Nỗ lực kềm giá

11/11/2010 06:48

Thủ tướng Chính phủ vừa yêu cầu chủ tịch UBND các địa phương thành lập ngay các đoàn kiểm tra việc tuân thủ quy định về đăng ký, kê khai, niêm yết giá và bán theo giá niêm yết.

Nỗ lực kềm giá

Thủ tướng Chính phủ vừa yêu cầu chủ tịch UBND các địa phương thành lập ngay các đoàn kiểm tra việc tuân thủ quy định về đăng ký, kê khai, niêm yết giá và bán theo giá niêm yết.

Mua hàng bình ổn giá tại cửa hàng Vissan mới khai trương sáng 9-11 ở quận Tân Phú, TP.HCM - Ảnh: T.T.D.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh:

Mục tiêu cao nhất là chống lạm phát

Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh

Trao đổi nhanh với Tuổi Trẻ về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh nói:

- Thật ra việc này Bộ Tài chính đã chỉ đạo rồi nhưng hiệu lực chưa mạnh, nên lần này kiến nghị Thủ tướng có yêu cầu. Đây là vấn đề rất hệ trọng vì quản lý giá trên địa bàn chỉ có địa phương thôi, còn bộ chủ yếu quản lý nhà nước. Kiểm tra việc tuân thủ quy định về quản lý giá này cái chính là ở địa phương, ví dụ như lực lượng quản lý thị trường trên địa bàn Hà Nội rất đông, lên đến mấy trăm người, như vậy mới có lực lượng triển khai. Chúng tôi cũng đề nghị huy động tất cả lực lượng trên địa bàn không có phân biệt, như quản lý thị trường, cần thiết có thể huy động thêm nhân viên thuế...

* Việc kiểm tra sẽ tập trung vào những mặt hàng nào?

- Không giới hạn nhưng trước hết tập trung vào những mặt hàng nằm trong danh mục phải bình ổn giá, mặt hàng quan trọng và thiết yếu cho nền kinh tế thì phải làm trước.

* Khi phát hiện có sai phạm về quản lý giá thì chế tài như thế nào?

- Trong công văn của Thủ tướng đã có chỉ đạo cụ thể. Nếu phát hiện vi phạm, đoàn kiểm tra của địa phương phải xử lý kiên quyết, nghiêm túc theo đúng quy định của pháp luật và công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng. Thực tế cho thấy phải có chế tài nghiêm, không xử lý thì không làm gì được.

* Chỉ số giá tiêu dùng trong hai tháng gần đây ở mức cao nên nhiều ý kiến lo ngại lạm phát sẽ lên tới hai con số?

- Chính phủ đã triển khai đồng bộ các giải pháp cả về tỉ giá, USD, vàng... Trước mắt điện, than chưa điều chỉnh giá, xăng dầu cũng giữ ổn định... Nói chung là quyết liệt. Ví dụ xăng dầu thế giới đã lên 84-85 USD/thùng, đúng ra bình thường đã phải cho điều chỉnh giá, nhưng vì mục tiêu cao nhất hiện nay là chống lạm phát cao nên chưa có điều chỉnh, ở đây thuế cũng chưa có điều chỉnh.

Bộ Tài chính tung đoàn kiểm tra giá

Bộ Tài chính cũng có công văn gửi các địa phương đề nghị phối hợp với việc triển khai các đoàn kiểm tra việc tuân thủ các quy định về quản lý giá ở địa phương.

Bộ cũng lưu ý các địa phương cần thực hiện kiểm soát việc đăng ký giá, kê khai giá đối mặt hàng thuộc danh mục đăng ký giá, nhất là các mặt hàng: thuốc chữa bệnh cho người, sữa, thép xây dựng và vật liệu xây dựng, khí gas, phân bón, thức ăn chăn nuôi...; kiên quyết dừng các trường hợp đăng ký giá, kê khai giá bất hợp lý, tăng giá quá cao so với biến động của yếu tố đầu vào và mặt bằng giá thị trường. 

Mở thêm nhiều điểm bán hàng bình ổn

* Thức ăn chăn nuôi lại tăng giá

Theo ghi nhận tại thị trường TP.HCM, hiện mức chênh lệch giá giữa chợ sỉ và chợ lẻ ở nhiều mặt hàng khá cao. Thông thường, chênh lệch giữa chợ sỉ và chợ lẻ 15-20% nhưng hiện nay nhiều mặt hàng lên đến 40-50%. Ví dụ giá xà lách Pháp tại chợ Tam Bình (Q.Thủ Đức) 20.000 đồng/kg, về chợ Bà Chiểu (Q.Bình Thạnh) 40.000 đồng/kg, rau muống 10.000 đồng/kg về chợ lẻ 20.000 đồng/kg... Tiểu thương chợ Bà Chiểu cho rằng thời tiết mưa kéo dài khiến tỉ lệ hư hỏng tăng buộc người bán phải tăng giá.

Bà Lê Ngọc Đào, phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM, thừa nhận tình trạng chênh lệch giữa chợ sỉ và chợ lẻ cao hiện nay do khâu phân phối có vấn đề, trong đó hàng hóa phải qua nhiều tầng nấc trung gian trong khi hàng bình ổn chưa vào chợ truyền thống nhiều.

Theo bà Đào, trước nay các doanh nghiệp đều phát triển mạng lưới bán hàng bình ổn, tuy nhiên do việc mở rộng còn mang tính mạnh ai nấy làm nên hiệu quả kềm giá của hàng bình ổn chưa cao. “Sở đang yêu cầu các doanh nghiệp khẩn trương mở những điểm bán và bán tất cả hàng bình ổn. Theo kế hoạch, từ đây đến cuối năm sẽ có ít nhất 11 điểm bán hàng tập trung được mở” - bà Đào cho biết. Cuối tháng 11/2010, các đơn vị phải báo cáo về phát triển mạng lưới bán lẻ phục vụ tết. Doanh nghiệp phối hợp với UBND quận, huyện tận dụng các điểm, mặt bằng chợ chưa phát huy hết công suất để đưa hàng bình ổn vào chợ truyền thống.

Trong khi đó, giá các loại rau, củ quả vẫn đứng ở mức cao. Theo tiểu thương tại chợ đầu mối nông sản trên địa bàn TP.HCM, giá nông sản từ Trung Quốc nhập về những ngày qua đều tăng ít nhất 2-5% do đồng nhân dân tệ tăng giá so với VND. Giá tỏi trắng Trung Quốc (chưa sơ chế) từ 35.000 đồng/kg lên 37.000 đồng/kg, hành tím giống Ấn Độ lên 15.000 đồng/kg, hành trắng 9.000-10.000 đồng/kg.

* Ngày 10/11, các đại lý phân phối thức ăn chăn nuôi cho biết tiếp tục nhận được thông báo tăng giá của các công ty sản xuất. Theo đó, giá thức ăn đậm đặc dành cho heo tăng 200 đồng/kg, cám hỗn hợp cho heo tăng 120 đồng/kg, thức ăn dành cho gia cầm tăng 160 đồng/kg. Đây là lần tăng giá thứ năm trong vòng hai tháng qua, việc các loại thức ăn chăn nuôi liên tục tăng giá đã đẩy giá thành chăn nuôi lên cao.

Theo ông Chamnan Wangakkarangkul, phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Chăn nuôi CP VN, do giá các loại nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi nhập khẩu liên tục tăng lên thời gian qua nên các công ty buộc phải tăng giá bán.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nỗ lực kềm giá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO