Sinh viên đồng hành cùng hàng Việt

05/04/2011 06:43

Đề tài “Giải pháp khuyến khích người tiêu dùng TP.HCM tiêu dùng hàng Việt Nam tiếp cận từ hành vi người tiêu dùng”, của nhóm sinh viên Trường ĐH Ngoại thương (cơ sở 2 tại TP.HCM) vừa đoạt giải khuyến khích trong cuộc thi nghiên cứu khoa học cấp trường và giải khuyến khích cấp bộ. Nhóm gồm bốn thành viên đều là sinh viên năm 3 ngành kinh tế đối ngoại.

Sinh viên đồng hành cùng hàng Việt

Đề tài “Giải pháp khuyến khích người tiêu dùng TP.HCM tiêu dùng hàng Việt Nam tiếp cận từ hành vi người tiêu dùng”, của nhóm sinh viên Trường ĐH Ngoại thương (cơ sở 2 tại TP.HCM) vừa đoạt giải khuyến khích trong cuộc thi nghiên cứu khoa học cấp trường và giải khuyến khích cấp bộ. Nhóm gồm bốn thành viên đều là sinh viên năm 3 ngành kinh tế đối ngoại.

Nhóm sinh viên “đồng hành cùng hàng Việt” trong một cuộc thi năm 2010 do Nhà văn hóa Sinh viên TP.HCM tổ chức - Ảnh do nhân vật cung cấp

Để thực hiện đề tài, các thành viên chia nhau ra các siêu thị, chợ, khu dân cư nhờ người dân điền vào bảng khảo sát. Nhiều người dân rất nhiệt tình, nghe bảo sinh viên nghiên cứu thì sẵn lòng giúp, nhưng cũng có trường hợp sau khi nghe giải thích rất nhiều người lẳng lặng bỏ đi... Vậy mà nhóm vẫn kiên trì thực hiện đủ số lượng phiếu khảo sát từ mọi độ tuổi để phản ánh chính xác hành vi mua sắm. Thạc sĩ Trần Quốc Trung - giảng viên hướng dẫn của nhóm - đã công nhận nhóm sinh viên của mình tốn quá nhiều công sức, mồ hôi, nước mắt cho đề tài này khi cả nhóm đang trong giai đoạn thi cử và gặp khó khăn khi khảo sát.

Bạn Lê Phi Đuôn (thành viên nhóm) cho biết: “Những gì nhóm chúng mình muốn thực hiện chỉ hướng đến việc: áp dụng những kiến thức được học vào thực tế, và thể hiện cho mọi người biết rằng người Việt trẻ không đứng ngoài lề cuộc vận động người Việt dùng hàng Việt hiện nay”.

Kết quả là nhóm có được một vài con số khá thú vị trong khi khảo sát người tiêu dùng tại địa bàn TP.HCM như: cuộc vận động “người Việt ưu tiên dùng hàng Việt” đã tác động đến 66% người dân thay đổi thói quen tiêu dùng (hạn chế dùng hàng ngoại, sử dụng hàng Việt Nam nhiều hơn), hay có đến 91% người dân biết đến cuộc vận động “người Việt ưu tiên dùng hàng Việt”...

Một giải pháp ấn tượng nhất của nhóm chính là việc xây dựng một chuỗi mô hình kinh doanh tích hợp vừa có tính năng hiện đại của siêu thị, vừa mang đặc điểm dân dã của chợ, chỉ bán toàn sản phẩm Việt Nam. Mô hình được thiết kế theo từng ô kiốt, đặt ở khu dân cư, với các chiến dịch phù hợp để quảng bá đến người dân như: đại sứ thương hiệu, thân thiện với môi trường, giá cả cạnh tranh... Giải pháp này sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam quảng bá sản phẩm một cách dễ dàng, đường đến với người tiêu dùng cũng rộng mở hơn.

Bạn Ngô Sử Thái Hòa (thành viên của nhóm) chia sẻ: “Nghiên cứu khoa học là chuyện nhóm mình nên làm. Nhưng để công trình đó được ứng dụng một cách rộng rãi và tác động mạnh mẽ đến người Việt Nam, để họ thật sự thích sử dụng hàng Việt là những điều lâu dài mà nhóm mình chắc chắn sẽ thực hiện khi ra trường”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Sinh viên đồng hành cùng hàng Việt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO