Nhìn CPI tháng 2, lo cho lạm phát năm 2010

25/02/2010 07:52

Mức tăng 1,96% của chỉ số giá tiêu dùng trong tháng Tết Canh Dần chưa thể nói lên nhiều điều về bức tranh kinh tế nhưng đủ khiến không ít chuyên gia phải giật mình khi nghĩ về nguy cơ lạm phát.

Nhìn CPI tháng 2, lo cho lạm phát năm 2010

Mức tăng 1,96% của chỉ số giá tiêu dùng trong tháng Tết Canh Dần chưa thể nói lên nhiều điều về bức tranh kinh tế nhưng đủ khiến không ít chuyên gia phải giật mình khi nghĩ về nguy cơ lạm phát.

Giải thích cơ sở để tính toán chỉ số giá tiêu dùng tháng 2/2010, Vụ phó Vụ Thống kê Thương mại, Dịch vụ và Giá cả (Tổng cục Thống kê) Nguyễn Đức Thắng cho biết: “Bởi vướng Tết nên chỉ số giá tháng 2 được chốt từ ngày 12, thay vì ngày 15 như thường lệ. Mức tăng của CPI tháng 2 và hai tháng đầu năm tăng, tuy cao nhất trong hơn một năm qua, song việc so sánh đó cũng cần cân nhắc kỹ, bởi sau hơn một năm qua kinh tế suy thoái, sức mua cũng như giá cả đã giảm xuống”.

Diễn biến CPI trong những tháng gần đây. Nguồn: GSO.

Theo ông Thắng, trong giai đoạn 2003-2007, chỉ số giá hai tháng đầu năm lần lượt tăng 3,1 - 4,1 - 3,6 - 3,3 và 3,2%. Như vậy, nếu so sánh với giai đoạn này, mức tăng 3,35% của 2 tháng đầu năm nay chỉ thuộc diện trung bình và dư âm của Tết trong CPI sẽ được thể hiện rõ nét trong tháng 3.

Vụ phó Vụ Thống kê Thương mại, Dịch vụ và Giá cả cũng cho rằng, tốc độ tăng dự kiến cũng sẽ ở mức cao do tác động của đợt tăng giá xăng hôm 21/2. Yếu tố giá điện, nếu được áp dụng tăng từ 1/3, sẽ chỉ bắt đầu thể hiện trong chỉ số giá từ tháng 4, vì điện chốt công suất sử dụng vào cuối tháng.

Theo ý kiến của chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành, cho dù không gặp phải cản trở từ giá điện trong tháng 3, giá cả các mặt hàng cũng rất khó hạ nhiệt: “Doanh nghiệp hiện gặp rất nhiều khó khăn vốn vay vừa khó, vừa phải chịu lãi suất cao. Lãi vay cao thì doanh nghiệp muốn sống được phải tăng giá bán, doanh nghiệp không sống được thì thị trường sẽ thiếu hàng hóa. Trong hai con đường ấy, con đường nào cũng dẫn tới giá cả leo thang”.

Nói về tầm quan trọng của chỉ số giá tiêu dùng tháng 3, tiến sĩ Vũ Đình Ánh, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu giá cả, Bộ Tài chính cho rằng: “CPI của tháng 2 tuy là tăng rất cao nhưng con số này không có nhiều ý nghĩa. Cái lo ngại nhất chính là việc giữ vững chỉ số giá của tháng 3. Xăng dầu tăng, điện sinh hoạt điều chỉnh... tất cả những yếu tố này sẽ tác động đến chỉ số giá của tháng 3”.

"Nói tóm lại tất cả mọi thứ sẽ dồn vào tháng 3. Nếu tháng 3 chỉ số tăng mạnh thì kế hoạch của cả năm coi như đã hoàn thành. Đến tháng 6, CPI có thể đạt mức tăng 7%", ông Ánh nói.

Chia sẻ về quá trình nghiên cứu giá thời gian qua, ông luôn quan tâm đến chỉ số giá của tháng 3 vì nó luôn quyết định tới xu thế của cả năm. Nghĩa là CPI của tháng 3 tăng quá cao thì hệ quả kéo theo là khá lớn, nó sẽ tác động tới việc không ổn định được vĩ mô, lạm phát tăng cao. Lúc đó sẽ phải tập trung chống lạm phát, hệ quả sẽ lại giảm mục tiêu tăng trưởng và như vậy mục tiêu tăng trưởng sẽ khó đạt được.

Bởi tính chất nhạy cảm của tháng 3, ông Ánh cho rằng không nên dồn quá nhiều sức ép vào tháng này. Các động thái như tăng giá những mặt hàng chiến lược cũng cần phải thận trọng xem xét. "Điều tôi lo lắng nhất hiện nay là việc Chính phủ phải hy sinh mục tiêu tăng trưởng để chống lạm phát. Khi ấy kịch bản gồng mình chống lạm phát của năm 2008 sẽ lặp lại", ông nói.

Ở tầm vĩ mô, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu giá cả cho rằng, giá cả trong năm nay sẽ phụ thuộc rất nhiều vào chính sách điều hành và cần khẳng định một lần nữa về tính thời điểm để đưa ra các quyết sách là rất quan trọng: “Nếu CPI tháng 3 giảm hoặc tăng thấp thì chúng ta có thể an tâm về giá trong cả năm, nhưng với những động thái như hiện nay thì tình hình giá cả của tháng 3 sẽ khó đoán định được”.

Dư âm của Tết sẽ được phản ánh khá nhiều trong CPI của tháng 3/2010. Ảnh minh họa: Hoàng Hà

Tiếp cận vấn đề ở một góc nhìn khác, Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh, Phó giám đốc phụ trách chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright Việt Nam cho rằng những diễn biến tác động đến chỉ số giá tiêu dùng những tháng đầu năm 2010 đã được dự báo từ trước:

“Với thực trạng cung tiền vào cuối năm 2009 và tác động của Tết Âm lịch, việc CPI tăng cao trong hai tháng đầu năm là điều hiển nhiên. Tác động của việc tăng giá xăng, giá điện cũng không quá bất ngờ khi đã được dự báo từ quý III/2009. Tuy nhiên, với những diễn biến gần đây của nền kinh tế, tôi cho rằng mục tiêu kiềm chế lạm phát ở mức dưới 7% là không thể thực hiện được”.

Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh cho rằng mục tiêu kiềm chế lạm phát ở mức trên dưới 10% sẽ là khả dĩ hơn đối với kinh tế Việt Nam năm nay. Tuy nhiên, mục tiêu này cũng không dễ thực hiện nếu diễn biến của thị trường thế giới không thuận chiều và Chính phủ không đưa ra được những chính sách tài khóa hợp lý:

“Lạm phát sẽ tăng cao nếu tài khóa tiếp tục được mở rộng. Đối với một nền kinh tế tăng trưởng 5 - 6% như Việt Nam, tăng trưởng tín dụng từ 25 - 30% là hợp lý. Quy mô tín dụng trong một giai đoạn 5 năm liên tiếp cũng chỉ nên ở mức 50 - 60%, không nên vượt quá cả GDP như hiện nay”, tiến sĩ Tự Anh chia sẻ.

Cùng cho rằng mức lạm phát 9 - 10% sẽ là khả dĩ hơn cho kinh tế Việt Nam trong năm nay, tiến sĩ Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách ( ĐH Kinh tế, ĐHQG Hà Nội) cho rằng cái giá mà nền kinh tế phải trả để thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát là rất đắt:

“9 - 10% là mục tiêu khả dĩ hơn nhưng không có nghĩa là chắc chắn thực hiện được. Muốn làm được điều này, nhất thiết phải thắt chặt chính sách tài khóa, nhiều doanh nghiệp có thể sẽ lao đao. Tuy nhiên, vào thời điểm hiện nay, lạm phát đã là một nguy cơ lớn và người ta sẽ phải nhìn nhận nó một cách nghiêm túc hơn”.

Về phần mình, ông Nguyễn Đức Thắng, Vụ phó Vụ Thống kê Thương mại, Dịch vụ và Giá cả (Tổng cục Thống kê) khẳng định: “Xét về dài hạn, diễn biến chỉ số giá có thể chịu ảnh hưởng nhiều bởi khả năng tăng giá các loại nguyên nhiên liệu đầu vào và tác động của luồng vốn kích cầu được đẩy mạnh bơm ra nền kinh tế năm ngoái. Kiềm chế CPI theo mức Quốc hội đề ra phải phấn đấu là rất khó khăn, nhiều khả năng là cao hơn thế. Nhưng CPI cả năm nay có thể dưới mức hai con số, không cao tới mức như các tổ chức nước ngoài lo ngại”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nhìn CPI tháng 2, lo cho lạm phát năm 2010
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO