Sức đề kháng của doanh nghiệp Việt

30/12/2009 06:45

Một năm khó khăn và đầy sóng gió đã qua đi. Bằng bản lĩnh và sự sáng tạo của mình, các DN Việt Nam đã “vượt cạn” một cách ngoạn mục, góp phần đưa đất nước vượt khủng hoảng thành công.

Sức đề kháng của doanh nghiệp Việt

Một năm khó khăn và đầy sóng gió đã qua đi. Bằng bản lĩnh và sự sáng tạo của mình, các doanh nghiệp Việt Nam đã “vượt cạn” một cách ngoạn mục, góp phần đưa đất nước vượt khủng hoảng thành công.

Dù gặp nhiều khó khăn, nhiều DN vẫn phát triển tốt

Năm 2009 là năm đặc biệt khó khăn đối với nền kinh tế Việt Nam nói chung, với doanh nghiệp Việt Nam nói riêng. Đây là năm các doanh nghiệp chưa kịp hồi phục sau những tổn thất mà cơn lạm phát của năm 2008 gây ra, đã phải đối mặt với cơn chấn động khủng khiếp hơn mang tên khủng hoảng. Hai tác động kép này tưởng như nhấn chìm doanh nghiệp, thế nhưng, bằng bản lĩnh và sự sáng tạo của mình, các doanh nghiệp Việt Nam đã “vượt cạn” một cách ngoạn mục, góp phần đưa đất nước vượt khủng hoảng thành công.

“Vượt cạn” thành công

Khi nền kinh tế thế giới bắt đầu một giai đoạn mới, chuẩn bị cho sự hồi phục, sẽ là một giai đoạn cạnh tranh khốc liệt giữa các doanh nghiệp, thậm chí còn gay gắt hơn giai đoạn trước khủng hoảng. Bởi vậy, sẽ là khó khăn rất lớn nếu các doanh nghiệp vẫn giữ nguyên cơ cấu như cũ.

Ông Vũ Tiến Lộc Chủ tịch Phòng TM, CN Việt Nam

Một năm khó khăn và đầy sóng gió đối với nền kinh tế Việt Nam đã qua đi. Nhìn lại chặng đường đó, có thể thấy rõ sức đề kháng mạnh mẽ của nền kinh tế Việt Nam trước những biến động khôn lường do cuộc suy thoái toàn cầu gây ra. Chúng ta đã trở thành một trong số ít quốc gia trên thế giới vượt khủng hoảng nhanh chóng, đạt được tốc độ tăng trưởng GDP đáng khâm phục.

Có được thành công đáng tự hào đó, ngoài sự điều hành chỉ đạo linh hoạt, nhạy bén, kịp thời, chính xác của Chính phủ, theo TS. Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNV&N) Việt Nam, thì đó còn là nhờ chúng ta đã tạo ra được sự đoàn kết trong toàn Đảng, toàn dân; tạo ra được phong trào các cấp, các ngành chống khủng hoảng. Và nổi lên hơn cả là nỗ lực tự thân của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam - đối tượng bị ảnh hưởng trực tiếp bởi cuộc suy thoái.

Đánh giá về tình hình năm qua, ông Kiêm cho rằng: Năm 2009 là năm khó khăn nhất đối với DNV&N Việt Nam, đặc biệt trong quý I, biểu hiện ở chỗ vốn khan hiếm, lãi suất tăng gấp đôi; trong khi khủng hoảng thế giới làm cho xuất khẩu co lại, thị trường đầu ra trở thành bài toán khó, giá giảm nhanh nên tồn kho lớn.

Hai cái đó cộng hưởng khiến các DN rất khó khăn. Nhận định ban đầu của các chuyên gia đều cho rằng sẽ có khoảng 60% DN bị tác động mạnh, 20% nằm im và chỉ 20% thích ứng được. Nhưng tới thời điểm này, khi năm 2009 vừa qua đi, theo khẳng định của ông Kiêm, đã không xảy ra “sự phá sản hàng loạt” như nhận định ban đầu, hầu hết các DN đều đã trụ vững, vượt qua được khó khăn.

Bên cạnh sự tiếp sức rất kịp thời của chính sách kích thích kinh tế của Chính phủ, thì chính nỗ lực tự thân của các DN là yếu tố quyết định. Tôi luyện qua 2 năm đầy thử thách, DN đã có sự chuyển biến rất đáng kể trong nhận thức, có sự vươn lên rất kiên cường; đặc biệt, nếu trước đây liên kết là điểm yếu cố hữu của DN, thì trong khó khăn, các DN đã có sự hỗ trợ nhau rất tích cực; cùng với đó là nỗ lực tìm tòi, quyết đoán để tìm đường vượt qua sóng gió. Điều đó cho thấy khả năng tự thích ứng với tình hình và vươn lên của DN Việt.

Còn ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại, Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - trong lần trả lời báo chí gần đây khẳng định, phần lớn DN Việt Nam đã “vượt cạn” thành công, trụ vững trong điều kiện suy thoái kinh tế. Điều đó chứng tỏ khả năng chịu đựng dẻo dai, khẳng định tinh thần kinh doanh của DN Việt Nam không thua kém DN trên thế giới.

Ông Lộc đánh giá, trong khó khăn, một bộ phận DN Việt không chỉ đã thực hiện đổi mới cơ cấu cần thiết mà còn vươn ra thế giới, thậm chí nhiều DN còn mạnh dạn mở rộng địa bàn, thị trường đầu tư ra nước ngoài. Một số thương hiệu đã khẳng định được vị thế của mình trong giai đoạn kinh tế khó khăn. “Lửa thử vàng, gian nan thử sức”, qua khó khăn, bản lĩnh DN Việt đã được thể hiện rõ nét.

Tái cấu trúc doanh nghiệp - yêu cầu cấp thiết

Ông Vũ Tiến Lộc nhận xét, dù phát triển, trưởng thành khá nhanh và có sự cố gắng lớn, nhưng phải thừa nhận rằng tính chuyên nghiệp của DN Việt Nam vẫn còn rất non kém, còn có khoảng cách khá xa với các nước trên thế giới. Việc đổi mới, sáng tạo để tạo ra những sản phẩm có giá trị, tạo ra những cái mới, những sản phẩm có năng lực cạnh tranh không chỉ bằng chi phí mà cạnh tranh bằng chất lượng, bằng sự khác biệt thì DN Việt vẫn chưa làm được, vẫn chưa có sự bứt phá, đột biến. Ông Vũ Tiến Lộc nhận định: “Khi nền kinh tế thế giới bắt đầu một giai đoạn mới, chuẩn bị cho sự hồi phục, sẽ là một giai đoạn cạnh tranh khốc liệt giữa các DN, thậm chí còn gay gắt hơn giai đoạn trước khủng hoảng. Bởi vậy, sẽ là khó khăn rất lớn nếu các DN vẫn giữ nguyên cơ cấu như cũ”.

Một khảo sát mới đây cho thấy, có khoảng 89% số doanh nghiệp vẫn ổn định sản xuất, trên 52% doanh nghiệp lớn vẫn tiếp tục đầu tư mở rộng quy mô, 46% doanh nghiệp có nhu cầu mở rộng thị trường.

Nguồn: Hội thảo “Doanh nghiệp Việt Nam vượt lên sau khủng hoảng”

Trong năm 2010, một nhiệm vụ trọng tâm đã được Chính phủ đưa ra là thực hiện một bước tái cấu trúc nền kinh tế; trong đó nội dung quan trọng là tái cấu trúc DN. Ông Vũ Tiến Lộc cho rằng: Yêu cầu về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là 1 trong 3 yếu tố có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc giúp các DN Việt Nam có thể tái cấu trúc, nâng cao năng lực cạnh tranh (hai điểm còn lại là cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực hạ tầng cơ sở - PV).

Ngoài ra, cũng cần phải có một bước chuyển quan trọng trong liên kết giữa các doanh DN, đặc biệt giữa các DN lớn trong khu vực kinh tế quốc doanh với DNV&N thuộc khu vực tư nhân; DN đầu tư nước ngoài và DN trong nước. Những mối liên kết đó trong thời gian qua còn lỏng lẻo. Do vậy, cho dù đã có những ngành công nghệ cao, có DN lớn, dự án lớn mà vẫn không lan tỏa được đến sự phát triển của toàn bộ nền kinh tế quốc dân.

Một yếu tố cũng rất quan trọng để tăng cường sự liên kết giữa các DN chính là phát triển công nghiệp phụ trợ. Ông Lộc cho rằng, hiện nay, thực chất chưa có ngành công nghiệp phụ trợ ở Việt Nam, hầu hết nguyên phụ liệu vẫn phải nhập khẩu. Điều đó có nghĩa là khu vực DNV&N không phát triển, dẫn đến giá trị gia tăng của nền kinh tế rất thấp. Vì thế, một trong những yếu tố để nâng cao năng lực cạnh tranh, một yêu cầu của quá trình tái cấu trúc nền kinh tế trong thời gian tới, là phải phát triển mạnh mẽ khu vực công nghiệp phụ trợ.

Dù đã có sự xuất hiện của những thương hiệu hàng đầu về công nghệ cao ở Việt Nam, nhưng Việt Nam lại không tham gia được vào các khâu có giá trị gia tăng cao của thế giới, như vậy thực chất Việt Nam không có ngành công nghệ cao. Tuy nhiên để làm được việc đó, chúng ta cần có một chặng đường khá dài, đó cũng là định hướng của quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, để vươn tới những công đoạn cao hơn của chuỗi giá trị toàn cầu, thu hút nhiều hơn đầu tư vào lĩnh vực phát triển công nghiệp phụ trợ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Sức đề kháng của doanh nghiệp Việt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO