Tiêm chủng vaccine cho người dân TP.HCM. Ảnh: Tin Tức |
Một số tỉnh, thành đã áp dụng các biện pháp mạnh mẽ hơn Chỉ thị 16, chẳng hạn như TP.HCM chỉ cho các doanh nghiệp (DN) sản xuất hoạt động nếu bảo đảm yêu cầu “3 tại chỗ” và "1 cung đường, 2 điểm đến". Trong ngày 15/8, TP.HCM cũng cho phép DN có thể tổ chức sản xuất theo phương án "3 tại chỗ theo kíp"- luân phiên theo kíp hoặc "4 xanh"- nhân lực xanh, cung đường xanh, vùng sản xuất xanh và nơi ở xanh. Hiện các chốt kiểm soát dịch như “phong toả vùng đỏ”, “bảo vệ vùng xanh” chi chít tại địa bàn của nhiều tỉnh, thành cho thấy quyết tâm kiểm soát dịch và chấp nhận hy sinh lợi ích kinh tế của các chính quyền địa phương.
Các biện pháp kiểm soát dịch chặt chẽ thể hiện quyết tâm cao, góp phần kiềm chế tốc độ lây lan, nhưng số ca nhiễm được ghi nhận mỗi ngày trên cả nước vẫn xấp xỉ 10.000 ca. Do vậy, nếu tiếp tục áp dụng các biện pháp mạnh mẽ như thời gian qua thì dịch chưa chắc giảm mà chắc chắn sự kiệt quệ kinh tế sẽ dẫn đến những hậu quả rất khó lường.
Hậu quả kinh tế xã hội của các biện pháp kiểm soát dịch hiện nay
Hiện nay, nhiều DN phải tạm ngừng hoạt động do không đáp ứng được yêu cầu chống dịch dẫn đến thu nhập của phần lớn người lao động bị giảm. Trong thời gian tạm ngưng sản xuất hoặc giảm lao động, nhiều lao động đã về quê nên khi DN khởi động lại sản xuất cũng rất khó huy động đầy đủ số lao động.
Bên cạnh đó, chi phí giao dịch trong nền kinh tế tăng lên đáng kể, làm vô hiệu tính hiệu quả của đa số các thị trường trong nền kinh tế. Các tổn thất kinh tế xảy ra cả phía cầu lẫn cung. Theo đó, sức mua trong nền kinh tế cũng giảm (mặc dù có những thời điểm cầu hàng hoá thiết yếu tăng do tâm lý tích trữ). Các yếu tố đầu vào phục vụ sản xuất như nguyên liệu, nhiên liệu động lực, nhân công…đều bị gián đoạn và tăng chi phí.
DN không làm ăn được, người lao động mất việc làm ảnh hướng đến nguồn thu ngân sách trong bối cảnh áp lực chi phí chống dịch đang đè nặng lên ngân sách. Khi DN gặp khó khăn, rủi ro đối với hệ thống tài chính ngân hàng là không thể tránh khỏi. Nếu DN ngưng hoạt động hoặc làm ăn thua lỗ kéo dài, khó lòng trả được các khoản vay đến hạn. Rủi ro nợ xấu trong hệ thống ngân hàng sẽ tăng không chỉ đối với các khoản cho vay DN, mà còn đối các khoản cho vay cá nhân. Bởi vì, nhiều người lao động mất việc làm hoặc bị giảm lương nên cũng gặp khó khăn trong thanh toán các khoản nợ vay như cam kết.
Kinh tế phi chính thức chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế Việt Nam và lực lượng lao động thuộc khu vực phi chính thức rất đông đảo. Các biện pháp kiểm soát dịch thời gian qua khiến gần như toàn bộ lao động khu vực phi chính thức phải tạm ngưng hoạt động. Nhiều người có số vốn nhỏ buôn bán để kiếm thu nhập sinh sống qua ngày, khi tạm ngưng hoạt động, họ sẽ chi tiêu thâm hụt vào vốn và trắng tay. Số người mất việc làm, số người không có thu nhập gia tăng sẽ tạo nhiều vấn an sinh xã hội cần được giải quyết.
Lúc này đây, không còn hy vọng về việc kiểm soát dịch để đưa số ca nhiễm về con số không, chỉ có thể hướng đến mục tiêu kiềm chế cường độ lây nhiễm và giảm số ca tử vong trong thời gian dài. Do vậy, cần phải có phương án “sống chung với Covid” trong mọi hoạt động của nền kinh tế.
Phương án “sống chung với Covid”
Để thực hiện phương án “sống chung với dịch Covid”, Chính phủ phải tăng cường tiêm chủng vaccine phòng Covid cho toàn dân, kiểm soát rủi ro tử vong, khơi thông lại dòng chảy nguồn lực trong các thị trường của nền kinh tế theo hướng giảm thiểu mức độ lây lan.
Cần có chiến lược quốc gia và phương án cụ thể. Trong chiến lược, cần chuyển trọng tâm đến mục tiêu giảm tử vong, khơi thông dòng chảy nguồn lực cho các thị trường, hạn chế mức độ lây lan, và xã hội hoá tiêm chủng vaccine và điều trị. Đồng thời, ban hành các quy định và hướng dẫn bảo đảm an toàn chống dịch đối với DN, trường học, cơ sở y tế, các chợ, giao thông và người dân. Bằng những cách như vậy Chính phủ sẽ thúc đẩy và hỗ trợ các đối tượng trong nền kinh tế thực hiện phương án sống chung với Covid để khôi phục kinh tế. Bên cạnh đó, thực hiện các biện pháp hỗ trợ và giải quyết vấn đề an sinh xã hội cho các đối tượng bị ảnh hưởng.
Mô hình Sống chung với Covid-19 của TS. Huỳnh Thanh Điền |
Khơi thông huyết mạnh cho nền kinh tế: Giao thông
Huyết mạch trong nền kinh tế là giao thông, cần có phương án chuẩn bị cho việc tháo dỡ các chốt kiểm soát không cần thiết và thay cho việc kiểm soát ở các tuyến giao thông bằng cách tăng cường kiểm soát từ nguồn. Một người đi đường chắc chắn có các mục đích khác nhau như đi học, giải trí, mua sắm, vận chuyển hàng hoá từ nơi sản xuất đến điểm bán hàng hoặc từ công ty này đến công ty khác, từ nhà đến cơ quan. Do vậy, chỉ cần bảo đảm an toàn ở các địa điểm xuất phát và điểm đến thì không cần thiết phải lập các chốt kiểm soát với các giấy xác nhận phức tạp, gây tổn thất chi phí và thời gian cho người dân, DN. Đồng thời cách này cũng giảm được chi phí cho các chốt kiểm soát.
Dạy - học và hội họp trực tuyến
Các hoạt động dạy, học, hội thảo, họp chuyển sang hình thức online. Thời gian qua giáo viên và học sinh, sinh viên đã quen với hình thức dạy học online. Các đơn vị đào tạo đã bắt đầu trạng bị hạ tầng công nghệ, học liệu phục vụ cho việc học online và hình thức học trực tuyến không ảnh hưởng lớn đến chất lượng đào tạo. Để chia sẻ khó khăn cho học sinh, sinh viên, nhà trường có thể xem xét giảm học phí vì chi phí cơ sở vật chất dạy online thấp.
Khó khăn lớn nhất là triển khai dạy online ở cấp tiểu học. Tuy nhiên, yêu cầu kiến thức bậc tiểu học không cao, nhà trường thiết kế chương trình, lịch trình dạy, giáo trình và kết quả học tập mong đợi chuẩn chuyển cho phụ huynh. Phụ huynh có thể đồng hành cùng với trường để dạy kiến thức cho các cháu. Nếu kết quả học tập mong đợi được mô tả rõ ràng, phụ huynh có thể tự kiểm tra kiến thức của con mình.
Doanh nghiệp sản xuất và các công trình xây dựng
Điều cần làm trước tiên là tiêm chủng vaccine, xét nghiệm định kỳ, có phương án cách ly trong trường hợp có ca nhiễm cho đội ngũ lao động trực tiếp và làm việc trực tuyến đối với lao động gián tiếp.
Các DN sản xuất, công trình xây dựng cho hoạt động lại bình thường với mô hình sản xuất, thi công bảo đảm an toàn. Mô hình 3 tại chỗ hoặc 4 tại chỗ không thể áp dụng trong thời gian dài vì đây là nguồn lây nhiễm rất lớn. Người lao động sống len lỏi trong khu dân cư, bằng cách này hay cách khác họ cũng có thể ra được, rất khó kiểm soát chặt chẽ. Không nên đặt ra các tiêu chuẩn an toàn gây khó khăn và chi phí cao cho DN. Bộ Y tế cần nghiên cứu mô hình sản xuất an toàn chống dịch áp dụng cho DN sản xuất với các kịch bản khác nhau: kịch bản không có ca nhiễm; kịch bản có ca nhiễm.
Điều kiện để DN hoạt động là bảo đảm người lao động được tiêm vaccine đủ liều. Cần quy định việc thực hiện xét nghiệm định kỳ để xác định phương án sản xuất an toàn cho trường hợp không có ca nhiễm hoặc trường hợp có ca nhiễm.
Trường hợp không có ca nhiễm, DN đảm bảo 5K( Khẩu trang – Khử khuẩn – Khoảng cách – Không tụ tập – Khai báo y tế) theo yêu cầu của Bộ y tế.
Trường hợp có ca nhiễm sẽ triển khai phương án phong toả khẩn cấp, cách ly F1 và xét nghiệm. Việc cách ly có thể thực hiện theo hình thức tại 1 khu vực thuộc DN hoặc tập trung tại khu cách ly của địa phương. Doanh nghiệp cần có kế hoạch đăng ký hình thức cách ly với chính quyền địa phương để thuận tiện cho việc phối hợp khi xảy ra trường hợp ca nhiễm. Khu vực sản xuất có ca nhiễm và các khu vực có liên quan đến ca nhiễm sẽ bố trí kiểu 3 tại chỗ. Các khu vực chưa có tiếp xúc vẫn hoạt động bình thường như trường hợp chưa có ca nhiễm.
Đối với lao động gián tiếp thuộc khối văn phòng của DN sẽ bố trí tối đa số người làm việc trực tuyến. Người lao động chỉ đến công ty khi thật sự cần thiết hoặc chỉ những vị trí không thể làm trực tuyến.
Đồng thời, các cuộc họp nội bộ, trao đổi với khách hàng sẽ chuyển toàn bộ sang họp trực tuyến. Hiện nay có rất nhiều công cụ họp trực tuyến miễn phí, DN và người dân dễ dàng sử dụng mà không tốn chi phí hoặc chi phí thấp. Việc chuyển đổi này chẳng những bảo đảm an toàn chống dịch mà còn góp phần tiết kiệm chi phí quản lý và tăng hiệu quả của các cuộc họp hơn nếu DN sử dụng thành thạo.
Chính phủ vừa đồng ý mua bổ sung gần 20 triệu liều vaccine Pfizer của Mỹ. Ảnh: Báo Chính Phủ |
Các loại hình vui chơi, giải trí
Các khu vui chơi, giải trí, vận tải, dịch vụ du lịch… có thể xem xét cho mở lại một số hoạt động có nguy cơ lây nhiễm thấp, nhưng vẫn phải bảo đảm điều kiện an toàn tránh lây nhiễm. Chính phủ cần ban hành danh mục một số hoạt động được phép hoạt động hoặc danh mục chưa được phép hoạt động trở lại. Đồng thời quy định chi tiết cụ thể về điều kiện an toàn khi hoạt động.
Chẳng hạn như các hoạt động karaoke, café, vũ trường, bar, hớt tóc, vui chơi trẻ em… tiếp tục ngưng hoạt động. Các hoạt động còn lại được phép hoạt động trở lại nhưng bảo đảm điều kiện an toàn.
Điều kiện an toàn để hoạt động đối với các DN loại hình này cũng tương tư như doanh nghiệp sản xuất. Phải bảo đảm người lao động được tiêm vaccine đủ liều, thực hiện xét nghiệm định kỳ. Khách hàng cũng bảo đảm được tiêm vaccine đủ liều và thực hiện 5K. Trường hợp phát hiện ca nhiễm thì sẽ ngưng hoạt động và thực hiện cách ly theo phương án tại chỗ hoặc tập trung tại địa phương. Hết thời gian cách ly và xét nghiệm không còn ca nhiễm sẽ có thể xem xét hoạt động trở lại.
Chợ truyền thống, siêu thị, cửa hàng tiện lợi, trung tâm thương mại và giao hàng
Các chợ truyền thống, siêu thị, cửa hàng tiện lợi, trung tâm thương mại và người giao hàng cho các đơn hàng trực tuyến…tiếp tục hoạt động tương tự như DN sản xuất: bảo đảm 5K, đã tiêm vaccine cho người lao động, xét nghiệm định kỳ. Có thể quy định thêm chỉ có người đã được tiêm vaccine mới đủ điều kiện đến các điểm mua sắm.
Việc bố trí, phân luồng, kiểm soát các biện pháp an toàn chống dịch ở các nơi mua bán này sẽ khá phức tạp. Cần xây dựng mô hình hoạt động chi tiết phù hợp với từng loại hình cụ thể để áp dụng thống nhất về lối vào, lối ra, cách bài trí hàng hoá, giao nhận hàng, thanh toán, giao tiếp khách hàng với người bán hàng,…
Tăng cường khuyến cáo người dân không dùng tiền mặt trong các giao dịch mua bán. Ở các đô thị lớn, phần lớn các điểm bán hàng đều được trang bị thiết bị thanh toán bằng thẻ tín dụng và tỷ lệ người dân có thẻ tín dụng cũng khá cao. Do vậy, việc này cũng dễ dàng thực hiện ở các đô thị lớn.
Y tế và người dân
Xã hội hoá việc tiêm vaccine và điều trị bệnh nhân nhiễm Covid là rất cần thiết và cấp bách trong bối cảnh hiện nay. Không cần phải thí điểm để rút kinh nghiệm, phải xem Covid là một căn bệnh cần nhiều cơ sở y tế cung cấp tiêm chủng vaccine và điều trị. Trong lúc nhu cầu tiêm chủng và số ca bệnh cần điều trị gia tăng như hiện nay, giải pháp mang tính đòn bẩy kinh tế là gia tăng số cơ sở y tế tiêm chủng và điều trị mới bảo đảm cân bằng cung cầu trên thị trường. Việc trì hoãn xã hội hoá tiêm vaccine, điều trị Covid đối với các cơ sở y tế tư nhân sẽ tạo ra sự thất bại của thị trường, gây tốn thất kinh tế rất lớn.
Bên cạnh đó, tiếp tục tuyên truyền hiệu quả các biện pháp chống dịch theo khuyến cáo 5K của Bộ Y tế, tiêm vaccine, các biện pháp cách ly, điều trị tại nhà, nhập viện khi bệnh trở nặng….Để tuyên truyền hiệu quả, cần tóm tắt ngắn gọn nội dung và sử dụng đa dạng các phương tiện để truyền thông với người dân.
Phát triển kinh tế trong bối cảnh dịch bệnh không nên đặt nặng mục tiêu tăng trưởng, thay vào đó là mục tiêu tạo việc làm, thu nhập, phúc lợi cho người dân, và hạn chế thấp nhất các vấn đề xã hội phát sinh và tử vong do Covid. Tăng trưởng kinh tế sẽ không có ý nghĩa nếu không tạo được việc làm, thu nhập và bảo đảm sức khoẻ cho đại bộ phận người dân.
(*Đại học Nguyễn Tất Thành)