Nông sản biến đổi gen: Cẩn thận những hệ lụy

02/12/2011 05:36

Tiến sĩ Nông học Nguyễn Quốc Vọng, Việt kiều Úc, cho rằng việc Việt Nam phát triển nông sản biến đổi gen phải cân nhắc các hệ lụy và xét thêm về mặt thương mại.

Nông sản biến đổi gen: Cẩn thận những hệ lụy

Tiến sĩ Nông học Nguyễn Quốc Vọng, Việt kiều Úc, cho rằng việc Việt Nam phát triển nông sản biến đổi gen phải cân nhắc các hệ lụy và xét thêm về mặt thương mại. 

Tiến sĩ Nông học Nguyễn Quốc Vọng, Việt kiều Úc.

Đầu tháng 11/2011, thông tin trên các phương tiện truyền thông Nhật cho biết, bánh phở làm từ gạo của một công ty Việt Nam xuất sang Nhật có chứa chất biến đổi gen. Ngay lập tức, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn khẳng định: “Việt Nam không cho phép nhập khẩu và kinh doanh gạo biến đổi gen nên rất khó có khả năng gạo này lọt vào và có mặt tại thị trường trong nước”. Từ vụ việc này, Tiến sĩ Nông học Nguyễn Quốc Vọng, Việt kiều Úc, người có hơn 30 năm làm việc và nghiên cứu trong lĩnh vực nông nghiệp Úc và Nhật, đặt vấn đề: với cách đầu tư và làm nông nghiệp hiện nay của Việt Nam thì tương lai cho những sản phẩm nông sản xuất khẩu sẽ còn gặp tiếp những khó khăn nào?

Theo ông, thông tin Nhật phát hiện chất biến đổi gen trong bánh phở của một doanh nghiệp Việt là đúng hay sai?

Mỗi khi nhận được cảnh báo, ngay lập tức phải xét xem bánh phở mình có chất biến đổi gen không đã. Bởi trong trong quá trình chế biến, việc sử dụng thêm những phụ gia như dầu ăn, hoặc trộn một chút các loại bột khác là điều có thể xảy ra. Kinh nghiệm cho thấy một khi đã công khai công bố như vậy, phía Nhật đã có sẵn câu trả lời rồi: đó là ngưng nhập khẩu bánh phở từ Việt Nam. Nói vậy là vì vào năm 2009, khi Nhật thông báo gạo xuất khẩu qua Nhật của Việt Nam có chứa thuốc bảo vệ thực vật (chất acetamiprid) quá ngưỡng cho phép, dù phía Việt Nam có phản ứng như thế nào, Nhật vẫn ra lệnh ngưng nhập khẩu gạo từ Việt Nam. Năm đó, chúng ta mất thị trường gạo Nhật, tức là mất hơn 200.000 tấn gạo thơm, với giá cao hơn nhiều lần so với gạo thường.

Vậy theo ông, doanh nghiệp Việt xuất khẩu nông sản sang thị trường Nhật cần chú trọng điều gì?


Vài nét về Tiến sĩ Nông học Nguyễn Quốc Vọng


TS. Nguyễn Quốc Vọng có 12 năm kinh nghiệm làm việc tại Nhật, 28 năm công tác tại Úc và từng là giảng viên tại Đại học RMIT Melbourne Vic 3001 (Úc). Với mong muốn có thể góp một phần trí lực vào sự phát triển giáo dục nước nhà, đặc biệt là giáo dục đại học, từ năm 2007, ông đã về Việt Nam, đảm nhiệm cương vị cố vấn cho trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội.

Nông dân và các doanh nghiệp Việt Nam từ nay phải chú trọng 3 điều: Thứ nhất là, phải biết thị trường Nhật không chấp nhận thức ăn biến đổi gen. Đây không phải là điều mới lạ. Từ lâu chúng ta đã biết Nhật và châu Âu là 2 thị trường khó tính về chất lượng, đặc biệt rất nhạy cảm với thức ăn biến đổi gen. Thứ hai, cả Nhật, châu Âu, Úc và có lẽ nhiều doanh nghiệp nhập khẩu khác trên thế giới từ nay sẽ rất thận trọng với hàng nông sản, thực phẩm Việt Nam. Và cuối cùng là vì tình hình thức ăn biến đổi gen của Việt Nam từ nay sẽ vô cùng phức tạp, nên các nông dân và doanh nghiệp Việt Nam cần phải ý thức điều đó để nghiêm chỉnh rà soát tất cả đầu vào, đảm bảo hàng của mình không có chất biến đổi gen.

Sau cây ngô mà Chính phủ đã có chủ trương phát triển biến đổi gen, theo ông, những cây nào nên tiếp cận công nghệ này?

Tôi nguyên là cán bộ của Bộ Nông nghiệp bang New South Wales ở Úc. Chính phủ Úc nhận định rằng phát triển và ứng dụng các giải pháp công nghệ sinh học vào nông nghiệp là con đường tất yếu, đầy triển vọng với một thị trường thế giới to lớn. Úc sẽ mất 1,8-7 tỉ USD nếu không tham gia vào thị trường này. Chính vì vậy mà Úc đã rất tích cực nghiên cứu và phát triển công nghệ sinh học, đặc biệt trong ngành dược học. Tuy nhiên, trong nông nghiệp thì khác. Mặc dù đã cho phép nghiên cứu và trồng thử cây biến đổi gen, nhưng Úc cũng chỉ bó gọn trong 3 loại: cải dầu, bông vải và hoa cẩm chướng. Không có thứ nào trực tiếp làm thức ăn cả.

Việt Nam là nước xuất khẩu nông thủy sản, thực phẩm. Khách hàng Việt Nam chủ yếu là Nhật và châu Âu. Cho nên việc phát triển thực phẩm biến đổi gen cũng phải nên cân nhắc thêm về mặt thương mại. Tôi rất muốn thấy Việt Nam tích cực đầu tư vào việc nghiên cứu và phát triển công nghệ sinh học. Nhưng đối với việc Chính phủ Việt Nam cho phép phát triển cây ngô, đậu tương biến đổi gen thì tôi thấy rõ một hệ lụy rất to lớn. Đó là các ngành thủy sản, thịt lợn, thị gia cầm (là những thứ cần thức ăn ngô và đậu tương) cho xuất khẩu sẽ bị ảnh hưởng lớn bởi vì khách hàng nhập khẩu thủy sản của ta phần lớn là Nhật và châu Âu.

Việt Nam có nên phát triển lúa biến đổi gen?

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát đã nói: “Hầu hết các giống lúa của chúng ta do các nhà khoa học Việt Nam làm ra. Hiện nay năng suất của chúng ta cao hàng đầu trên thế giới”. Cho nên lấy lý do dùng giống lúa biến đổi gen để tăng năng suất sợ rằng không ổn. Tại sao lại nghĩ đến chuyện phát triển gạo biến đổi gen khi chúng ta chưa gặp vấn đề nào quá khó khăn về giống và phương pháp canh tác?


Bộ Nông nghiệp Mỹ đã từng kết luận “việc Mỹ mất thị phần ngô ở thị trường châu Âu là kết quả từ những vấn đề liên quan đến công nghệ biến đổi gen”. Vậy có ai trong chúng ta dám hy sinh cuộc sống của hàng triệu nông dân trồng lúa Việt Nam để thử một mặt hàng mà hiện nay chưa có nhu cầu nhưng hết sức nhạy cảm cho xuất khẩu như thế không?

Tuy nhiên ở đây cũng xin mở một dấu ngoặc, Việt Nam là 1 trong 5 quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu. Liên hiệp Quốc đã cảnh báo, trong thế kỷ này, nếu không có những hoạt động tích cực ngăn ngừa, mực nước biển ở Việt Nam sẽ dâng lên khoảng 30 -100 cm và như vậy gần như toàn bộ đồng bằng sông Cửu Long sẽ chìm trong nước. Tạo được giống lúa sống được trong lũ và nước mặn là đề tài nhiều nhà khoa học trong đó có Việt Nam đang nghiên cứu. Có thể giống lúa chống lũ, chống mặn năng suất cao, chất lượng tốt lý tưởng đầu tiên sẽ là giống lúa biến đổi gen. Trong trường hợp chỉ còn duy nhất một con đường để chọn, Việt Nam cần phải cân nhắc về việc có nên phát triển giống lúa biến đổi gen hay thứ khác, ví dụ nuôi tôm?

Vậy quan điểm của ông về phát triển cây biến đổi gen tại Việt Nam thế nào?

Úc là một nước công nghiệp nên nông nghiệp giữ vai trò khiêm tốn trong nền kinh tế. Tuy nhiên trong nông nghiệp, chiến lược của Úc là phát triển nông nghiệp cho xuất khẩu nên khách hàng là quan trọng hàng đầu hướng dẫn việc Úc nghiên cứu và phát triển thứ gì. Do vậy các nhà khoa học Úc nghiên cứu, điều tra thị trường nhập khẩu xem có chấp nhận thức ăn biến đổi gen hay không. Kết quả là chỉ có bông vải và cải dầu biến đổi gen được cho phép trồng.

Việt Nam là một nước nông nghiệp, gần 30% trong số 79 tỉ USD kim ngạch xuất khẩu năm 2010 là nông thủy sản. Chúng ta là đại gia xuất khẩu gạo, tôm, cá tra, những mặt hàng đem hàng tỉ USD về cho đất nước. Hội nhập là hòa nhập, mở rộng với thị trường quốc tế, là nâng chất lượng sản phẩm Việt Nam mở rộng khắp năm châu. Không ai nói hội nhập là phải có cây, thức ăn biến đổi gen. Ở Úc, Mỹ và Nhật, người tiêu dùng cho rằng nông sản chất lượng cao là sản phẩm sản xuất theo phương pháp hữu cơ, không ai trong họ nói cây biến đổi gen có chất lượng cao cả, trừ trong ngành dược học.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nông sản biến đổi gen: Cẩn thận những hệ lụy
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO