Thủ tướng: Thẳng thắn chỉ rõ văn bản nào cản trở, cơ quan nào nhũng nhiễu doanh nghiệp

Khởi Vũ| 23/12/2019 02:00

Đó là chia sẻ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với doanh nghiệp (DN) vừa diễn ra sáng nay.

Thủ tướng: Thẳng thắn chỉ rõ văn bản nào cản trở, cơ quan nào nhũng nhiễu doanh nghiệp

Với doanh nghiệp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, nhưng không được làm ẩu và vi phạm pháp luật. Ảnh: Hoàng Hà.

Với chủ đề "Phát triển mạnh mẽ doanh nghiệp – Hội nhập, hiệu quả, bền vững", khoảng 1.600 đại biểu là lãnh đạo hơn 1.000 DN trên cả nước cùng lãnh đạo nhiều địa phương, tổ chức, hiệp hội DN đã tham gia sự kiện. Đây là lần thứ ba từ đầu nhiệm kỳ, Thủ tướng chủ trì một hội nghị tương tự.

Đặt quyết tâm đưa môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của Việt Nam vào nhóm đầu ASEAN, Hội nghị tái khẳng định cam kết của Chính phủ sẽ tiếp tục đồng hành cùng cộng đồng DN - lực lượng tiên phong trên mặt trận kinh tế đang ngày càng lớn mạnh, với hơn 126.000 DN thành lập mới mỗi năm.

Riêng năm 2019, số DN thành lập mới dự kiến đạt 136.000 DN, tổng số vốn đăng ký khoảng 1,7 triệu tỷ đồng, nâng tổng số DN đang hoạt động lên khoảng 760.000 DN.

Tại Hội nghị, Thủ tướng và các thành viên Chính phủ đã lắng nghe những khó khăn, vướng mắc và cùng đối thoại, giải đáp để gỡ vướng cũng như cải thiện môi trường kinh doanh Việt Nam, hiện đứng thứ 5 trong ASEAN, thứ 70 trên thế giới, theo xếp hạng công bố tháng 10/2019 của Ngân hàng Thế giới (WB).

“Lãnh đạo các cơ quan Trung ương, các thành viên Chính phủ, các địa phương đến đây để lắng nghe ý kiến của đại diện các loại hình doanh nghiệp để chúng ta có giải pháp tháo gỡ, phát huy thuận lợi, khắc phục khó khăn để doanh nghiệp phát triển nhanh và bền vững”, Thủ tướng nói.

Link bài viết

Đóng góp vào những thành quả kinh tế - xã hội năm 2019 cũng như xuyên suốt hơn 3 thập niên đổi mới qua có vai trò rất lớn của cộng đồng DN và doanh nhân Việt Nam. Do đó, Thủ tướng cho rằng, không thể có quốc gia hùng cường, hưng thịnh nếu không có doanh nghiệp hùng hậu. 

Không có doanh nghiệp, không thể có nền kinh tế lớn khi thiếu vắng những thương hiệu nổi tiếng. Không thể có doanh nghiệp tầm cỡ nếu thiếu doanh nghiệp và cá nhân xuất sắc. Theo Thủ tướng, sự lớn mạnh của DN không thể thiếu vai trò của Nhà nước; ngược lại, sự yếu kém của DN chắc chắn có phần trách nhiệm của Nhà nước. 

Thế nên, bên cạnh các mặt thành công, Thủ tướng đề nghị DN nêu khó khăn, trở ngại, vướng mắc trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh, quy hoạch, tiếp cận đất đai, mặt bằng sản xuất, vốn tín dụng, sử dụng lao động, tiếp cận thị trường, tiếp cận công nghệ, các thủ tục hành chính, thuế, hải quan, cung cấp điện nước… 

Đặc biệt là vấn đề thanh tra, kiểm tra chồng lấn kéo dài, gây khó khăn cho DN thế nào, kể cả tình trạng các cơ quan quản lý Nhà nước dọa nạt khi DN có ý kiến trái chiều hay phản biện chính sách.

“Cần chỉ rõ văn bản nào của bộ, ngành nào bất hợp lý, mâu thuẫn, chồng chéo, gây cản trở, không phù hợp với môi trường kinh doanh, thông lệ quốc tế, cần phải thúc đẩy cạnh tranh, phù hợp với cam kết quốc tế. Cơ quan nào gây nhũng nhiễu, phiền hà, ở địa phương hay là tập trung ở Trung ương”, Thủ tướng thẳng thắn nêu rõ.

Đồng thời, Thủ tướng đề nghị nêu những thách thức, khó khăn đối với DN trong bối cảnh kinh tế thế giới suy giảm và thương chiến, nền kinh tế ngày càng hội nhập sâu với các hiệp định FTA thế hệ mới, tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến sự phát triển của DN.

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng đề nghị: "Tôi đề nghị cộng đồng DN cùng tham gia hiến kế để Chính phủ hoàn thành vượt mức các mục tiêu kinh tế-xã hội 2020 cũng như kế hoạch phát triển 5 năm 2021-2025".

Trước Hội nghị khoảng 20 phút, Thủ tướng đã tham quan gian hàng triển lãm một số sản phẩm tiêu biểu của doanh nghiệp Việt Nam. Ảnh: Quang Hiếu.

Trước Hội nghị khoảng 20 phút, Thủ tướng đã tham quan gian hàng triển lãm một số sản phẩm tiêu biểu của doanh nghiệp Việt Nam. Ảnh: Quang Hiếu.

Ngoài ra, Thủ tướng đề nghị các đại biểu đề xuất giải pháp cải thiện và nâng cao sự tương tác, năng lực phối hợp và hành động giữa bộ, ngành với địa phương một cách đồng bộ, xuyên suốt, hướng đến giúp địa phương thu hút đầu tư bền vững, hiệu quả.

"Quý vị cũng có thể kiến nghị những vướng mắc về chính sách pháp luật qua thực tiễn không còn phù hợp với bối cảnh địa phương, đề xuất các giải pháp giúp giải phóng mọi nguồn lực, phá bỏ mọi rào cản để thúc đẩy sự phát triển", Thủ tướng đề nghị.

Thủ tướng khẳng định cam kết sẽ cùng tham gia, đồng hành, đối thoại thẳng thắn, tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn, trở ngại để DN Việt Nam có thể bứt phá trong năm 2020 cũng như thời gian tiếp theo.

Với DN, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, nhưng không được làm ẩu và vi phạm pháp luật.

Còn các cơ quan thanh tra, kiểm tra, điều tra, kiểm toán, công an, kiểm sát, tòa án thực sự trân trọng quyền con người, quyền công dân, quyền kinh doanh, quyền tài sản theo Hiến pháp và pháp luật với tinh thần cởi trói, tạo mọi điều kiện cho DN phát triển lành mạnh, bền vững.

Trên tinh thần ấy, Thủ tướng cho biết, sau Hội nghị sẽ có một sản phẩm là một nghị quyết của Chính phủ về định hướng tháo gỡ khó khăn cho DN.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thủ tướng: Thẳng thắn chỉ rõ văn bản nào cản trở, cơ quan nào nhũng nhiễu doanh nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO