Thảo luận đề án xây dựng Tượng đài Bác Hồ

T.T| 12/09/2013 08:31

Ngày 11/9, ông Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy T.PHCM, đã chủ trì Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ TPHCM khóa IX (bất thường thảo luận về Đề án xây dựng Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đề án Chính quyền đô thị.

Thảo luận đề án xây dựng Tượng đài Bác Hồ

Ngày 11/9, ông Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM, đã chủ trì Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ TPHCM khóa IX (bất thường). Hội nghị tập trung nghe, thảo luận về 2 tờ trình quan trọng: Tờ trình về Đề án xây dựng Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh tại TP.HCM và phương án Cung thỉnh Tượng đài Bác Hồ với thiếu nhi về Nhà Thiếu nhi TP.HCM; Tờ trình về Đề án thí điểm Chính quyền đô thị TP.HCM.

Bản thảo thiết kế tượng đài Bác Hồ theo như đề án

Dự án xây dựng Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh tại công viên phía trước trụ sở UBND TP.HCM, do Ban quản lý đầu tư xây dựng công trình Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP.HCM làm chủ đầu tư, đã được Ban Bí thư Trung ương Đảng đồng ý chủ trương cùng với việc cho phép cung thỉnh Tượng đài “Bác Hồ với thiếu nhi” về Nhà Thiếu nhi T.PHCM theo đề xuất của Thành ủy TP.HCM.

Ông Nguyễn Văn Đua, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM cho biết:

Xây dựng tượng đài phải gắn với các sự kiện lịch sử, những địa danh văn hóa và tại nơi trang trọng, trung tâm hành chính, chính trị, văn hóa, xã hội của TP.HCM. Tượng đài phải bảo đảm yêu cầu mỹ thuật cao, kỹ thuật bền vững, xứng tầm Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh ở một thành phố vinh dự mang tên Người, thể hiện được chân dung, cốt cách giản dị, trìu mến, gần gũi của Bác với nhân dân. Không gian kiến trúc tượng đài phải có vị trí quan trọng nhất trong tổng thể đồng bộ của khu vực trung tâm thành phố, hài hòa về cảnh quan để tạo không gian mở với trụ sở HĐND, UBND, Nhà hát Thành phố…

Trụ sở HĐND- UBND TP.HCM là công trình kiến trúc đã được đưa vào danh mục bảo tồn, do đó khi thiết kế không gian kiến trúc Tượng đài, cần giữ cốt cao trình trụ sở UBND TP.HCM làm chuẩn cho toàn bộ không gian kiến trúc Tượng đài. Sử dụng khối đá tảng đẹp, màu đen, bền chắc, nguyên vẹn, đẹp, có xuất xứ trong nước để tác khối vuông, mạnh mẽ và vĩnh cửu làm chân đế Tượng đài.

Tượng đài Bác Hồ với thiếu nhi sẽ được Cung thỉnh về Nhà Thiếu nhi TP.HCM

Hai bên tượng đài bố trí hai hàng cây xanh, chọn loại cây khi đã định hình có chiều cao không hơn Tượng Bác để nhìn thấy chung quanh Tượng Bác Hồ là tán cây, không trồng hàng cây che khuất tầm nhìn phía trước trụ sở Hội đồng nhân dân - Ủy ban nhân dân thành phố; các điêu khắc hình hoa sen trê viền nền trong quảng trường nên nghiên cứu theo phương án đá tự nhiên hoặc các họa tiết hoa văn thể hiện bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam.

Sau thời gian phát động, TP.HCM đã nhận được 32 mẫu phác thảo của 24 tác giả và 1 đơn vị. TP.HCM sẽ tổ chức trưng bày các mẫu này tại Bảo tàng Hồ Chí Minh (chi nhánh phía Nam) để lấy ý kiến nhân dân từ ngày 20/9 đến 20/10/2013. Sau khi thống nhất mẫu Tượng đài, chủ đầu tư sẽ tổ chức thi công từ tháng 12/2013 và hoàn thành trước ngày 30/4/2015.

Đề án xây dựng Chính quyền đô thị TP.HCM đã được lấy ý kiến qua nhiều cấp. Có nhiều ý kiến tâm huyết, chất lượng đã được xem xét tổng hợp và điều chỉnh. Thành ủy TP.HCM tiếp tục thảo luận, thống nhất phương án sớm đề xuất trình Ban cán sự Đảng Chính phủ báo cáo xin ý kiến Bộ Chính trị, trên cơ sở đó Chính phủ trình Quốc hội, đề xuất Quốc hội có Nghị quyết cho phép TP.HCM thực hiện thí điểm. Sau đó, vào thời điểm bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XIV và HĐND TPHCM nhiệm kỳ 2016-2021 sẽ triển khai áp dụng mô hình mới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thảo luận đề án xây dựng Tượng đài Bác Hồ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO