Thế giới dồn sự chú ý về Hà Nội

28/10/2010 08:08

Hội nghị cấp cao Asean lần thứ 17 - hội nghị cấp cao cuối cùng Việt Nam tổ chức với tư cách là nước chủ tịch Asean 2010 - sẽ diễn ra chiều 28/10 tại Hà Nội với sự tham dự của nguyên thủ và lãnh đạo cấp cao mười nước Asean.

Thế giới dồn sự chú ý về Hà Nội

Hội nghị cấp cao Asean lần thứ 17 - hội nghị cấp cao cuối cùng Việt Nam tổ chức với tư cách là nước chủ tịch Asean 2010 - sẽ diễn ra chiều 28/10 tại Hà Nội với sự tham dự của nguyên thủ và lãnh đạo cấp cao mười nước Asean.

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đón Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono tại Phủ chủ tịch ngày 27-10 - Ảnh: TTXVN

Trước đó, chủ trì cuộc họp trực tuyến từ Hà Nội nối với thủ đô chín nước Asean còn lại và ba nước đối tác đối thoại là Úc, Nhật Bản và Ấn Độ, Tổng thư ký ASEAN Surin Pitsuwan khẳng định Asean cam kết đặt người dân làm trung tâm nhưng cũng không quên nêu lên thực tế khác biệt về trình độ phát triển kinh tế giữa các thành viên là một trở ngại trên con đường hình thành cộng đồng Asean vào năm 2015 như mục tiêu đề ra.

Trong số hơn mười hội nghị cấp cao giữa Asean với các bên đối tác, một sự kiện thu hút sự quan tâm của thế giới là hội nghị cấp cao Đông Á (gọi tắt là EAS) với sự có mặt lần đầu tiên của đại diện Nga và Mỹ. Nga và Mỹ sẽ là thành viên chính thức của diễn đàn cấp cao Đông Á kể từ năm tới. Lần này, Tổng thống Nga Dmitry Medvedev và Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton (thay mặt Tổng thống Obama) tham dự hội nghị. Đây là chuyến làm việc lần thứ hai tại Hà Nội của Ngoại trưởng Clinton trong năm nay.

Tăng cường đầu tư nội khối ASEAN

Khoảng 1.000 đại biểu là lãnh đạo, chuyên gia, học giả trong và ngoài nước đã tham dự Hội nghị thượng đỉnh thương mại và đầu tư ASEAN (ASEAN BIS) 2010 tại Hà Nội ngày 27/10. Các đại biểu đã thảo luận về việc xây dựng cộng đồng kinh doanh ASEAN trong mục tiêu hướng tới xây dựng cộng đồng kinh tế ASEAN vào năm 2015.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định những cam kết hội nhập, các chương trình hợp tác kinh tế cốt lõi của cộng đồng kinh tế ASEAN đang từng bước đi vào cuộc sống.

Thủ tướng nêu rõ quá trình này cùng với mạng lưới các khu vực mậu dịch tự do ASEAN+1 với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Úc và New Zealand sẽ tạo ra sự năng động của các chủ thể sản xuất và quá trình lưu chuyển tự do của hàng hóa, dịch vụ, tự do hơn về lao động và vốn trong nền kinh tế khu vực...

Tại hội nghị, Tổng thư ký ASEAN Surin Pitsuwan cho biết hiện nay thương mại nội khối chỉ đạt 25%, đầu tư nội khối chỉ đạt 12%. Để tăng đầu tư và thương mại nội khối ASEAN, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh cho biết ASEAN đã hoàn tất gói cam kết thứ bảy giữa các nước ASEAN và gói dịch vụ 8 đưa dịch vụ các nước liên kết với nhau chặt chẽ hơn sẽ được ký kết. Từ đó, có thể hạ giá thành cho doanh nghiệp, cung cấp nhiều dịch vụ tốt hơn cho doanh nghiệp nội khối ASEAN để thúc đẩy thương mại và đầu tư nội khối.

Asean hợp tác tìm kiếm và cứu nạn trên biển

Tuyên bố ASEAN về hợp tác tìm kiếm và cứu nạn người và tàu thuyền bị nạn trên biển đã được thông qua tại Hội nghị bộ trưởng ngoại giao ASEAN diễn ra hôm qua 27/10 tại Hà Nội. Ngoài ra, các bộ trưởng đã thông qua nhiều văn kiện quan trọng khác. Các bộ trưởng cũng chỉ đạo Ủy ban liên chính phủ ASEAN về nhân quyền tiến hành tham vấn về việc soạn thảo Tuyên bố về nhân quyền ASEAN.

Mở rộng hợp tác Việt Nam - Indonesia

Ngày 27/10, trong chuyến thăm chính thức Việt Nam, Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono đã có cuộc hội đàm với Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết.

Hai nhà lãnh đạo đã cùng thảo luận và nhất trí mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực mà hai bên có tiềm năng như năng lượng, thủy hải sản, văn hóa - thể thao - du lịch, khoa học - công nghệ.

Hai bên đánh giá cao và nhất trí tiếp tục duy trì sự hợp tác và phối hợp tốt đẹp tại các diễn đàn khu vực và quốc tế, nhất là tại ASEAN, APEC và Liên Hiệp Quốc. Hai bên cũng chia sẻ đánh giá cho rằng hòa bình, ổn định ở biển Đông là nguyện vọng và lợi ích chung của các nước trong khu vực và điều quan trọng là cần thực hiện nghiêm chỉnh công ước Liên Hiệp Quốc về luật biển (DOC) và tiến tới xây dựng bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC).

Ngay sau hội đàm, hai bên đã ký bản ghi nhớ về hợp tác nghề cá, các vấn đề biển và bản ghi nhớ về tăng cường hợp tác giữa các quan chức quốc phòng và các hoạt động liên quan.

Tình hình động đất và núi lửa bùng phát trong nước đã khiến Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono phải bỏ dở lịch trình của mình tại Hà Nội, và đã về nước chiều 27/10 sau khi hội đàm với Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết. Tổng thống Yudhoyono có khả năng sẽ quay lại Hà Nội vào cuối tuần này. Sau Việt Nam, Indonesia sẽ là nước đảm nhiệm cương vị chủ tịch Asean vào năm 2011.

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc đến Việt Nam

Hôm nay 28/10, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon đến Hà Nội bắt đầu chuyến thăm chính thức Việt Nam theo lời mời của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết. Ngày 29/10, ông sẽ thăm Trung tâm Phòng chống HIV huyện Từ Liêm (Hà Nội) và tham dự Hội nghị cấp cao Asean - Liên Hiệp Quốc lần thứ ba diễn ra chiều cùng ngày.

Đây là chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của ông Ban Ki Moon kể từ khi nhậm chức tổng thư ký Liên Hiệp Quốc năm 2007. Chuyến thăm diễn ra vào dịp kỷ niệm 65 năm thành lập Liên Hiệp Quốc và 33 năm Việt Nam gia nhập tổ chức quốc tế này.

* 28/10: Nguyên thủ và lãnh đạo các nước Asean, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo... tới Hà Nội. Khai mạc Hội nghị cấp cao Asean, Hội nghị cấp cao tam giác phát triển Indonesia - Malaysia - Thái Lan.

* 29/10: Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tới Hà Nội; hội nghị cấp cao giữa Asean với từng đối tác: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Liên Hiệp Quốc; hội nghị cấp cao Mekong - Nhật Bản.

* 30/10: Hội nghị cấp cao giữa Asean với từng đối tác riêng rẽ: Ấn Độ, Nga, Úc, New Zealand; Hội nghị cấp cao Đông Á; Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tham dự bế mạc và họp báo kết thúc Hội nghị cấp cao Asean 17.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thế giới dồn sự chú ý về Hà Nội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO