Quốc hội thảo luận Dự án Luật Ngân hàng Nhà nước sửa đổi

MỘC MIÊN| 21/05/2010 03:05

Tiếp tục Quốc hội khóa VII kỳ họp lần thứ bảy, sáng 21/5 các đại biểu đã nghe và thảo luận báo cáo giải trình, tiếp thu chỉnh lý Dự án Luật ngân hàng Nhà nước sửa đổi

Quốc hội thảo luận Dự án Luật Ngân hàng Nhà nước sửa đổi

Tiếp tục Quốc hội khóa VII kỳ họp lần thứ bảy, sáng 21/5 các đại biểu đã nghe và thảo luận báo cáo giải trình, tiếp thu chỉnh lý Dự án Luật ngân hàng Nhà nước sửa đổi.

Cần có sự đồng thuận cao

Dự thảo luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sửa đổi) một lần nữa được đưa ra phiên thảo luận toàn thể của Quốc hội ngày 21/5 có nhiều luồng ý kiến khác nhau. Đó là điều mà Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên đã nhắc nhở các đại biểu cần có sự đồng thuận cao khi thảo luận.

Ông Hà Văn Hiền - Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế trong bản giải trình việc tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật NHNN (sửa đổi) đã đề cập đến thẩm quyền quyết định thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia (CSTTQG) theo đó, ý kiến đề nghị “Quốc hội quyết định chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia” được UNTVQH cho là “phù hợp với đặc điểm hoạt động của Quốc hội nước ta; đồng thời bảo đảm tính chủ động của Chính phủ và NHNN trong điều hành CSTTQG” với mục tiêu “ổn định giá trị đồng tiền” đã được xác định là “quan trọng nhất, chi phối các nội dung khác”.

Về việc “Hiến pháp quy định Quốc hội có thẩm quyền quyết định về chính sách, về tài chính tiền tệ quốc gia” - ĐB Đinh Xuân Thảo (Kiên Giang) nhấn mạnh: “Tham khảo ý kiến của chuyên gia nước ngoài thì thấy rằng “nội hàm chủ yếu của chính sách tiền tệ ở đây liên quan đến chỉ tiêu lạm phát và chỉ số giá tiêu dùng, là vấn đề cốt lõi nên giao cho Quốc hội quyết định. Việc phân định thẩm quyền của Quốc hội, của Chủ tịch nước, của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Thống đốc Ngân hàng như thế là hợp lý.”

Vấn đề NHNN góp vốn để thành lập các doanh nghiệp khác, UBTVQH cho rằng “NHNN chỉ tham gia góp vốn để thành lập một số doanh nghiệp đặc thù và không tham gia góp vốn vào các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực khác ngoài chức năng nhiệm vụ của NHNN”. Việc làm rõ khái niệm “một số doanh nghiệp đặc thù” thì phải theo quyết định của Thủ tướng.

Đại biểu đóng góp ý kiến - ảnh DÂN TRÍ

 Lãi suất cơ bản, bỏ hay giữ?

Dự thảo Luật không quy định về lãi suất cơ bản và NHNN được thực hiện điều hành thị trường tiền tệ bằng các công cụ chính sách như: lãi suất tái chiết khấu, lãi suất tái cấp vốn... và các tổ chức tín dụng được thực hiện chính sách lãi suất thoả thuận theo nguyên tắc thị trường. Nếu xảy ra diễn biến bất thường trên thị trường tiền tệ, NHNN sẽ can thiệp bằng cách quy định cơ chế lãi suất cụ thể để các TCTD thực hiện...

Không nhất trí với quy định trên, khá nhiều ý kiến cho rằng cần tiếp tục sử dụng công cụ lãi suất cơ bản để bảo đảm nguyên tắc Nhà nước quản lý đối với thị trường tiền tệ và làm cơ sở cho việc thực hiện các quy định của Bộ luật Dân sự và các văn bản pháp luật khác.
ĐB Trần Du Lịch (TP.HCM) gọi đây là “vấn đề có nhiều tranh luận” và đồng tình với việc “hướng tới điều tiết lãi suất trong điều kiện bình thường thì phải điều tiết theo quan hệ thị trường, quan hệ cung cầu”. Ông nói: “Trên thực tế hai năm qua chúng ta sử dụng lãi suất trong điều kiện không bình thường”, và “không thể lấy điều không bình thường để chế định một điều bình thường trong tương lai” cũng như “không thể điều khiển một thị trường tiền tệ bằng biện pháp hành chính. Chỉ trong điều kiện bất thường phải dùng biện pháp hành chính như Khoản 2 là đúng“.

Nguyên Thống đốc NHNNVN Cao Sĩ Kiêm cũng bày tỏ sự tán thành của mình đối với 18 nội dung đã được chỉnh sửa, đặc biệt là vấn đề lãi suất cơ bản và sự can thiệp của NHNN nhằm “xử lý những vấn đề đột xuất khi thị trường bất bình thường” vừa đảm bảo được tính ổn định luật và phù hợp với thông lệ quốc tế và theo nguyên tắc hoạt động của thị trường, vừa “có điều kiện để giải quyết tình thế” trong điều kiện thị trường tiền tệ bất ổn như những năm vừa qua”.

Một nội dung được quan tâm khác là vấn đề “tạm ứng cho Ngân sách nhà nước” (Điều 26), trước ý kiến đề nghị quy định cụ thể về mức tạm ứng, thời hạn tạm ứng của NHNN cho ngân sách nhà nước để xử lý thiếu hụt tạm thời, UBTV QH đã phủ quyết.

Đối với hoạt động quản lý nhà nước trong lĩnh vực kinh doanh vàng, UBTVQH tiếp tục tín nhiệm NHNN thực hiện chức năng quản lý như quy định của Luật hiện hành.

Kết thúc phiên thảo luận, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu đã thay mặt cơ quan soạn thảo xin tiếp thu các ý kiến đại biểu để cùng với Ủy ban thẩm tra tu chỉnh và báo cáo Quốc hội.

Phó Chủ tịch Nguyễn Đức Kiên cho biết “một số nội dung lớn, quan trọng, chưa có sự thống nhất thật cao, dự kiến sẽ gửi phiếu xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội. Khi điều hành thông qua toàn bộ dự án luật này cũng có thể biểu quyết riêng một số điều, một số nội dung liên quan đến những vấn đề chưa có sự thống nhất thật cao”.

trong ngày làm việc tiếp theo 22/5/2010, Quốc hội thảo luận ở tổ về Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2009; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2010 trong những tháng đầu năm; về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2008 và thảo luận ở Hội trường về dự thảo Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi).

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Quốc hội thảo luận Dự án Luật Ngân hàng Nhà nước sửa đổi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO