![]() |
Do giá đầu vào tăng nhưng giá sữa không tăng, nên khá nhiều hộ chăn nuôi bò sữa đang bỏ nghề. Theo số liệu của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM, ước tính tổng đàn bò sữa của TP.HCM chỉ còn gần 73 nghìn con với hơn 8.800 hộ nuôi, giảm hơn 110 hộ so với đầu năm 2010, trong đó giảm mạnh nhất là ở xã Tân Thạnh Đông, huyện Củ Chi.
![]() |
Để người nông dân sống được với nghề chăn nuôi bò sữa, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM đã làm việc với các công ty thu mua sữa, đề nghị sửa đổi một số điều trong hợp đồng ký kết giữa người nuôi bò với doanh nghiệp thu mua sữa cũng như quy chế thưởng, phạt... để giải quyết khó khăn cho người chăn nuôi bò sữa.
Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp cũng đang có kế hoạch giúp bà con nuôi bò sữa đảm bảo đầu ra ổn định. Ông Nguyễn Văn Trực, Tổng giám đốc Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn cho biết, Tổng công ty đang đầu tư nhà máy thu mua sữa ở huyện Củ Chi và sẽ cam kết tiêu thụ toàn bộ lượng sữa tại khu vực này và cũng sẽ ký kết cổ phần cho những trang trại này.
Công ty FrieslandCampina cũng đã thiết lập những mô hình chăn nuôi kiểu mẫu, rất chuyên nghiệp, khoa học, phù hợp với điều kiện khí hậu và tài chính của nông dân Việt Nam để huấn luyện cho người chăn nuôi bò sữa; hình thành những mô hình chăn nuôi quy mô lớn, có nguồn sữa chất lượng cao.
Xây dựng chính phủ điện tử trong vòng 5 năm tới
Tại Triển lãm Quốc tế Công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông lần thứ 15 (CVW15), Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho biết, Việt Nam đang nhắm tới việc xây dựng một chính phủ điện tử (CPĐT) hoạt động có hiệu quả trong vòng 5 năm tới đây.
Năm 2010 được coi là mốc quan trọng trong việc triển khai thực hiện CPĐT tại Việt Nam. Theo đó, việc đánh giá triển khai quyết định số 48/2009 của Thủ tướng Chính phủ về ứng dụng công nghệ thông tin - truyền thông trong các cơ quan nhà nước giai đoạn 2009-2010, và tổng kết việc thi hành Chỉ thị 58 của Bộ Chính trị, kế hoạch quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin - truyền thông trong các cơ quan nhà nước giai đoạn 2011-2015 với tổng vốn đầu tư hơn 49 triệu USD và rất nhiều dự án quốc gia về công nghệ thông tin cũng sẽ được triển khai.
Việt Nam sẽ khuyến khích sự hợp tác giữa hai khu vực công, tư trong việc xây dựng CPĐT. Nhờ có CPĐT, trong 3 năm qua, Việt Nam đã tiết kiệm được hàng ngàn tỷ đồng... Hiện Việt Nam đang xây dựng đề án thực hiện CPĐT trong vòng 5 năm tới, và đề án này dự kiến sẽ được Chính phủ thông qua trong tháng tới, tạo bước đệm cho việc thực hiện lộ trình quốc gia về CPĐT.
Phó Thủ tướng cho biết, sẽ tiến hành việc xếp hạng hằng năm đối với 63 tỉnh và thành phố trong việc ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động của chính quyền địa phương và sự đóng góp cho kế hoạch xây dựng CPĐT.