PPP hạ tầng vẫn ngại rủi ro pháp lý

Nguyễn Hoàng - ảnh: Quỳnh Lâm| 11/05/2020 00:35

Việc đưa ra những cơ chế, chính sách phù hợp không chỉ bù đắp sự sụt giảm của đầu tư tư nhân trong các dự án PPP mà còn góp phần tạo dựng nền tảng để đón đầu cơ hội phục hồi nền kinh tế khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát.

Theo ông Lưu Xuân Thủy - Phó chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả, việc thay đổi cơ chế, chính sách có thể là rủi ro đối với doanh nghiệp tư nhân khi đầu tư vào hạ tầng theo hình thức đối tác công tư (PPP). Những quy định về hỗ trợ vốn, tăng, giảm mức thu phí không chỉ ảnh hưởng đến nhà đầu tư trong việc huy động vốn, mà còn tác động đến ngân hàng cấp tín dụng cho dự án.

Đến nay mới có 10% chi phí đầu tư cơ sở hạ tầng của Việt Nam được tài trợ bởi khu vực tư nhân, thấp hơn nhiều so với nhiều quốc gia có thu nhập trung bình khác ở châu Á - theo Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển truyền thông (IPS). Không có bảo đảm của Chính phủ, lý do khiến một số dự án PPP trong lĩnh vực giao thông bị đình trệ, như cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, Tân Vạn - Nhơn Trạch. Rất ít nhà đầu tư nước ngoài quan tâm các dự án PPP nếu không có bảo đảm của Chính phủ. Trường hợp của Nhiệt điện TKV Quỳnh Lập 1 là một ví dụ, trong đó Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt nam (TKV) không thể huy động tài chính từ ngân hàng, tổ chức tài chính do không có bảo đảm của Chính phủ. Một nhà đầu tư Nhật Bản cho rằng, đảm bảo doanh thu tối thiểu là phương thức khuyến khích đầu tư nước ngoài rất hiệu quả, tỷ lệ chia sẻ giảm doanh thu sẽ được quyết định tùy từng công trình vì mỗi công trình sinh lời khác nhau với cơ chế kiểm soát các khoản nợ dự phòng và trần nợ công một cách hiệu quả và minh bạch.

thoisu-1-2269-1589165903.jpg

Một vướng mắc nữa, các công trình cơ sở hạ tầng của Việt Nam sẽ bán sản phẩm và thu doanh thu bằng đồng Việt Nam, trong khi nguồn vốn tài trợ dài hạn được cung cấp bằng ngoại tệ. Điều này làm dấy lên mối lo ngại về khả năng đáp ứng ngoại tệ phục vụ cho việc hoàn trả nợ và chuyển lợi nhuận ra nước ngoài. Để giải quyết vấn đề này, Dự thảo Luật Đầu tư hạ tầng theo hình thức đối tác công tư quy định, đối với những dự án mục tiêu quốc gia đã được Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Chính phủ sẽ đảm bảo về ngoại hối cho DN dự án. Nhà đầu tư hoặc DN dự án được phép mua ngoại tệ từ các tổ chức tín dụng được phép thực hiện các giao dịch ngoại hối nhằm đáp ứng yêu cầu về giao dịch vãng lai, giao dịch vốn và các giao dịch khác hoặc để chuyển nước ngoài tiền vốn, lợi nhuận và tiền thu được từ thanh lý đầu tư theo quy định luật kiểm soát ngoại hối. Tuy nhiên, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn nhấn mạnh sự cần thiết của bảo đảm của Chính phủ về khả năng chuyển đổi từ đồng Việt Nam phải trả trong khuôn khổ hợp đồng PPP thành ngoại tệ, trong suốt thời gian thực hiện hợp đồng, bao gồm cả việc hoàn trả nợ. Họ mong muốn rằng Chính phủ có cơ chế đảm bảo thực hiện nghĩa vụ của các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp nhà nước trong khuôn khổ hợp đồng PPP.

Chậm giải phóng mặt bằng đang là một rào cản trong các dự án PPP. Theo quy định, UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm tổ chức giải phóng mặt bằng và hoàn thành thủ tục giao đất hoặc cho thuê đất để thực hiện dự án theo quy định của pháp luật về đất đai, hợp đồng PPP và các hợp đồng liên quan khác. GS-TS. Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cho rằng, vấn đề thu xếp mặt bằng này là tối quan trọng đối với các nhà đầu tư nước ngoài vì đây là một trong những yếu tố rủi ro quan trọng nhất, các nhà đầu tư và bên cho vay thường do dự và không muốn ở vị trí phải chịu rủi ro gắn liền với việc giải phóng mặt bằng. GS. Nguyễn Mại nói Dự thảo Luật Đầu tư hạ tầng theo hình thức đối tác công tư cần làm rõ các biện pháp hỗ trợ của Nhà nước trong công tác giải phóng mặt bằng để DN xây dựng đúng thời hạn.

Số liệu của Chính phủ cho thấy, năm 2019, các bộ, ngành và các tỉnh đã ký, thực hiện 336 dự án PPP, với tổng vốn đầu tư 1.609.335 tỷ đồng (khoảng 70 tỷ USD). Chính phủ đã nỗ lực cải thiện khung pháp lý cho việc xây dựng và triển khai dự án PPP thông qua Dự thảo Luật Đầu tư hạ tầng theo hình thức đối tác công tư nhưng vẫn tồn tại những ý kiến trái chiều. Bà Vũ Quỳnh Lê - Phó cục trưởng Cục Đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, rất khó cho PPP vì bao gồm cả khu vực công và tư. Làm sao để giảm khoảng cách khá lớn giữa kỳ vọng của khu vực công và mong muốn của khu vực tư”.

Gần đây, Việt Nam đã phê duyệt kế hoạch xây dựng đường cao tốc Bắc Nam dài 1.372km trị giá ước tính 14 tỷ USD. Với 50% dân số Việt Nam dự kiến sẽ sống ở các thành phố, Hà Nội và TP.HCM đang xây dựng hệ thống giao thông công công trị giá hơn 22 tỷ USD với hy vọng giảm tỷ lệ sở hữu phương tiện cá nhân và cải thiện chất lượng không khí.

Dự thảo Luật Đầu tư hạ tầng theo hình thức đối tác công tư sẽ được trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 9, tháng 5/2020. Theo ông Nguyễn Quang Đồng - Viện trưởng IPS, bản chất dự án PPP là dự án được triển khai nhằm cung cấp sản phẩm, dịch vụ công (mục đích công) thông qua đầu tư tư (vốn tư), hoặc quản lý tư. Nhà nước cần có nghĩa vụ trong việc bảo đảm tính khả thi của dự án thông qua các công cụ hỗ trợ, bảo đảm và bảo lãnh, khi kêu gọi nguồn lực tài chính, tận dụng được trí thức, năng lực quản lý từ các thành phần kinh tế để bù đắp thiếu hụt về ngân sách. Nhà nước không thể đẩy toàn bộ trách nhiệm, rủi ro của việc thực hiện dự án mục đích công này cho tư nhân như đối với những dự án đầu tư kinh doanh, thương mại thông thường.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
PPP hạ tầng vẫn ngại rủi ro pháp lý
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO