Sớm thí điểm chính quyền đô thị tại TP.HCM

06/06/2013 09:28

Ngày 5/6, tại phiên thảo luận về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2014, điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa XIII và năm 2013 của Quốc hội, nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) quan tâm đến việc sớm thông qua Luật Chính quyền địa phương, hoặc một nghị quyết thí điểm thực hiện mô hình chính quyền đô thị tại TPHCM.

Sớm thí điểm chính quyền đô thị tại TP.HCM

Ngày 5/6, tại phiên thảo luận về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2014, điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa XIII và năm 2013 của Quốc hội, nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) quan tâm đến việc sớm thông qua Luật Chính quyền địa phương, hoặc một nghị quyết thí điểm thực hiện mô hình chính quyền đô thị tại TP.HCM.

Về vấn đề này, ĐB Đỗ Văn Đương (TP.HCM) cho biết:

“Khi thảo luận sửa đổi Hiến pháp, nhiều ĐBQH đề cập đến chính quyền đô thị, chính quyền địa phương nhưng chưa rõ nên phải có thí điểm. Với thành phố lớn như vậy, trung tâm kinh tế như vậy, hàng năm đóng góp nhiều nhất cho ngân sách nhà nước, trên 30%, tôi nghĩ QH nên ủng hộ để Chính phủ tổ chức triển khai việc thực hiện chính quyền đô thị tại TPHCM”.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày dự thảo Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi).

Chia sẻ thêm về vấn đề này, ĐB Trần Du Lịch (TP.HCM) cho rằng có một số ý kiến hiểu không đúng về việc thí điểm chính quyền đô thị tại TPHCM, cho rằng thành phố bỏ HĐND để làm chính quyền đô thị: “Bỏ HĐND không ra chính quyền đô thị được”.

Theo ĐB Trần Du Lịch, trong quá trình đô thị hóa TPHCM sẽ xây dựng một số đô thị trực thuộc chính quyền hiện nay và trong đề án xây dựng 4 đô thị (Đông, Tây, Nam, Bắc). Ví dụ phía Đông hiện nay có 3 quận Thủ Đức, quận 2, quận 9 với diện tích 230km2 và trong quy hoạch phát triển thành một đô thị hoàn chỉnh.

Như vậy ở 3 quận này bỏ HĐND nhưng nếu cho phép tổ chức thành một đô thị thì trở thành một đô thị mà cấp chính quyền đầy đủ, có HĐND với cơ chế phân cấp mạnh, tự chủ. “Tạm thời không tổ chức HĐND ở một số quận huyện là lùi 1 bước để tiến 3 bước, nâng vai trò của HĐND lên chứ không phải bỏ HĐND” - ông Trần Du Lịch khẳng định.

Về vấn đề này, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu cho rằng, thí điểm về chính quyền đô thị ở TP.HCM là chủ trương đã được nêu rõ trong nghị quyết của Đảng, nhưng hiện nay mới có tờ trình của TP.HCM. Đề nghị thành phố chuẩn bị kỹ đề án, phải có đề án rồi sau đó trình qua Chính phủ, để Chính phủ xem xét, sau đó báo cáo lại UBTVQH, lúc đó UBTVQH mới chuẩn bị tờ trình để báo cáo ra QH.

Gây lãng phí phải bồi thường

Cùng ngày, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra dự thảo Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi), tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của các ủy ban của QH về dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) và Luật Việc làm. QH cũng đã thảo luận tại hội trường về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung Điều 170 của Luật Doanh nghiệp.

Theo báo cáo của Chính phủ, sau 6 năm thực hiện, luật hiện hành đã tạo được sự đồng bộ tiết kiệm, chống lãng phí. Song tình trạng lãng phí chưa ngăn chặn được, vẫn xảy ra trên nhiều lĩnh vực.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, từ năm 2006 đến 2010, ngành tài chính thực hiện hơn 32.900 cuộc thanh tra, kiểm tra và đã phát hiện, kiến nghị xử lý tài chính 18.473 tỷ đồng, trong đó thu hồi nộp ngân sách 15.037 tỷ đồng; xử phạt hành chính 1.037 tỷ đồng; xử lý tài chính khác 2.398 tỷ đồng.

Từ năm 2006 đến tháng 7-2012, hệ thống kho bạc nhà nước từ chối thanh toán với số tiền khoảng 2.086 tỷ đồng.

Không những vậy, việc quản lý và triển khai thực hiện các dự án đầu tư cũng còn nhiều hạn chế, yếu kém, thất thoát, lãng phí xảy ra ở hầu hết các giai đoạn của quá trình đầu tư, dẫn đến hiệu quả đầu tư thấp.

Trong quản lý, sử dụng đất đai, trụ sở làm việc, nhà công vụ vẫn còn tình trạng sử dụng nhà đất không đúng mục đích, bị lấn chiếm hoặc để hoang hóa, khai thác không hết công năng hoặc sai mục đích. Một số nơi buông lỏng quản lý dẫn đến tình trạng giao đất, cho thuê đất nhưng không sử dụng, để lãng phí.

Tình trạng giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất sai quy định, không đúng đối tượng, không đúng thẩm quyền dẫn đến khiếu kiện đông người vẫn xảy ra. Quy hoạch “treo” ở nhiều địa phương gây lãng phí lớn nhưng chậm khắc phục.

Để khắc phục những bất cập hiện hành, điểm quan trọng trong dự luật sửa đổi là quy định rõ hơn về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức. Trong đó, bổ sung trách nhiệm giải trình trước cơ quan chức năng và trước công luận của người đứng đầu cơ quan, tổ chức nếu để xảy ra lãng phí trong đơn vị mình, tùy theo mức độ vi phạm phải chịu trách nhiệm trực tiếp, gián tiếp và liên đới. Bên cạnh đó, dự luật đã bổ sung trách nhiệm giải trình của các cán bộ, công chức, viên chức khi để xảy ra lãng phí...

Theo ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách, đa số ý kiến trong ủy ban thống nhất như dự thảo luật đối với quy định về các lĩnh vực phải thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị bổ sung “trách nhiệm trong việc ban hành chính sách, quyết định đầu tư gây lãng phí thì phải bồi thường”.

Nhà thầu nước ngoài phải sử dụng lao động Việt Nam

Theo báo cáo thẩm tra về dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) do Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu trình bày trước QH, dự án luật có phạm vi điều chỉnh rộng hơn so với Luật Đấu thầu hiện hành, cụ thể bổ sung các hoạt động lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư khi thực hiện mua sắm sử dụng nguồn vốn của nhà nước.

Đáng lưu ý, Ủy ban Kinh tế tán thành việc dự thảo luật quy định nhà thầu nước ngoài tham dự đấu thầu quốc tế tại Việt Nam phải liên danh hoặc ký hợp đồng với nhà thầu phụ Việt Nam, cam kết sử dụng lao động trong nước nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn để nhà thầu trong nước tham gia các gói thầu.

Cơ quan thẩm tra cũng tán thành với các sửa đổi, bổ sung theo hướng quy định cụ thể hơn về ưu đãi đối với nhà thầu, ưu đãi đối với hàng hóa và phương pháp tính ưu đãi nhằm tạo cơ chế thuận lợi cho nhà thầu Việt Nam khi tham gia đấu thầu quốc tế.

Thận trọng khi mở rộng bảo hiểm thất nghiệp

Chiều 5/6, QH đã cho ý kiến về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung Điều 170 của Luật Doanh nghiệp. Đa số ý kiến ĐBQH yêu cầu phân tích rõ nguyên nhân của việc các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài không thực hiện việc đăng ký lại theo quy định của pháp luật, mặc dù thời hạn đăng ký lại đã được gia hạn tới 2 lần (tổng cộng 5 năm). ĐB Nguyễn Thanh Hải (Hòa Bình) chất vấn: “Cứ như tờ trình của Chính phủ thì không rõ trách nhiệm chính thuộc về ai: cơ quan quản lý nhà nước thiếu đôn đốc nhắc nhở, DN không tôn trọng pháp luật hay do QH đã thông qua một luật không có tính khả thi? Không chỉ rõ, hiện tượng này sẽ còn lặp lại và làm mất tính tôn nghiêm của pháp luật”.

Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Việc làm nêu rõ, hiện nay mới khoảng 33% lao động làm công ăn lương, còn khoảng 67% lao động không có quan hệ lao động trong tổng số lao động đang làm việc trong nền kinh tế quốc dân.

“Dự thảo luật mở rộng phạm vi áp dụng bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) đối với nhóm lao động không có quan hệ lao động, tuy nhiên về vấn đề này có 2 loại ý kiến khác nhau”, bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội, cho biết.

Kinh nghiệm các nước cho thấy, việc mở rộng và quản lý các đối tượng này tham gia BHTN còn khá phức tạp và Quỹ BHTN dễ bị lạm dụng do những khó khăn trong việc xác định tình trạng thất nghiệp, công tác thu - chi, khả năng quản lý đối tượng hạn chế nên rất ít quốc gia thực hiện.

Do đó, dự thảo luật chỉ nên mở rộng phạm vi áp dụng đối với nhóm lao động có hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 3 tháng đến dưới 12 tháng; với nhóm lao động còn lại do chưa có kinh nghiệm, dự thảo luật nên quy định nguyên tắc, giao Chính phủ trong từng giai đoạn quy định điều kiện để tổ chức thực hiện.

Về hỗ trợ ngân sách nhà nước vào Quỹ BHTN, dự thảo luật quy định nhà nước hỗ trợ tối đa 1% quỹ tiền lương tháng đóng BHTN và giao Chính phủ quy định cụ thể mức hỗ trợ từ ngân sách.

Cơ quan thẩm tra đề nghị, trong thời kỳ đầu thực hiện chính sách BHTN, nhà nước có thể hỗ trợ một phần cho người lao động để chính sách đi vào cuộc sống, nhưng khi chính sách BHTN đã ổn định, ngân sách nhà nước không nên hỗ trợ thường xuyên mà chỉ khi Quỹ BHTN bội chi, lúc đó ngân sách nhà nước mới hỗ trợ phần còn thiếu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Sớm thí điểm chính quyền đô thị tại TP.HCM
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO