Tiền rẻ và nỗi lo bong bóng tài sản

Khoa Anh| 27/01/2021 04:13

Tỷ lệ tăng trưởng tín dụng năm 2020 gấp 4,2 lần GDP, cho thấy dòng vốn được bơm ra đã không chạy đủ vào sản xuất, kinh doanh thực, mà đã rót vào đầu cơ ở các kênh đầu tư khác, khiến nỗi lo ngại về bong bóng tài sản đang dần hình thành.

tai-san-1-6729-1611714580.jpg

Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam trong phiên giao dịch ngày 19/1/2021 đã có đợt bán tháo xô đổ mọi kỷ lục, từ mức giảm tuyệt đối về điểm số cho đến giá trị giao dịch lớn nhất từ trước đến nay. Những cảnh báo về bong bóng tài sản gần đây của một số chuyên gia kinh tế có lẽ đã phần nào tác động lên tâm lý của không ít nhà đầu tư, do đó việc thị trường điều chỉnh sâu sau những đợt tăng nóng là điều không sớm thì muộn, nhưng mức giảm có lúc lên tới 74 điểm trong một phiên, khiến nhiều người không khỏi bất ngờ và dễ rơi vào trạng thái hoảng loạn, nhất là những nhà đầu tư mới tham gia TTCK gần đây.

Không chỉ chứng khoán, thị trường bất động sản (BĐS) cũng thêm một nỗi lo về bong bóng tài sản. Nếu như lãi suất tiền gửi tại các ngân hàng liên tục giảm trong năm 2020 đã khuyến khích nhiều người chuyển dịch dòng vốn vào TTCK, thì với mặt bằng lãi suất cho vay thấp cũng kích thích không ít người vay vốn để đầu tư vào BĐS.

Nhìn vào diễn biến tăng giá nhà đất vài lần chỉ trong thời gian ngắn ở những địa bàn lân cận TP.HCM, đặc biệt là thành phố Thủ Đức, hay sự nóng sốt giá trở lại gần đây của những khu vực từng được đề xuất lên đặc khu kinh tế như Phú Quốc, Vân Đồn, nỗi lo ngại bong bóng BĐS không phải là phi lý. Quá khứ cũng cho thấy, khi BĐS được thổi giá quá mức đã không ít dòng tiền rót vào lướt sóng, đến lúc quả bong bóng này vỡ, thị trường rơi vào “hôn mê” sâu và đóng băng suốt thời gian dài sau đó.

Nhìn vào các số liệu của nền kinh tế cho thấy, tiền rẻ đang chạy vào các kênh tài sản là có cơ sở. Nếu như những năm trước đây, tăng trưởng tín dụng thường gấp đôi tăng trưởng GDP, thì trong năm 2020 vừa qua, dù tăng trưởng GDP chỉ đạt 2,91%, tương ứng 0,4 lần năm 2019, nhưng tăng trưởng tín dụng ở mức khá cao là 12,13%, thấp hơn chưa đến 1% của năm 2019. Theo đó, tỷ lệ tăng trưởng tín dụng so với tăng trưởng GDP năm 2020 đã tăng mạnh lên mức gần 4,2 lần. Điều này dẫn chứng dòng vốn được bơm ra đã không chạy đủ vào sản xuất, kinh doanh thực, mà rót vào đầu cơ ở các kênh đầu tư đang cho thấy khả năng sinh lời tốt hơn. Với cầu tiêu dùng vẫn trì trệ, giao thương, thương mại chưa phục hồi, rõ ràng việc sản xuất, kinh doanh của không ít doanh nghiệp (DN) hiện nay chỉ ở mức cầm chừng. 

Không ít DN trong giai đoạn vừa qua đã sử dụng nguồn vốn nhàn rỗi để “đánh quả” trên TTCK và thu được lợi nhuận đáng kể. Không chỉ DN, năm 2020 cũng chứng kiến sự tham gia mạnh mẽ của các nhà đầu tư cá nhân mới (F0). Tính đến hết tháng 12/2020, tổng số tài khoản mở mới trong năm đạt 332.886 tài khoản, trong đó nhà đầu tư cá nhân trong nước mở mới 329.452 tài khoản. Do lãi suất huy động rẻ, các nhà đầu tư F0 có thể đã rút các khoản gửi tiết kiệm ra đầu tư vào kênh chứng khoán, đẩy thanh khoản thị trường tăng lên ngưỡng kỷ lục, giúp giá trị giao dịch bình quân trên thị trường đạt bình quân 7.056 tỷ đồng/phiên, tăng 51,5% so với bình quân năm 2019. 

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng tăng trưởng tín dụng bất ngờ vọt lên vào thời điểm cuối năm ngoái có thể còn đến từ cơ cấu nợ của các ngân hàng. Nhưng dù sao, năm 2020 vẫn chứng kiến dòng tiền lan tỏa ở nhiều kênh đầu tư, đang tăng trưởng nóng, được cảnh báo bong bóng. Bên cạnh đó, số liệu tăng trưởng tín dụng bất ngờ cao hơn nhiều so với dự báo có thể còn đến từ thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) tiếp tục nóng lên trong năm 2020. Theo đó, các ngân hàng vẫn tăng cường đầu tư vào TPDN trong bối cảnh nhu cầu vay vốn giảm sút. Số liệu thống kê cho thấy trong năm 2020, DN đã phát hành hơn 400.000 tỷ đồng trái phiếu, tăng gần 65% so với cả năm 2019. Nói cách khác, bằng cách phát hành trái phiếu, DN hút về lượng vốn vay lên tới 14,3% GDP, tăng mạnh so với mức 11% năm 2019 và 9% năm 2018. 

Phần lớn trái phiếu phát hành trong năm 2020 đều đến từ các công ty BĐS với lãi suất cao ngất ngưỡng và ngân hàng nắm giữ phần nhiều trong số này. Như vậy, trong khi các nhà băng đã thu hút được một lượng vốn lớn thì đồng thời các tổ chức này có thể đã rót một lượng vốn không nhỏ vào trái phiếu của DN BĐS, đẩy thêm rủi ro cho thị trường.

TPDN là loại hình huy động (thực chất là công cụ vay nợ) phổ biến trên thị trường vốn. Để huy động được vốn qua kênh này, DN phải nâng cao uy tín trước trái chủ. Tuy nhiên, với thị trường trái phiếu Việt Nam, do không bắt buộc phải qua xếp hạng tín nhiệm, tài sản đảm bảo hay bảo lãnh thanh toán, nên công cụ duy nhất để nhà đầu tư nhận diện chất lượng trái phiếu và trả nợ của DN là bản cáo bạch phát hành trái phiếu (OC). Song chất lượng OC lại tùy vào yêu cầu của nhà tư vấn phát hành. Và thường nhà đầu tư không biết nguồn vốn mà mình cho DN vay được sử dụng như thế nào, DN đó có nguy cơ đổ vỡ hay không. Chính sự bát nháo của thị trường TPDN năm 2020 đã khiến Chính phủ phải siết lại bằng Nghị định 81/2020 NĐ-CP, có hiệu lực từ đầu tháng 9/2020.

Dù vậy, cũng có một số quan điểm cho rằng nỗi lo bong bóng tài sản vào thời điểm này là hơi sớm. Như trường hợp của TTCK, dù đã tăng khá mạnh từ mức đáy vào cuối tháng 3/2020, nhưng xét về mặt định giá, VN-Index vẫn đang rẻ hơn các thị trường trong khu vực dù tiềm năng tăng trưởng kinh tế Việt Nam đang lớn hơn, cũng như thấp hơn so với các mức đỉnh cao trước đây của chính chỉ số này.

Đáng lưu ý là đợt điều chỉnh mạnh trong phiên 19/1/2021 vừa qua đã giúp TTCK phần nào hạ nhiệt và càng giúp định giá rớt về mức thấp hơn. Với tăng trưởng lợi nhuận của DN trong năm 2021 sẽ khả quan hơn, theo hãng tin Bloomberg thì P/E dự phóng của VN-Index cho năm 2021 chỉ còn quanh mức trung bình 14 lần, khá hấp dẫn đối với những nhà đầu tư dài hạn.

Trước triển vọng nền kinh tế Việt Nam sẽ lấy lại mức tăng trưởng cao trong năm nay nhờ vào một loạt FTA đã ký kết thời gian qua cũng như dòng vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục tăng, TTCK cũng có thể được hỗ trợ khi niềm tin vào nền kinh tế tăng trở lại. 

Sự giảm sốc vừa qua của chứng khoán tuy có thể khiến dòng tiền muốn chuyển dịch để gia nhập thị trường sẽ e dè hơn và có thể mất một thời gian điều chỉnh và củng cố, nhưng hầu hết giới phân tích có quan điểm khá lạc quan vào TTCK trong năm nay. Do đó, với những nhà đầu tư dày dạn, mỗi đợt điều chỉnh sâu luôn là cơ hội để gom hàng trở lại hoặc tái cơ cấu danh mục đầu tư. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tiền rẻ và nỗi lo bong bóng tài sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO