Nông sản, đặc sản không thể thiếu thương hiệu

Hoành Sơn| 18/12/2009 08:30

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có nhiều loại hàng nông sản đặc sản và hơn 160 làng nghề, trong số đó rất nhiều làng nghề đã tồn tại trên 100 năm.

Nông sản, đặc sản không thể thiếu thương hiệu

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có nhiều loại hàng nông sản đặc sản và hơn 160 làng nghề, trong số đó rất nhiều làng nghề đã tồn tại trên 100 năm.

Để tăng sức sống cho hàng nông sản đặc sản và sản phẩm làng nghề, ngày 10/12/2009 tại An Giang, Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) và Công ty cổ phần Thương mại - Dịch vụ Hàng Việt đã tổ chức hội thảo “Tìm hiểu các mặt hàng nông sản và sản phẩm làng nghề để xây dựng thương hiệu ở khu vực phía Nam”.

Đặc sản của ĐBSCL được giới thiệu tại hội thảo

Tham dự hội thảo có các chuyên viên về xúc tiến xây dựng thương hiệu, đại diện các ngành hữu quan và hơn 50 chủ cơ sở làng nghề ở ĐBSCL. Hội thảo là cơ hội để đại diện các cơ sở làng nghề, hợp tác xã... trình bày về thế mạnh của nông sản đặc sản, sản phẩm làng nghề địa phương, như nguồn gốc, thực trạng sản xuất, khả năng phát triển, cung ứng, nhằm giúp các chuyên gia thu thập thông tin, xác lập cơ sở lựa chọn các nông sản đặc sản, sản phẩm làng nghề để hỗ trợ xây dựng thương hiệu và thúc đẩy tiêu thụ. Qua đó, Chương trình Xúc tiến thương mại thị trường trong nước của Bộ Công Thương sẽ xét chọn và trợ giúp 20 đơn vị ở ĐBSCL có sản phẩm tốt nhất tham gia Đề án Xây dựng thương hiệu năm 2010.

Ông Trần Anh Tuấn, chuyên viên của BSA, cho biết, các sản phẩm hoặc nhóm sản phẩm muốn trở thành ứng viên của Đề án cần phải quan tâm nhiều vấn đề. Trong đó, việc nâng cao chất lượng, chỉnh sửa mẫu bao bì, thể hiện được năng lực sản xuất và không thể thiếu thị trường là quan trọng nhất. Qua tìm hiểu nhiều cơ sở sản xuất, làng nghề thì thấy chưa thể hiện được năng lực sản xuất, cho dù sản phẩm của những nơi này rất ngon và có triển vọng phát triển. Thậm chí có cơ sở chưa nhận ra được cơ hội sản phẩm của mình sẽ bán được ở đâu, chứ đừng nói đến chuyện giới thiệu, quảng bá sản phẩm. Nhìn chung, nhiều cơ sở sản xuất còn rất mơ hồ về việc xây dựng thương hiệu.

Chủ nhiệm Câu lạc bộ Bánh pía - Lạp xưởng Sóc Trăng, ông Trần Kiến Quốc, cho biết, Câu lạc bộ có 34 thành viên, từ nhiều năm nay, các loại bánh pía và lạp xưởng của doanh nghiệp hội viên đã có mặt trên thị trường cả nước và một số nước châu Á, bây giờ muốn đưa sản phẩm đi xa, tiếp cận người tiêu dùng châu Âu, châu Mỹ lại thiếu kinh phí khảo sát thị trường, thiếu mặt bằng sản xuất và thiếu cả công nghệ mới. Vấn đề lớn này nếu được chính quyền các cấp quan tâm thì con đường xây dựng thương hiệu của doanh nghiệp mới rút ngắn lại.

Cùng chung một tâm trạng, ông Trần Văn Hà, ông Võ Thành Công đại diện cho hơn 150 lò bánh phồng, bánh tráng ở Mỹ Lồng (Bến Tre) đã có tiếng bấy lâu nay, than khó: “Bây giờ đang chuẩn bị mùa bánh Tết nên các lò còn kiếm ăn được. Chứ sau Tết, chỉ còn khoảng 20 lò hoạt động. Bởi vì chúng tôi làm nghề truyền thống, có được bao nhiêu hưởng bấy nhiêu. Chúng tôi cũng muốn khuếch trương để có của ăn của để, nhưng thật tình không biết phải làm gì và làm như thế nào”.

Có lẽ ý kiến của Bà Vũ Kim Hạnh, Giám đốc BSA, đã tháo mở được một trong những vấn đề chính yếu trong việc xây dựng thương hiệu cho các mặt hàng nông sản và sản phẩm làng nghề ở ĐBSCL. Theo bà Hạnh, ngoài việc Nhà nước hỗ trợ thông qua đề án trên, các doanh nghiệp, cơ sở làng nghề cần có sự liên kết trong việc chọn ra sản phẩm hoặc nhóm sản phẩm để xây dựng mạng lưới tiếp thị, mạng lưới phân phối mang tính tập thể thì mới đủ sức mạnh phát triển thương hiệu.

Đặc biệt, nếu liên kết được với ngành du lịch thì sẽ mang đến thành công lớn cho hàng nông sản đặc sản và sản phẩm làng nghề. Thị trường khách du lịch là thị trường tiềm năng cho việc quảng bá thương hiệu hàng nông sản đặc sản và sản phẩm làng nghề. Hằng năm, ĐBSCL đón khoảng 8 triệu lượt khách du lịch trong và ngoài nước. Vì vậy, liên kết với ngành du lịch sẽ mang lại hiệu quả cao cho hàng nông sản đặc sản và sản phẩm làng nghề ở địa phương.

“Ở An Giang, đến nay đã có 425 nhãn hiệu đăng ký sở hữu trí tuệ, trong đó có 36 nhãn hiệu làng nghề tập thể (nhiều nhất nước). Các sản phẩm có thương hiệu nổi tiếng như mắm Châu Đốc, gạo thơm Châu Phú... đã có mặt ở hầu hết các siêu thị trong cả nước. Hiện nay, các nhãn hiệu được bảo hộ sở hữu trí tuệ ở An Giang được mở rộng sang thị trường Campuchia. Đây cũng là một minh chứng hiệu quả cho chương trình xây dựng thương hiệu Việt cho hàng Việt Nam”, bà Hà Thị Bích Mai, Trưởng Phòng Quản lý sở hữu trí tuệ Sở Khoa học - Công nghệ tỉnh An Giang, khẳng định như vậy.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nông sản, đặc sản không thể thiếu thương hiệu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO