tập trung chủ yếu ở thị trường châu Á, đặc biệt là khu vực Đông Bắc Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản. Hiện khu vực này chiếm 56,45% tổng tiêu thụ mì ăn liền toàn cầu năm 2020. Ngoài ra, với 5 thị trường tiêu thụ chính gồm Indonesia, Việt Nam, Philippines, Thái Lan và Malaysia, khu vực Đông Nam Á đang chiếm 25,24% nhu cầu về mì ăn liền. Tính chung trên toàn thế giới, trong năm 2020, thị trường Việt Nam đã tiêu thụ khoảng 7,03 tỷ gói mì ăn liền, đứng thứ ba sau Trung Quốc (khoảng 46 tỷ) và Indonesia (khoảng 12 tỷ).

Việt Nam chi hơn 750 triệu USD nhập khẩu thịt và các sản phẩm thịt nửa đầu năm 2021

3-8246-1628840942.jpg

Theo tính toán từ số liệu của Tổng cục Hải quan, 6 tháng đầu năm 2021, Việt Nam nhập khẩu 379,64 nghìn tấn thịt và các sản phẩm từ thịt, trị giá 750,7 triệu USD, tăng 23,9% về lượng và tăng 53,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, Ấn Độ là thị trường lớn nhất cung cấp thịt và các sản phẩm từ thịt cho Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2021. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mặc dù quy mô chăn nuôi heo của Việt Nam đã gần phục hồi bằng mức trước dịch tả, nhưng Việt Nam sẽ tiếp tục nhập khẩu thịt heo do vẫn còn thâm hụt cung - cầu.

Điều chuyển vốn ODA các dự án chậm giải ngân

giaothong-8500-1628840942.jpg

Chính phủ vừa giao Bộ Tài chính thực hiện thẩm định, đánh giá khoản vay, chủ động làm việc với các nhà tài trợ giải quyết kịp thời các vướng mắc về giải ngân. Các bộ, ngành rà soát, đánh giá cụ thể về khả năng giải ngân của từng dự án, điều chuyển kế hoạch vốn giữa các dự án chậm giải ngân sang dự án có tiến độ giải ngân tốt, còn thiếu vốn. Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư căn cứ chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 62/NQ-CP ngày 29/6/2021 tổ chức kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về đầu tư công, trong đó tập trung các dự án lớn, các dự án sử dụng vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài.

Dịch vụ mua bán nợ không còn là ngành nghề kinh doanh có điều kiện

5-9945-1628840943.jpg

Theo Bộ Tài chính, năm 2021, Quốc hội ban hành Luật Đầu tư số 61/2020/QH14, trong đó quy định hoạt động kinh doanh mua bán nợ không còn là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Đồng thời, Nghị định số 69/2016/NĐ-CP về điều kiện kinh doanh dịch vụ mua bán nợ đã được bãi bỏ. Như vậy, hoạt động kinh doanh mua bán nợ được thực hiện như một ngành nghề kinh doanh dịch vụ thông thường theo quy định hiện hành (không có hạn chế đối với ngành nghề này). Quy định này đã tháo gỡ các rào cản pháp lý để hoạt động kinh doanh mua bán nợ được thực hiện thông thoáng hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tin kinh tế ngày 13/8: 80% sàn bất động sản dừng hoạt động vì Covid-19
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO