Sử dụng thẻ chưa hiệu quả

06/05/2010 08:47

Sử dụng thẻ chưa hiệu quả; Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt gần 6 tỷ USD; Xuất khẩu thanh long đi Mỹ - Nhật tăng; Trang bị máy tính cho nông dân đồng bằng sông Cửu Long...

Sử dụng thẻ chưa hiệu quả

Sử dụng thẻ chưa hiệu quả

Theo thống kê sơ bộ của Hội Thẻ VN, hiện cả nước có trên 20 triệu người sử dụng thẻ, 36.000 máy cà thẻ đặt tại các trung tâm thương mại, siêu thị, khách sạn, nhà hàng, cửa hàng mua sắm... Thế nhưng, thực tế mức phí mà ngân hàng thu của các điểm chấp nhận thẻ khi khách hàng thanh toán bằng thẻ nội địa rất thấp, chỉ 0,5 -1%.

Nguyên nhân của tình trạng trên một phần là do người tiêu dùng chưa có thói quen sử dụng thẻ ø để trả tiền, mặt khác vẫn còn nhiều bất tiện. Chẳng hạn, ở một vài trung tâm mua sắm, siêu thị, thanh toán bằng thẻ rất mất thời gian, có nơi chỉ đặt một máy nên người mua hàng phải đi thanh toán lòng vòng.

Ở các siêu thị, khi khách hàng thanh toán bằng thẻ, siêu thị phải trả phí cho ngân hàng phát hành thẻ nên không được lợi so với nhận tiền mặt. Chẳng hạn, nếu khách hàng thanh toán bằng thẻ Visa có công ty mất 2,5% phí, tương đương 50 - 80% lợi nhuận. Một số loại thẻ mức phí còn cao hơn, lên đến 3,7% giá trị hóa đơn, trong khi đó, lợi nhuận trên mỗi món hàng kim khí, điện máy rất thấp, chỉ 3 - 5%. Bà Nguyễn Thị Thanh Hằng, Phó chủ tịch Hội Thẻ VN cho biết, ước tính hệ thống thanh toán có chi phí đầu tư hơn 250 tỷ đồng của các ngân hàng (trung bình 400 USD/máy) nhưng vẫn chưa đem lại hiệu quả như mong muốn. Thậm chí tại nhiều điểm thanh toán, việc lắp đặt máy cà thẻ chỉ... để cho có.

LÂM - NHI

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt gần 6 tỷ USD

Theo báo cáo nhanh về đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, bốn tháng đầu năm, tổng vốn FDI thực hiện là 3,4 tỷ USD, tăng 36% so với cùng kỳ năm 2009. Vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là trên 5,9 tỷ USD, chỉ bằng hơn 74% so với cùng kỳ năm 2009. Hà Lan đứng đầu trong số các quốc gia đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam, với số vốn cấp mới tăng thêm là 2,1 tỷ USD. Tiếp theo là Nhật Bản và Mỹ. Tính theo các địa phương, Quảng Ninh với một dự án đăng ký cấp mới với giá trị trên 2,1 tỷ USD, đang là địa phương đứng đầu về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Điểm đáng ghi nhận là cơ cấu vốn FDI đăng ký vào Việt Nam trong bốn tháng đã có sự chuyển dịch khá tích cực. Số lượng các dự án đầu tư vào công nghiệp chế biến, chế tạo đang dẫn đầu, với 94 dự án cấp mới và 70 dự án tăng vốn, với tổng giá trị 1,55 tỷ USD. Đây là ngành đứng thứ hai về thu hút vốn FDI, sau lĩnh vực sản xuất, phân phối điện, khí, nước, điều hòa. Trong khi đó, lĩnh vực kinh doanh bất động sản đã xuống vị trí thứ ba khi có thêm 7 dự án mới với 1,2 tỷ USD và ba dự án tăng vốn quy mô nhỏ. Lĩnh vực dịch vụ lưu trú, ăn uống xuống vị trí thứ sáu trong danh mục các lĩnh vực thu hút nhiều vốn FDI.

Theo nhận định của TS. Nguyễn Minh Phong, Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế - Xã hội Hà Nội, dựa trên những phân tích về tình hình kinh tế thế giới và những chuyển động tích cực của nền kinh tế trong nước, có nhiều cơ sở để tin rằng thu hút FDI năm 2010 sẽ cao hơn mức tăng 10% so với năm 2009 mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đặt ra.

L.T

Xuất khẩu thanh long đi Mỹ - Nhật tăng

Ảnh: Q.H

Theo ghi nhận tại nhiều doanh nghiệp, ba tháng đầu năm, sản lượng trái cây tươi xuất khẩu tăng rất cao so với những năm trước, nhất là thanh long. Theo Cục Bảo vệ Thực vật, các chương trình xúc tiến xuất khẩu các loại trái cây khác của VN sang các thị trường khó tính vẫn đang tiến triển tốt. Dự kiến, trong năm nay sẽ đưa được nhãn, vải, chôm chôm vào Mỹ, thanh long và xoài vào thị trường Hàn Quốc.

Sau đó cũng sẽ đưa thanh long vào New Zealand và Úc. Công ty TNHH Rồng Đỏ (TP.HCM) cho biết, kể từ tháng 5/2010, Công ty sẽ tăng xuất khẩu thêm 2 container/tuần đối với thanh long đi đường biển và 10 - 20 container/tháng bằng đường hàng không.

Bên cạnh xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Công ty cũng triển khai kế hoạch xuất khẩu thanh long tươi vào Nhật Bản, đồng thời tăng cường hợp tác sản xuất với nông dân tại Bình Thuận, Long An, Tiền Giang, Tây Ninh và Đồng Nai để trồng thanh long ruột trắng và ruột đỏ sạch theo tiêu chuẩn Viet Gap, Global Gap...

Sau thanh long, hiện đang có thêm nhiều loại trái cây đặc sản của VN như: xoài, nhãn, bưởi, vú sữa... thâm nhập thành công những thị trường khó tính nhờ chất lượng ngon và giá cạnh tranh.

L.T

Trang bị máy tính cho nông dân đồng bằng sông Cửu Long

Ông Nguyễn Thọ Trí, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Lương thực Miền Nam, cho biết, các doanh nghiệp trực thuộc đang tiến hành lắp đặt máy vi tính nối mạng internet phục vụ nhu cầu cập nhật thông tin tại chỗ cho nông dân trồng lúa ở các tỉnh ĐBSCL mỗi xã một bộ.

Đây là dự án của Hiệp hội Lương thực VN nhằm tăng cường thông tin về giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, kỹ thuật trồng lúa, thị trường lúa gạo, tình hình xuất khẩu... từ các website của Bộ Công thương, Bộ NN&PTNT, Hiệp hội Lương thực VN và các địa phương cho nông dân. Có 1.382 xã có trồng lúa ở 13 tỉnh thành khu vực đồng bằng sông Cửu Long được Hiệp hội Lương thực VN hỗ trợ trọn bộ máy vi tính, bàn ghế, máy in, huấn luyện cách sử dụng máy và cước phí truy cập internet trong ba tháng đầu tiên. Chi phí mỗi bộ máy vi tính khoảng 16 -17 triệu đồng, tổng kinh phí đầu tư cho dự án là 30 tỷ đồng, trích từ nguồn đóng góp của các doanh nghiệp xuất khẩu gạo có hiệu quả.

H. LÂM

4.000 tỷ đồng đầu tư tuyến xe điện đầu tiên

Tuyến xe điện chạy trên mặt đất (tramway) đầu tiên của TP.HCM sẽ được khởi công vào tháng 8/2010. Chạy dọc theo đại lộ Đông - Tây (rộng 8 -10 làn xe) và nằm sát bờ kênh Bến Nghé - Tàu Hũ, tuyến xe điện sau khi hoàn thành sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, du lịch cho thành phố.

Tổng vốn đầu tư xây dựng tuyến xe điện ước khoảng gần 4.000 tỷ đồng, do liên danh Công ty TNHH Xây dựng Thương mại Thanh Danh, Công ty Cầu Phú Mỹ và Công ty Titanium Managemen (Malaysia) đầu tư theo hình thức BOT. Thời gian xây dựng hoàn thành và đưa vào khai thác tuyến xe điện này dự kiến trong năm 2012.

Ông Mạc Đăng Nớp, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần BOT Cầu Phú Mỹ (một trong những đối tác đầu tư dự án), cho rằng, tuyến xe điện đầu tiên đưa vào khai thác sẽ góp phần cải thiện tình hình giao thông trong khu vực, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tiết kiệm được nhiều thời gian đi lại...

Do kết hợp xây dựng các trung tâm thương mại lớn tại 6 nhà ga chính cùng với một số trung tâm mua sắm, dịch vụ đã và đang được xây dựng dọc đại lộ Đông - Tây, nên tuyến xe điện này còn được xem như một cú hích góp phần tạo thêm sự sầm uất cho các quận1, 5, 6 và Bình Tân.

K.B

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Sử dụng thẻ chưa hiệu quả
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO