![]() |
Sáng 17/5, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Hà Nội), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì "Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp năm 2017".
Đây là lần thứ 2 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đối thoại với doanh nghiệp. Với chủ đề "Đồng hành cùng doanh nghiệp", Hội nghị thể hiện quyết tâm xây dựng Chính phủ kiến tạo, hành động, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, thực sự là động lực phát triển của đất nước.
Ước tính, có khoảng 2.000 đại biểu trực tiếp tham dự Hội nghị, gấp 4 lần năm ngoái, trong đó khối doanh nghiệp tư nhân khoảng 1.500 đại biểu, cùng khoảng 200 đại biểu từ khối doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), một số sứ quán và các định chế tài chính lớn, 100 đại biểu từ các doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp đã cổ phần hóa, cùng đại diện các cơ quan nhà nước.
Hội nghị tiến hành thảo, luận đánh giá việc thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020. Các hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp hiến kế, kiến nghị; các bộ, ngành, địa phương trao đổi, thảo luận với doanh nghiệp để giải quyết các vướng mắc, kiến nghị.
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn lời của nhà tư sản dân tộc Bạch Thái Bưởi "tôi muốn làm cho Hà Nội đẹp như Paris"; chí sĩ Lương Văn Can "việc buôn bán thịnh suy có quan hệ đến quốc dân thịnh suy"... và cho rằng những bài học, hoài bão của tiền nhân sẽ là cảm hứng cho đội ngũ doanh nhân hiện nay khởi nghiệp và phát triển.
Đánh giá việc thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, ông Nguyễn Chí Dũng - Bộ trưởng Kế hoạch đầu tư cho biết, những nỗ lực cải cách thủ tục hành chính, giảm chi phí và khuyến khích khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh là những điểm đáng ghi nhận trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam.
Cụ thể, trong năm 2016 đã có hơn 110.000 doanh nghiệp thành lập, tăng hơn 16% so với năm 2015, đạt mức kỷ lục từ trước đến nay. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), năm 2016 Việt Nam đã tăng 9 bậc (từ vị trí 91 lên 82) về chỉ số môi trường kinh doanh.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, thực tế vẫn còn không ít khó khăn do tích tụ từ thời gian trước để lại. Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc cho biết, Việt Nam đang là một nền kinh tế có chi phí kinh doanh lớn nhất trong khu vực cả về chính thức và không chính thức.
Bên cạnh đó, sự thay đổi chính sách đột ngột, sự hồi tố trong kinh doanh; nhiều địa phương vẫn lạm dụng thanh tra, kiểm tra với nội dung trùng lặp; nhiều điều kiện sản xuất kinh doanh không phù hợp; tình trạng "trên bảo dưới không nghe", "trên nóng dưới lạnh" còn phổ biến; nhiều bộ ngành địa phương chỉ giải thích, không giải quyết kiến nghị của doanh nghiệp... vẫn là những thách thức, rào cản cần giải quyết, gỡ bỏ trong thời gian tới.
Theo đó, ông Lộc kiến nghị các cơ quan, bộ ngành giải quyết các vấn đề cho doanh nghiệp trên tinh thần đồng hành, tránh tình trạng giải thích nhưng không giải quyết, hoặc không giải quyết theo hướng có lợi cho doanh nghiệp, người dân. Đồng thời, ông kỳ vọng lãnh đạo Chính phủ sẽ sớm có biện pháp "cởi trói" những nút thắt về thể chế, môi trường kinh doanh tại Việt Nam.
>>Thủ tướng Chính phủ: Không chủ trương hình sự hóa các quan hệ kinh tế