Tăng xuất khẩu nhờ xúc tiến thương mại

Nguồn VnEconomy| 28/08/2009 07:58

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên khẳng định, nhiệm vụ xuất khẩu từ nay đến cuối năm rất nặng nề, cần phải tập trung mọi biện pháp để chặn đà suy giảm

Tăng xuất khẩu nhờ xúc tiến thương mại

Ngày 26/8, tại tọa đàm “Hiệp hội doanh nghiệp - đa dạng hóa hoạt động xúc tiến thương mại đẩy mạnh xuất khẩu và phát triển thị trường”, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên khẳng định, nhiệm vụ xuất khẩu từ nay đến cuối năm rất nặng nề, cần phải tập trung mọi biện pháp, mọi nguồn lực để chặn đà suy giảm ít nhất là về lượng so với năm 2008, khắc phục các thị trường truyền thống, mở ra các thị trường mới.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Thành Biên, trong 7 tháng đầu năm kim ngạch xuất khẩu tuy tăng về lượng nhưng giá trị lại giảm, mới chỉ đạt 32,5 tỷ USD, thấp hơn năm 2008 tới 12,8%. Để có thể đạt mục tiêu kế hoạch cả năm sẽ rất khó khăn, làm sao kim ngạch 5 tháng còn lại phải đạt xấp xỉ 7 tháng qua.

Thứ trưởng Nguyễn Thành Biên, trong 7 tháng đầu năm kim ngạch xuất khẩu tuy tăng về lượng nhưng giá trị lại giảm, mới chỉ đạt 32,5 tỷ USD, thấp hơn năm 2008 tới 12,8%.

Đưa hàng sang các thị trường mới

Một số mặt hàng như nông sản, thủy sản đến thời điểm này, xuất khẩu về lượng tăng hơn năm ngoái, nhưng giá trị thu về lại giảm, điều này không phải do chủ quan mà do phụ thuộc vào cung - cầu, sức mua của thị trường thế giới.

Hiện Bộ Công Thương đang làm việc với các doanh nghiệp và các hiệp hội, để hạn chế tác động việc tăng lượng hàng xuất khẩu, ảnh hưởng đến giá trị xuất khẩu.

Rút kinh nghiệm từ bài học về giá cà phê thời gian vừa qua, do thiếu sự phối hợp giữa bản thân các doanh nghiệp trong ngành và giữa doanh nghiệp với Hiệp hội khi mua bán trên thị trường thế giới, khiến các nhà nhập khẩu cà phê ép giá, dẫn tới giá cà phê xuất khẩu giảm mạnh, trong khi Việt Nam là một trong những nước xuất khẩu cà phê hàng đầu thế giới, đáng ra phải có lợi thế trong việc đàm phán về giá.

Ông Nguyễn Thành Biên đã dẫn ra một số ví dụ để khẳng định vai trò của việc phát triển các thị trường mới thông qua việc đa dạng hoá hoạt động xúc tiến thương mại trong thời gian tới. Chẳng hạn, các mặt hàng nông lâm, thủy sản như tôm, cá tra, cá ba sa.. là những mặt hàng Việt Nam cần đẩy mạnh xuất khẩu trong những tháng cuối năm.

Hiện giá cá ở Đồng bằng sông Cửu Long đang chững lại, nên cần phải phối hợp, tăng mua cho nông dân, tìm kiếm thị trường, đẩy mạnh trong những tháng còn lại của năm 2009.

Hoặc như đối với mặt hàng gạo, trong 7 tháng đầu năm, Việt Nam đã xuất khẩu hơn 4,2 triệu tấn, tăng trên 50% về lượng. Thời gian tới, cần tích cực xúc tiến thương mại vào các thị trường đang có nhu cầu như châu Phi, Trung Đông, Nam Mỹ.

Chương trình xúc tiến phải hiệu quả

Tại cuộc tọa đàm, ông Tạ Hoàng Linh, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) đã nhấn mạnh vai trò của các Hiệp hội đối với các chương trình xúc tiến thương mại. Qua đó, các hiệp hội nâng cao được vai trò và khẳng định vị thế của mình đối với doanh nghiệp trong ngành cũng như quốc tế.

Với các chương trình xúc tiến thương mại quốc gia, mỗi năm các hiệp hội ngành hàng đã hỗ trợ cho hàng ngàn lượt doanh nghiệp tham gia và hưởng lợi từ các chương trình, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Tuy nhiên, theo kết quả điều tra do Chương trình phát triển Dự án Mê Kông và Quỹ châu Á, các hiệp hội đã tương đối thành công trong việc cung cấp thông tin chính sách, pháp luật, kiến nghị chính sách, quy định liên quan đến tập huấn, đào tạo ngắn hạn nhưng các Hiệp hội của Việt Nam vẫn còn yếu ở các hoạt động tư vấn, hỗ trợ cho hội viên, giá cả và hỗ trợ tiếp cận thị trường trong nước và thị trường xuất khẩu.

Theo ông Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, nhu cầu của doanh nghiệp về các dịch vụ xúc tiến thương mại rất đa dạng và phong phú, nhưng thực sự dịch vụ này chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp có nhu cầu cao đối với khả năng tiếp cận nguồn tài chính, sản phẩm chất lượng cao, thông tin thương mại hiệu quả và đặc biệt là nghiên cứu thị trường mục tiêu.

Bên cạnh đó là những dịch vụ nhu cầu thấp hơn như tư vấn kinh doanh và đóng gói bao bì, tham dự hội chợ triển lãm. Thế nhưng năng lực cung cấp các dịch vụ của các tổ chức xúc tiến thương mại còn rất hạn chế, một phần do thiếu trình độ, một phần do ngân sách hạn hẹp nên chỉ có thể cung cấp các dịch vụ mà doanh nghiệp có nhu cầu thấp dễ triển khai, ít tạo hiệu quả và giá trị gia tăng cho doanh nghiệp.

Lý giải nguyên nhân khiến cơ quan chủ trì chưa làm tốt công tác thông tin, dự báo, nhận thức về tầm quan trọng của công tác xúc tiến thương mại còn hạn chế, chưa chủ động nghiên cứu trên sản phẩm, đặc biệt là sản phẩm giá trị gia tăng, phù hợp với thị hiếu tiêu dùng của từng thị trường.

Ông Nguyễn Tôn Quyền, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho rằng đó là do Hiệp hội chưa có chiến lược tổng thể cho hoạt động xúc tiến thương mại, đồng thời cũng chưa thực sự phối hợp các nguồn lực để thực hiện chương trình.

Để các hoạt động xúc tiến thương mại đi vào thực chất hơn và mang lại hiệu quả cao hơn, Thứ trưởng Nguyễn Thành Biên khuyến cáo, đối với các chương trình xúc tiến thương mại, các hiệp hội cần xây dựng kế hoạch và phải chứng minh được các thành viên trong hiệp hội đã xuất khẩu vào những thị trường cần đẩy mạnh xúc tiến tiếp, cũng như phải có phân tích, đánh giá về những thị trường mới và các doanh nghiệp trong ngành có tiềm năng xuất khẩu vào thị trường mới này.

Đặc biệt, các hiệp hội cần phải tự xem xét năng lực, đánh giá sự hiện diện của các doanh nghiệp trong các chương trình xúc tiến thương mại để chủ động mời các doanh nghiệp tham gia trước khi xây dựng chương trình, chứ không nên chờ duyệt chương trình rồi mới mời chào doanh nghiệp tham gia, ngoại trừ các chương trình tham dự hội chợ triển lãm.

Các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, hơn bao giờ hết mạng lưới xúc tiến thương mại phải được tái cấu trúc, thay đổi toàn diện theo hướng cung cấp các dịch vụ phù hợp với yêu cầu của doanh nghiệp. Theo đó, cần có một chiến lược quốc gia về phát triển xúc tiến thương mại gắn với thúc đẩy xuất khẩu, thu hút du lịch, thu hút đầu tư phù hợp với định hướng cơ cấu chiến lược ngành kinh doanh, cơ cấu nền kinh tế.

Ông Nguyễn Văn Thụ, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chè kiến nghị rằng phải phát triển thị trường mới đẩy mạnh xuất khẩu được, và muốn đẩy mạnh xuất khẩu phải tăng cường xúc tiến thương mại. Nhưng kinh phí xúc tiến thương mại hiện nay chưa tương ứng với tăng trưởng xuất khẩu của ngành hàng.

Thêm vào đó, hiện nay một Bộ xét chương trình, một Bộ cấp kinh phí nên rất khó cho Hiệp hội thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại.

Chẳng hạn, đối với ngành chè muốn xúc tiến thương mại từ tháng 10 năm trước đến tháng 4 năm sau để tránh mùa vụ thu hoạch, nhưng tới tháng 5 mới được cấp kinh phí xúc tiến thương mại và đến tháng 11 phải thực hiện xong chương trình nếu không sẽ không được hỗ trợ. Cơ chế tài chính như vậy rất khó cho Hiệp hội và doanh nghiệp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tăng xuất khẩu nhờ xúc tiến thương mại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO