Sóc Trăng làm “cách mạng” ngành tôm

DNSG| 29/04/2010 00:39

Sóc Trăng làm “cách mạng” ngành tôm; Điều chỉnh thuế nhập khẩu xe ôtô; Giá thép sẽ được bình ổn?...

Sóc Trăng làm “cách mạng” ngành tôm

Sóc Trăng làm “cách mạng” ngành tôm

Ngày 28/4, ông Trần Thành Nghiệp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng sẽ dẫn đầu đoàn công tác gồm Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Hiệp hội Tôm Mỹ Thanh (tỉnh Sóc Trăng) và Công ty Qualasa tham dự Hội chợ Thủy sản châu Âu 2010 tổ chức tại Brussels - Bỉ. Đoàn cũng sẽ tổ chức hội thảo “Tỉnh Sóc Trăng hướng đến cuộc cách mạng trong ngành tôm để dẫn đầu về tính truy xuất nguồn gốc và phát triển bền vững”. Mục đích của chuyến đi là giới thiệu về tiềm năng nuôi trồng thủy sản, dự án tôm đang triển khai tại Sóc Trăng, để biến địa phương này trở thành “thủ phủ của ngành”.

Trước đó, vào ngày 9/3, dự án “Chuẩn hóa các yếu tố đầu vào, quy trình nuôi và thương hiệu tôm Sóc Trăng” đã được ký kết giữa Sở NN&PTNN tỉnh Sóc Trăng cùng với Hiệp hội Tôm Mỹ Thanh và Công ty Qualasa. Thế mạnh của Qualasa là có các đối tác chiến lược hàng đầu trong lĩnh vực thủy sản, như: Nutreco và Veolia Water. Ông Xavier Bocquillet, Giám đốc Điều hành Công ty Qualasa, cho biết, sẽ đầu tư một nhà máy chế biến tôm và sản phẩm giá trị gia tăng từ tôm tại tỉnh Sóc Trăng để đảm bảo tính truy suất nguồn gốc cho sản phẩm; hợp tác với người nuôi tôm nơi đây để đào tạo họ trở thành những “Doanh nhân kỹ nông kỹ thuật cao”. Tổ chức IMO (Thụy Sĩ) sẽ xây dựng một hệ thống chứng nhận ba lõi phù hợp với điều kiện nuôi trồng tại Việt Nam để người dân ở đây có thể áp dụng được với những hỗ trợ về kỹ thuật của Qualasa. Khi đạt được chứng nhận của hệ thống này, sản phẩm nuôi trồng sẽ đạt được được chứng nhận tiêu chuẩn AquaGAP, ASC, ACC, GlobalGAP (tùy thuộc vào thị trường và khả năng của người nuôi trồng)...

Được biết, Sóc Trăng hiện đang là một trong những tỉnh đóng góp sản lượng tôm lớn nhất cho ngành tôm Việt Nam với gần 60.000 tấn trong năm 2009.

NGUYỄN MẠNH

Điều chỉnh thuế nhập khẩu xe ôtô

Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 65/2010/TT-BTC về việc sửa đổi mức thuế suất thuế nhập khẩu xe ôtô. Theo thông tư này, bắt đầu từ ngày 26/4, thuế nhập khẩu đối với mặt hàng ô tô dưới 9 chỗ ngồi chạy xăng có dung tích xi-lanh từ 2,5 lít trở lên sẽ giảm 3% xuống mức 80%; đối với các loại xe 4 bánh 2 cầu chủ động sẽ giảm 6% xuống mức 77%. Trước thời điểm 23/4, mức thuế suất áp dụng đối với các loại xe này là 83%. Dù thuế nhập khẩu giảm nhưng các chuyên gia cho rằng khó có khả năng giá xe nhập khẩu sẽ giảm nhiều. Bởi hiện nay, mức thuế giảm không nhiều (chỉ giảm từ 4 - 12%), trong khi mặt hàng ôtô nguyên chiếc nhập khẩu đã được hải quan nâng mức giá tính thuế lên cao. Thêm vào đó, các nhà nhập khẩu hiện đã dành kinh phí thực hiện các chương trình khuyến mãi để kích cầu, nên khó giảm thêm.

M.H

Giá thép sẽ được bình ổn?

Bộ Công Thương vừa ban hành chỉ thị nhằm đảm bảo cung - cầu, bình ổn giá cả thép, góp phần kiềm chế lạm phát trong năm 2010. Theo đó, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải chỉ đạo các đơn vị sản xuất kinh doanh thép trên địa bàn đẩy mạnh sản xuất, không để tình trạng thiếu thép hoặc tăng giá bán bất hợp lý. Các Chi cục Quản lý Thị trường ngăn chặn, xử lý kịp thời những hiện tượng đầu cơ tăng giá thép, gian lận thương mại làm thất thu ngân sách Nhà nước và ảnh hưởng đến người tiêu dùng.

Theo Bộ Công Thương, lượng tiêu thụ thép xây dựng quý I của các thành viên Hiệp hội Thép đạt 1,22 triệu tấn, riêng tháng Ba đạt 568.000 tấn, tăng 60% so với cùng kỳ và tăng 88% so với tháng 3/2009. Giá thép bán lẻ trên thị trường trong tháng Ba tăng khoảng 600.000 đồng/tấn so với đầu năm 2010, tăng tới 13%, gần gấp đôi mức tăng bình quân của cả năm 2009.

Trong một diễn biến khác, mới đây, Bộ Tài chính đã thanh tra 12 doanh nghiệp thép trong diện phải đăng ký giá bán. Kết quả, chỉ có một doanh nghiệp có đăng ký giá bán, các doanh nghiệp khác không thực hiện quy định. Kết quả thanh tra cũng cho thấy, từ đầu năm 2009 đến nay, nhiều doanh nghiệp đã liên tục tăng giá bán, có doanh nghiệp đã điều chỉnh giá bán đến 163 lần. Điều đáng nói là dù liên tục tăng giá nhưng hầu hết các doanh nghiệp thép hoạt động không hiệu quả.

Cũng theo Bộ Tài chính, nguyên nhân khiến giá thép tăng cao, doanh nghiệp liên tục điều chỉnh giá mà vẫn lỗ là do nguyên liệu đầu vào tăng cao. Hiện nay, chi phí phôi thép chiếm tới 95% giá thành sản phẩm, trong khi, các doanh nghiệp Việt Nam phụ thuộc tới 50% từ nguồn hàng nhập khẩu. Vì thế, giá thế giới tăng cao đã ảnh hưởng không nhỏ đến các doanh nghiệp trong nước. Tuy nhiên, ngoài tác động của kinh tế thế giới, giá nhập khẩu tăng cao, một nguyên nhân nữa la doanh các doanh nghiệp lợi dụng, tạo tâm lý tăng giá để kiếm lời...

H.NGA

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Sóc Trăng làm “cách mạng” ngành tôm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO