Thương lái như cây đòn gánh

NGUYỄN MINH NHỊ (Nguyên Chủ tịch UBND tỉnh An Giang)| 21/05/2010 06:43

Thương lái như "cây đòn gánh", một đầu là "gánh" với nông dân, đầu kia là "gánh" với công ty mà nếu không qua vai họ thì nông sản không thành hàng hóa...

Thương lái như cây đòn gánh

Thương lái như "cây đòn gánh", một đầu là "gánh" với nông dân, đầu kia là "gánh" với công ty mà nếu không qua vai họ thì nông sản không thành hàng hóa...

Từ "thương lái" không hiểu có lúc nào, nhưng thuở nhỏ, tôi đã nghe, thấy và hiểu (ít nhất trên 60 năm). Những người mua đi bán lại hàng nông - lâm - thủy - súc sản, với quy mô nhỏ, thường là hộ gia đình, vốn ít, địa bàn hẹp (trong tỉnh hoặc liên tỉnh), nông dân thường gọi họ là "lái": lái lúa, lái xoài, lái heo, lái trâu, lái cá...

Lái còn chia ra lái thượng, lái hạ. Lái thượng là mua trước khi thu hoạch, khi thu hoạch bán lại cho lái hạ để họ chở đi bán cho đầu mối ở chợ hoặc công ty. Nhưng thường là lái mua trực tiếp từ nông dân sau thu hoạch.

Thương lái An Giang mua lúa vụ Đông Xuân 2009 - Ảnh: Nguyễn Thúy

Đọc sách ta thấy, thương lái ra đời cùng với sản xuất hàng hóa nhỏ, giản đơn, với phương thức hàng đổi hàng. Cùng với sự phát triển của sản xuất hàng hóa, hình thức hoạt động của thương lái cũng có sự biến đổi theo: "Các lái" là những người mua bán nhỏ; thương buôn, thương nhân, tư thương là những người mua bán lớn hơn (lái lớn), nhiều ngành hàng hơn, nhưng chủ yếu là nông sản.

Như vậy, từ thương lái đến tư thương - thương nhân là quá trình từ sản xuất hàng hóa nhỏ đến sản xuất hàng hóa lớn, đa ngành hơn, có lịch sử lâu đời, nhưng số phận của "các lái" không đổi, vẫn là gạch nối từ sản xuất đến tiêu dùng; từ ruộng đồng đến thành thị; từ nông nghiệp đến công nghiệp; từ nhỏ, tản mạn đến tập trung, quy mô lớn.

Nghĩa là họ như "cây đòn gánh", một đầu là "gánh" với nông dân, đầu kia là "gánh" với công ty mà nếu không qua vai họ thì nông sản không thành hàng hóa. Và, họ chỉ là chuỗi đầu tiên trong chuỗi lưu thông hàng hóa. Ngày nào còn sản xuất hàng hóa nhỏ hoặc sản xuất phân tán thì vẫn phải còn thành phần này.

Đó là lịch sử tất yếu, không ai phủ định được, mặc cho trong thời bao cấp, họ từng bị miệt thị là "gian thương", "con phe"... và mặc cho xã hội đôi khi mai mĩa thành tục ngữ: "Thật thà cũng thể lái trâu", hay như Nguyễn Du trong Truyện Kiều "Cành hoa đem bán vào thuyền lái buôn". Đó là do thương lái bên cạnh tích cực cũng có những người tiêu cực, gian dối. Nhưng vì trình độ thương lái thấp, làm ăn lời lãi cũng nhỏ nên thủ đoạn cũng nhỏ nhặt, vụn vặt mà trình độ xã hội đương thời, tương ứng cũng dễ phát hiện hơn.

Trong khi đó, những anh lái lớn hơn, thủ đoạn cao siêu hơn thì người đời ít thấy, đôi khi còn được tiếng là người "từ thiện" hoặc "Mạnh Thường Quân". Nếu so đo, có thể ví mặt tiêu cực của thương lái (nếu có) thì chỉ như "mèo ăn vụng mỡ" dễ thấy hơn "cọp vác heo". Những "đại gia" đi đêm với giới có quyền để chiếm đoạt nhà đất, công sản, tài nguyên quốc gia thông qua kẽ hở trong cổ phần hóa, thực hiện các dự án, đại dự án mà báo chí, các nhà khoa học, các nhà chính trị cỡ lớn còn phát hiện khó khăn, phản biện ít kết quả thì nói chi đến người dân bình thường.

Ở đây ta không so sánh ai tốt hơn ai, vấn đề là phải thấy cho đúng tầm của thương nhân, trong đó có thương lái, cũng như của các doanh nhân nói chung, nhất là các đại doanh nhân mà bất cứ một dân tộc nào muốn cường thịnh không thể không có hoặc có quá ít thành phần này. Họ góp phần quan trọng cho sự hưng vong của đất nước. Còn mặt tiêu cực của họ thì cũng như "mặt trái của tấm huân chương".

Vấn đề là tầm quản lý của chính quyền. Chính quyền và pháp luật minh bạch, tôn nghiêm thì thương nhân là quân chủ lực trên thương trường, người lao động nhờ đó mà ngẩng mặt lên được với đời, với nhân dân các nước và quốc hiệu nhờ đó mà sáng chói vì có những thương hiệu và thương nhân cụ thể. Còn ngược lại thì nước có độc lập mà dân không có hạnh phúc, có tự do mà dân không có quyền làm chủ. Hậu quả của khủng hoảng kinh tế, khủng hoảng nợ nần, khủng hoảng lòng tin ở một số nước phát triển là như thế nào ai cũng biết.

Trở lại chủ đề, từ trong "cấm chợ ngăn sông", sản xuất không đủ ăn trong thời bao cấp, thương lái đã bị xem là "kẻ thù" của nền kinh tế kế hoạch hóa, nhưng họ vẫn tồn tại vì xã hội cần. Thời đó, từ Hà Nội đến Sài Gòn có mấy ai sống nổi với những nhu yếu phẩm phân phối trên danh nghĩa theo tem phiếu, mà không nhờ vào "chợ đen", "chợ trời".

Nhiều người không nhờ thịt heo bó trong mình "gian thương" thì làm sao có thịt ăn? Chính vì vậy mà họ tồn tại, có quan chức quản lý thị trường nào mà không biết. Các tỉnh ở đồng bằng sông Cửu Long vì biết nên hành động "xé rào" đầu tiên là dẹp các trạm kiểm soát "ngăn sông cấm chợ". Dân thở phào. Sản xuất bung ra!

Cuối những năm 1980 đầu 1990, ở đồng bằng sông Cửu Long gạo chỉ dư hơn 1 triệu tấn mà nông dân đã la làng không biết bán cho ai. "Các doanh nghiệp nhà nước phải mua tận ruộng cho dân", lệnh ấy ban ra đã hơn 20 năm, kể từ khi xuất hiện mà chẳng có công ty lương thực nào làm được, kể cả công ty tư nhân, duy chỉ có hàng xáo (lái lúa) là làm được, vậy mà lúa ế không ai mua thì cũng rủa thương lái, công ty hạ giá mua gạo thì cho là "thương lái ép giá lúa của nông dân", không ai dám động đến công ty, thật là bất công!

Trong khi đó, thương lái như "cây đòn gánh", đòn gánh mà chỉ có một đầu thì làm sao mà gánh? Ai thương nông dân và làm thương lái lãi nhiều sao những lúc lúa ế không nhảy ra làm? Cái khổ của nông dân là ở chỗ này. Nhưng thời bao cấp thì họ đổ cho "con phe", "gian thương"; thời kinh tế thị trường thì đổ cho "tư thương", "thương lái". Trong khi cái bất cập nằm ngay trong tổ chức sản xuất - lưu thông, là do "nhạc trưởng" mà ít ai thấy nên họ mới khổ dài dài!

Hơn 20 năm qua, nhờ thương lái mua lúa tại ruộng mà các doanh nghiệp nhà nước xuất khẩu mỗi năm trên dưới 5 triệu tấn gạo, thu về hàng tỷ USD. Huyện Thoại Sơn thuần nông, nghèo hạng nhất nhì trong tỉnh An Giang, nhưng nhờ thương lái nộp thuế VAT lúa gạo mà năm 2008 được 82 tỷ đồng/148 tỷ thu ngân sách. Chỉ riêng nhà máy anh em Út Hiền thu của hàng xáo dùm cho chi cục thuế mỗi năm cũng trên 20 tỷ đồng

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thương lái như cây đòn gánh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO